Khi mùa hoa riêng klung nở











Quang cảnh lễ đâm trâu.
Cứ đến tháng 2 âm lịch, hoa riêng klung bắt đầu nở. Đây là thời điểm để người Ca Dong khai cuộc cho mùa lễ hội của dân tộc mình. Lời nguyện với ông bà, với thần linh trong năm cũ đã được họ thực hiện trong tiết xuân này.

Lễ đâm trâu, với những nghi thức hết sức đa dạng, đã thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Ca Dong. Tuy nhiên, biết là phong tục đấy nhưng vẫn thấy băn khoăn, chạnh lòng…


Cụ Đinh Văn Lai, già làng khu dân cư Nước Min, xã Sơn Mùa, huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi “bật nắp” quả riêng klung, những cánh hoa trắng muốt hiện ra phía sau lớp vỏ. Ông lấy một nắm hoa rắc lên đầu con trâu rồi nói: “Thôi, mày hãy về với ông bà tổ tiên, về với thần núi thần sông cùng với những cánh hoa này!”. Hỏi: “Riêng klung có nghĩa là gì?”, cụ Lai lắc đầu: ” Không biết. Chắc là tên một người con gái rất đẹp từ thuở xa xưa, bị thất lỡ chuyện gì nên bây giờ người Ca Dong lấy đó để ký thác cho lời nguyện của mình”.


Thực hiện lời nguyện


Quan sát nơi đầu hồi góc nhà sàn của già làng Đinh Văn Lai thì thấy có mấy chiếc vòng được quấn bằng một loại dây rừng khá công phu. Già Lai giải thích: “Cứ mỗi chiếc vòng như thế, tương ứng với một lời nguyện. Hai chiếc vòng của nhà tôi đây là hai lần tôi nguyện với ông bà, thần linh rằng hễ có điều kiện là tôi mổ trâu cúng mừng”.


Một trong hai lời nguyện của già Lai vừa mới xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái khi cả vợ và con ông đều ốm rất nặng tưởng không qua khỏi. Vừa đưa vợ con đi bệnh viện để chữa trị, ông vừa khấn: “Nếu cả hai khỏi bệnh, thể nào gia đình cũng tổ chức lễ đâm trâu khi mùa hoa riêng klung nở”. Lễ đâm trâu hôm nay chính là bản “thanh lý hợp đồng” giữa già Lai với những người khuất mặt mà ông đã có lời nguyện từ mấy năm nay. Tôi hỏi: “Nếu nguyện mà không giữ lời, liệu có làm sao không?”.


Già Lai lắc đầu: “Lời nguyện với người Ca Dong là rất thiêng liêng, không hứa suông được. Nếu năm này không thực hiện thì để năm khác. Thường thì người nào trước khi đưa ra lời nguyện và làm chiếc vòng “ghi nhớ” treo ở đầu nhà sàn, bao giờ họ cũng nhìn vào thực lực gia cảnh của mình chứ không phải “hứa lấy được”. Vì thế, chưa bao giờ người Ca Dong thất hứa với lời cam kết của mình”.


Với người Cor hay người Hre ở các huyện lân cận trong tỉnh Quảng Ngãi, lễ đâm trâu được tiến hành trong một không gian rộng, ngay sân bãi giữa làng, còn với người Ca Dong, lễ diễn ra tại góc nhà của gia chủ rồi mời cả làng đến chung vui. Vì vậy, việc tiến hành buổi lễ của người Ca Dong cũng khác với các dân tộc khác.


Truyền lửa cho hậu thế








Kết hoa riêng klung vào cây nêu.
Mỗi dân tộc có cách giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc mình một kiểu khác nhau. Với người Ca Dong, lễ đâm trâu là một dịp để người già “truyền lửa” của dân tộc mình cho thế hệ kế tiếp. Niềm vui khi thực hiện lời nguyện của một gia đình đã được người Ca Dong chia sẻ cho cả cộng đồng. Nhưng ý nghĩa của lễ đâm trâu với họ không chỉ dừng lại ở sự san sẻ niềm vui này. Người Ca Dong muốn qua mỗi cuộc lễ như thế, những gì tinh hoa nhất của dân tộc mình sẽ được truyền lại cho lớp con cháu.


Đứng cạnh ông Đinh Văn Đe là em Đinh Văn Diên, học sinh lớp 6 Trường THCS Sơn Mùa. Diên quan sát không bỏ sót một chi tiết nào của ông Đe khi ông tiến hành buộc từng sợi lạt, quét từng lớp sơn lên các con vật trên cây nêu. Diên khẳng định: “Chỉ một lần xem làm nêu như thế này nữa là cháu cũng sẽ làm được như ông Đe”. Trong quá trình làm nêu, bao giờ một người lớn cũng kèm một đứa trẻ bên cạnh để “bày việc” cho nó. Nhìn cách trang trí cây nêu của người Ca Dong đủ thấy cả một kỳ công mà nếu người già không “cầm tay chỉ việc” cho lớp con cháu thì rất dễ bị thất truyền.


