Hội thảo “Hiện đại hóa bản địa & di sản” đang thu hút sự quan tâm của giới KTS, hứa hẹn mang đến diễn đàn đầy cảm hứng tại Thành phố cảng Hải Phòng, vào ngày 12/5 sắp tới. Với sự tham gia của 350 KTS và 05 diễn giả là chuyên gia uy tín trong ngành kiến trúc và nội thất.
TRUY TÌM BẢN SẮC TỪ QUÁ KHỨ
KTS Hưng Đào – Giám đốc AHL Architects sẽ mang tới tham luận “Tìm bản sắc từ quá khứ”. Trong buổi thảo luận này, KTS Hưng Đào dẫn người nghe phiêu du trên hành trình kiếm tìm bản sắc Việt trong kiến trúc. Đây cũng là cách để gạn lọc những tinh hoa, trân trọng quá khứ và phát triển tương lai.
Được biết, KTS Hưng Đào là người sở hữu những bản thiết kế nhà ở trong đô thị kết hợp hoàn hảo giữa tính tiện ích và thẩm mỹ. Áp dụng nhiều phong cách và sử dụng các vật liệu đối lập, anh đã tạo ra những không gian độc đáo với sự tương phản đặc trưng. Phần chia sẻ của KTS Hưng Đào nhất định sẽ mang lại một góc nhìn sâu sắc về vấn đề khai thác, làm mới các thành tố bản địa thông qua quá trình thiết kế kiến trúc.
TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẠI THÀNH PHỐ DI SẢN
Sinh ra và lớn lên tại xứ Huế mộng mơ, Những thiết kế của KTS Nguyễn Xuân Minh – sáng lập BHA Studio ít nhiều đều mang dáng dấp của mảnh đất cố đô. Kiến trúc của anh tập trung vào việc tương hợp và áp dụng ánh sáng, không gian và môi trường để tạo ra các công trình có sự hòa quyện đặc biệt. Trong các dự án của anh, dễ dàng nhận thấy sự sáng tạo trong việc sử dụng ánh sáng và cách tạo ra những không gian có tính chất độc đáo. Các công trình của anh tạo ra các góc “chơi” với ánh sáng, những khu vực chuyển tiếp và mở rộng có mục đích rõ ràng.
Góp mặt tại hội thảo “Hiện đại hóa bản địa và di sản” lần này, KTS Nguyễn Xuân Minh mang tới tham luận “Xây cất tại thành phố di sản”. Anh tập trung truyền tải kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng lồng ghép với yếu tố di sản, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố nơi chốn trong các công trình kiến trúc.
CƠM, PHỞ VÀ GIA VỊ ĐỊA PHƯƠNG
Một trong những chủ đề tiếp theo, được KTS Đặng Việt Khoa – Giám đốc điều hành KAZE Interior Design Studio mang đến là “Thiết kế nội thất công trình nghỉ dưỡng: Cơm, Phở và gia vị địa phương”. Một chủ đề giàu tính gợi mở, hứa hẹn sẽ mang đến những góc nhìn thú vị về kinh nghiệm trong quá trình thiết kế dự án nghỉ dưỡng.
Tham luận của KTS Đặng Việt Khoa tập trung làm sáng tỏ việc làm thế nào để thiết kế nội thất phản ánh đặc trưng văn hóa, vị giác và cảm xúc của người dân địa phương. Những quan điểm làm nghề giàu tính chuyên môn và thực tiễn, dựa trên kinh nghiệm của anh cùng đội ngũ cũng sẽ được truyền tải một cách chi tiết và cảm hứng hóa.
SÁNG TẠO TIẾP BIẾN DI SẢN
Việc kết hợp cốt lõi bản địa với các yếu tố hàn lâm, dân gian, vật liệu và công nghệ truyền thống đã trở thành xu hướng phổ biến trong ngành kiến trúc. Chủ đề “Sáng tạo tiếp biến di sản” sẽ là điểm nổi bật của hội thảo “Hiện đại hóa bản địa & di sản” do KTS Hoàng Thúc Hào – Sáng lập VP thiết kế 1+1>2, Phó chủ tịch hội KTS Việt Nam truyền tải.
Trong thời gian gần đây, vai trò của yếu tố bản địa trong kiến trúc ngày càng được đánh giá cao. Nhiều công trình mang tính bản địa của Việt Nam đã xuất sắc giành các giải thưởng quốc tế, và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành kiến trúc. Một trong những tên tuổi lớn góp phần vào thành công này là KTS Hoàng Thúc Hào và văn phòng thiết kế của anh.
Để tạo ra những tác phẩm phản ánh rõ nét tinh thần Việt, các kiến trúc sư phải có cách tiếp cận đúng đắn đối với di sản văn hóa, linh hoạt trong việc tiếp biến các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa. Họ cần hội tụ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy và phát triển tiềm năng chung, tạo ra những sản phẩm kiến trúc độc đáo và ấn tượng. Tương tự như một ban nhạc Jazz đầy sáng tạo và thăng hoa, họ kết hợp những “1” nhỏ thành một “2” lớn hơn, tạo ra những tác phẩm mang giá trị và ý nghĩa đặc biệt.
VẬT LIỆU HIỆN ĐẠI CÓ LÀM NÊN “HỒN CỐT” BẢN ĐỊA?
Ông Nguyễn Minh Cương – TGĐ Gỗ Minh Long, trong vai trò là một chuyên gia của đơn vị sản xuất vật liệu, cũng là 1 trong 5 vị diễn giả cuối cùng có mặt tại Hội thảo. Dưới chủ đề “Vật liệu hiện đại trong kiến trúc bản địa”, ông Nguyễn Minh Cương sẽ trình bày những quan điểm sáng tạo về tính bản địa của vật liệu trong ngành kiến trúc, thông qua 05 khía cạnh chính gồm: cảm nhận về tinh thần bản địa, sự thích ứng với môi trường tự nhiên, việc tiếp nối với văn hóa và xã hội, tính phù hợp với kỹ thuật và công nghệ, cùng khả năng tích hợp hài hòa trong vận động không ngừng của thời đại.
Có thể nói, tính bản địa trong kiến trúc hiện đại không chỉ đơn thuần là việc thể hiện văn hóa thông qua hình ảnh, chất liệu và biểu tượng, mà còn chứa đựng môi trường sinh thái tự nhiên. Tác phẩm đó phải chứng minh được khả năng thích ứng lâu dài với điều kiện của địa phương. Qua đó, phản ánh nhu cầu và đời sống của cộng đồng, tôn trọng truyền thống văn hóa và phát triển kinh tế.
Bởi lẽ đó, tính bản địa trong kiến trúc hiện đại không giới hạn trong việc sao chép các biểu tượng hay chất liệu truyền thống một cách khuôn mẫu. Để thể hiện tính bản địa hài hòa với tính chất hiện đại của một công trình, KTS cần có sự sáng tạo, hiểu biết sâu sắc về chất liệu, cũng như nhạy bén với đặc điểm về môi trường và văn hóa địa phương.
Hội thảo “Hiện đại hóa bản địa & di sản” được tổ chức với sứ mệnh truy tìm văn hóa bản địa trong từng lối kiến trúc, hướng tới những giá trị bền vững vượt thời gian, mang hồn cốt Việt vào trong lối sống của từng người dân. Đăng ký tham gia Hội thảo ngay để cùng theo dõi hành trình làm sống dậy văn hóa bản địa với các KTS có tiếng trong ngành !