Đã hơn 2 tháng triển khai thực hiện Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động (NLĐ) mất việc trong các DN gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế năm 2009, nhưng đến thời điểm này, các DN chưa nhận được khoản vay với mức lãi suất hỗ trợ 0%. Tính đến đầu tháng 5 mới có 1 DN ở Hải Phòng được giải ngân khoản vay 500 triệu đồng để trả lương và BHXH cho NLĐ.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, trên cơ sở rà soát những DN nhiều lao động có báo cáo về tình hình mất việc làm, Hà Nội lựa chọn 2 DN thực hiện thí điểm vay vốn mức lãi suất hỗ trợ 0% là Cty CP Gốm sứ Thanh Trì – VIGLACERA và Cty CP Cơ khí 120. Tuy nhiên, để nhận được tiền vốn vay các đơn vị phải trải qua khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử: Theo quy định, DN được hưởng chính sách này phải đang trong tình trạng không nợ BHXH cùng các khoản trợ cấp đối với NLĐ cũng như việc cắt giảm lao động phải diễn ra trong năm 2009. Tuy nhiên, với Cty CP Sứ Thanh Trì – VIGLACERA thì từ cuối năm 2008 đã phải giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc cho NLĐ; đây cũng là DN sử dụng nhiều LĐ, từng đứng đầu trong số các DN còn nợ BHXH. Trong năm 2009, Cty CP Sứ Thanh Trì – VIGLACERA có 300 LĐ… ngồi chơi trong điều kiện 4 tháng đầu năm ngừng sản xuất. Tuy nhiên, rất may là trung tuần tháng 5, Cty này đã hoạt động trở lại và số LĐ không bị cắt giảm, vẫn giữ được đội ngũ thợ kỹ thuật có tay nghề. Bà Đỗ Thị Xuân Phương – Phó giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng Chính phủ nên mở rộng đối tượng áp dụng như hỗ trợ LĐ bị mất việc làm từ năm 2008 chứ không chỉ bó hẹp trong năm 2009. Căn cứ là, trong số 367 DN báo cáo tại Hà Nội thì năm 2008 đã có tới 25 nghìn LĐ mất việc và thiếu việc, đến cuối năm 2009 dự báo sẽ có khoảng trên 34 nghìn LĐ mất việc và thiếu việc. Việc mở rộng như vậy mới thực sự là khuyến khích DN cố gắng giữ và tạo việc làm cho LĐ trong bối cảnh chờ nền kinh tế phục hồi. Nếu như cứ chiểu theo quy định điều kiện vay vốn là DN phải có số lao động cắt giảm từ 30% hoặc từ 100 LĐ trở lên (không kể LĐ thời vụ 3 tháng) và sau khi đã sử dụng các nguồn của DN mà chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH và tiền trợ cấp việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho NLĐ, vô hình trung khuyến khích DN sa thải LĐ. Bên cạnh đó, việc tính lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần được điều chỉnh. Nếu theo chính sách hỗ trợ 4% của Chính phủ cho phép hộ gia đình sản xuất kinh doanh được vay thì lãi suất chỉ còn tương đương 0,55 – 0,65%/tháng. Trong khi đó hỗ trợ ưu đãi, học nghề, tạo việc làm cho DN với lãi suất 0,65%/tháng là chưa hợp lý. Hiện Hà Nội chưa thống kê được số LĐ mất việc tại các KCN, KCX nên LĐ mất việc năm 2009 cũng chưa được vay vốn. Hơn nữa, để được vay vốn tạo việc làm, LĐ phải giải trình được dự án tạo việc làm với Ngân hàng Chính sách, trong khi đó đa số LĐ mất việc lại là LĐ phổ thông và mất việc trong năm 2008. Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng đắn, kịp thời, không chỉ hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng mà còn bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để Quyết định đi vào cuộc sống thì cần phải hướng dẫn sát với thực tiễn hơn nữa để sớm đến được với các đối tượng. Về điều này, ông Nguyễn Trọng Hoà – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nhất trí quan điểm sẽ xem xét, kiến nghị chỉnh sửa Quyết định 30 theo hướng điều chỉnh thời gian, hỗ trợ cả NLĐ mất việc và DN khó khăn trong năm 2008. |