Cây nêu không chỉ dùng làm chỗ “dựa cột” cho con trâu trước giờ hành quyết mà với 25 mét chiều cao của nó, được trang trí hết sức sặc sỡ và bắt mắt, người Ca Dong đã gửi vào đó rất nhiều thông điệp của dân tộc mình. Từ quan niệm sống, những triết lý nhân sinh, đến tập quán, tín ngưỡng…, tất tật được thể hiện trên từng nét hoa văn, từng loài cầm thú chạy dọc thân nêu.


Nếu như chim pling-một loài chim dũng mãnh, không sợ bất cứ loài diều hâu, cú vọ nào được gắn trên đỉnh thì dưới chân cây nêu, những vòng ruơlka được làm bằng vỏ của một loại cây rừng đập giập, vô cùng mềm mại, cứ dịu dàng trước gió, tạo nên một vẻ đẹp thật kỳ ảo. Không có lễ đâm trâu, chẳng ai rỗi việc bỏ cả tuần liền săn lùng khắp hang cùng suối cạn tìm các loài cây rừng để làm cho được cây nêu như thế cả. Chính cây nêu, với cách trang trí giàu tính biểu trưng như thế đã làm dịu hẳn cái không khí máu huyết mà con trâu sắp phải gánh chịu khi các nghi thức tế lễ kết thúc.


Không chỉ bày cách làm nêu và dựng nêu, người Ca Dong còn chỉ vẽ cho lũ trẻ cách đánh chiêng trước giờ hành lễ. Chiêng h’năng vang trầm, chiêng h’lên vui nhộn, mỗi loại có một cách đánh riêng mà nếu không có sự dìu dắt của người đi trước thì lớp cháu con khó mà chơi được loại nhạc cụ này cho thật nhuần nhuyễn. 







Thiếu nữ Ca Dong trước khi vào hội.
Thủ tục hoá kiếp


Sau khi rắc hoa riêng klung lên đầu con vật, già Lai cùng tất cả các thành viên trong gia đình chui qua chiếc dây thừng đang buộc con trâu, để “ký gửi toàn bộ xui rủi” cho con vật mang sang bên kia thế giới. Đoạn, già Lai lấy hai chiếc vòng “nguyện”, đặt lên đầu con vật rồi cắt, coi như “thanh lý xong hợp đồng”! Trước khi cắt vòng “nguyện” ấy, già vỗ vào vai con trâu một cách thân mật: “Tao đã đi chín núi mười rừng để tìm trong hàng trăm con trâu mới chọn được mày. Vì vậy, được hiến tế trong cuộc vui này là một vinh hạnh, đừng buồn con ạ”. Già Lai đã phiên dịch ra tiếng Kinh một đoạn “động viên trâu” như thế.


Các thủ tục cho trâu hoá kiếp đều diễn ra trong buổi chiều để đêm xuống, trai thanh gái lịch người Ca Dong hội tụ về đây. Điệu ranghế, một làn điệu dân ca của người Ca Dong, cùng những bài chiêng vang lên thánh thót suốt đêm bên những ché rượu cần. Ai uống cứ uống, ai hát cứ hát, ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự và quy củ, quanh cây nêu, nơi con trâu đang buộc. Đó là điều rất đặc biệt trong những lễ hội “không có sân khấu” như thế này.


Nghe hát ranghế rồi xem đánh chiêng, nhảy múa quanh con trâu, tôi nghĩ, Ca Dong là một trong những tộc người có máu hài hước và nhân bản nhất. Người Ca Dong đã chọn những thanh niên to khỏe và điêu luyện để kết liễu đời con vật. Thủ tục hoá kiếp cho trâu chỉ dài dòng ở phần nghi thức còn bước cuối cùng thì kết thúc chóng vánh.


Băn khoăn







Chủ nhà cắt vòng “nguyện” trước khi hành lễ.
Mỗi lễ đâm trâu tiêu tốn từ 20 triệu đến 25 triệu đồng, khoản tiền không nhỏ đối với một gia đình người Ca Dong. Đó là chưa kể đến việc bỏ bê sản xuất, say xỉn lu bù, thậm chí học sinh nghỉ học để xem đâm trâu. Nếu gia đình người Ca Dong nào cũng “thực hiện lời nguyện” của mình thì dân ở các làng ăn thịt trâu và say rượu quanh năm! Đó là lý do để chính quyền các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi phân vân là có nên để đồng bào duy trì tục đâm trâu hay bãi bỏ?


Đây là tập tục ngàn đời của họ nên việc bãi bỏ là không dễ. Vấn đề là chính quyền nên khuyến cáo để họ hạn chế việc đâm trâu, vừa quá tốn kém vừa ảnh hưởng đến công việc. Tôi đi núi có hai ngày mà chứng kiến chỉ trong một xã đã có đến 4 con trâu “tử vì đạo”. Làng này đâm trâu, làng kia thấy vậy cũng chẳng chịu thua chị kém em. Với cái đà “hiệu ứng đôminô” như thế, công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi, khó thay!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *