(VTC News) – Cầu Phú Mỹ, một trong số những cây cầu dây văng hiện đại nhất Việt Nam vừa chính thức được khánh thành vào chiều ngày 2/9/2009, tạo ra một động lực phát triển mới cho khu vực vùng ven của TP.HCM.
Chiều nay (2/9), dưới sự chứng kiến, tham dự của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Xây Dựng, Bộ Ngoại Giao, Thành Uỷ – HĐND – UBND TP.HCM cùng đại diện các cơ quan ngoại giao tại TP, cầu Phú Mỹ đã chính thức được khánh thành trong sự hân hoan và chờ đợi của người dân TP sống tại Q.2, Q.7, Q.9.
Cầu Phú Mỹ, một trong những cây cầu dây văng hiện đại nhất Việt Nam (Ảnh: N.D)
Với tổng chiều dài toàn cầu là 2.033 m (trong đó phần cầu chính là 705m và phần cầu dẫn 1.328m), chiều rộng 27,5m, chiều cao thông thuyền 45m và tổng vốn đầu tư là 2.077 tỷ đồng, đánh giá của người dân TP.HCM thì đây có thể được coi là cây cầu dây văng lớn và hiện đại nhất, không chỉ của TP.HCM mà mang cả tầm vóc quốc gia.
Công trình xây dựng cầu Phú Mỹ được đầu tư theo hình thức “Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao” (BOT). Hợp đồng BOT được ký chính thức giữa một bên là Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ và một bên là UBND TP.HCM.
Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Bộ Tài chính bảo lãnh vay vốn nước ngoài.
Dưới sự cắt băng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ tư, trái sang) cùng lãnh đạo TP.HCM, cây cầu này đã chính thức khánh thành chiều 2/9/2009 (ảnh: N.D)
Trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Thành Thái – Tổng GĐ Công ty BOT cầu Phú Mỹ – cho biết, đây là công trình đầu tiên mà người nước ngoài được phép tham gia mọi giai đoạn quản lý xây dựng cầu, từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế thi công, giám sát, đại diện chủ đầu tư…
Khi đưa vào sử dụng, người dân xung quanh các khu vực quận 2, 7 và thậm chí cả quận 9 sẽ có thể tiết kiệm ít nhất là 10km khi di chuyển qua lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương được phát triển, góp phần làm giảm bớt áp lực lưu thông xuyên tâm qua nội đô của TP.HCM.
Thủ tướng đề nghị người dân TP.HCM cần phát huy hết tất cả lợi ích mà cây cầu này mang lại cho đời sống hàng ngày của mình (ảnh: N.D)
Thủ tướng đề nghị người dân TP.HCM, nhất là người dân khu vực xung quanh cầu cần có kế hoạch sử dụng và giữ gìn cây cầu hợp lý, phát huy tối đa những lợi ích mà cầu Phú Mỹ mang lại cho đời sống hằng ngày của người dân,
Song song đó, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo UBND TP.HCM cùng Bộ GTVT cần tổ chức rút kinh nghiệm hình thức đầu tư BOT thí điểm từ cây cầu Phú Mỹ, để có thể áp dụng thêm vào hình thức đầu tư này vào những cây cầu khác của cả đất nước.
Thông xe con đường chiến lược
Cũng trong sáng 2/9, giai đoạn 1 của dự án Đại lộ Đông Tây với tổng chiều dài gần 13.5km cũng đã chính thức được thông xe kĩ thuật.
Đại lộ Đông Tây Được chính thức thi công từ tháng 4/2005, tuyến đường của đại lộ Đông – Tây đi qua địa bàn các quận 1,2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với tổng chiều dài khoảng 22 km.
Dự án với tổng mức đầu tư là khoảng 9.860 tỷ, trong đó vốn ODA là khoảng 6.390 tỷ (chiếm gần 65%) và còn lại là vốn trong nước chiếm khoảng 3.470 tỷ (chiếm hơn 35%).
Giai đoạn 1 của dự án Đại lộ Đông Tây đã chính thức được thông xe từ sáng 2/9 (ảnh: N.D)
Đây có thể được coi là một trong những dự án giao thông huyết mạch, đóng vai trò rất quan trọng không những sự phát triển KT – XH của TP.HCM mà còn của cả khu vực phía Nam, kết nối trung tâm thành phố với các khu vực xa trung tâm về hướng Tây Nam và Đông Bắc.
Nạn ùn tắc giao thông sẽ giảm đáng kể khi toàn bộ dự án Đại lộ Đông Tây được chính thức đưa vào sử dụng (ảnh: N.D)
Hiện nay, người dân TP.HCM hiện rất ái ngại khi đi từ trung tâm thành phố về các quận 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và ngược lại, vì thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm. Những lúc trời mưa lớn thì đường biến thành sông, nhất là trên các trục giao thông chính như Hùng Vương, Hồng Bàng, Ba Tháng Hai…
Bà Nguyễn Việt Anh, người dân sống tại đường Lý Đạo Thành, phường 16, quận 8, TP.HCM cho biết: Tình trạng ngập nước, kẹt xe thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua. Đại lộ Đông – Tây được đưa vào sử dụng thì hy vọng những điểm ùn tắc giao thông trước đây ở các trục đường ra vào cửa ngõ miền Tây sẽ giảm đáng kể.
Việt Dũng