Sáng 4/7, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã khởi công trùng tu, tôn tạo di tích đền Voi phục (phường Ngọc Khánh) – trấn phía Tây của Kinh thành Thăng Long xưa, trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân Thủ đô và phường sở tại. Cùng với các công trình tu bổ tôn tạo đình Kim Liên – trấn Nam (quận Đống Đa), đền Bạch Mã – trấn Đông (quận Hoàn Kiếm), đền Quán Thánh – trấn Bắc (quận Ba Đình), đền Voi phục là di tích thứ tư trong “Thăng Long tứ trấn” đã và đang được tu bổ, tôn tạo hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Công trình có tổng kinh phí đầu tư hơn 18 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách), bao gồm các hạng mục: quy hoạch tổng thể hạ tầng sân vườn, tường rào cây xanh, tôn tạo nhà Mẫu, nhà quản tượng, am hoá vàng, giếng ngọc, miếu Tả, miếu Hữu, cải tạo tổng thể hệ thống điện, nước, chống mối mọt, phòng cháy chữa cháy; mở rộng 1664 m2 của Dự án do Cty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội quản lý, tháo dỡ hệ thống xe trượt trên ray… Công trình dự kiến thi công trong vòng 270 ngày và hoàn thành vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo một số tư liệu cổ, đền Voi phục được dựng vào năm 1065, đời Lý Thánh Tông ở phía Tây thành Thăng Long, thuộc địa phận làng Thủ Lệ, nay là công viên Thủ Lệ. Đền thờ Linh Lang Đại Vương, tương truyền là hoàng tử Hoàng Chân con trai vua Lý Thánh Tông, từng có công cầm quân, đánh thắng quân Tống. Đền từng bị thực dân pháp phá đổ năm 1947, sau đó được xây dựng lại. Năm 2007, quận Ba Đình đã tổ chức di dời 7 cá nhân, tổ chức kinh doanh trong khu vực bảo vệ của đền bằng nguồn vốn xã hội hoá. trong đền hiện còn lưu giữ hai pho tượng đồng và nhiều tư liệu Hán Nôm cổ giá trị. Cửa đền có đắp hai con voi quỳ vì vậy đền có tên dân gian đền Voi phục.
|