Trang chủ » Khu công nghiệp An Tây (Bình Dương): Chưa được duyệt vẫn thu hồi đất của dân!

Khu công nghiệp An Tây (Bình Dương): Chưa được duyệt vẫn thu hồi đất của dân!



 










Minh họa: DAD


Những hộ dân có đất ở An Tây (huyện Bến Cát, Bình Dương) lại gửi đơn kêu cứu sau khi các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cách đây gần 10 năm…


Khu công nghiệp “chui”


Xin được nhắc lại, vụ thu hồi đất tại xã An Tây đã gây bức xúc từ năm 2007. Ban đầu, người dân có đất đang trồng cao su tại đây được yêu cầu giao đất để làm Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ An Tây (KCN An Tây) với quy mô 1.350 ha, do Công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau khi việc giao đất mới khởi động thì người dân phát hiện KCN An Tây được làm “chui”, vì không có sự chấp thuận của Chính phủ.


Các hộ dân sau đó đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương giải thích về thực trạng pháp lý và cơ sở để thu hồi đất, áp giá đền bù thu hồi đất nhưng không nhận bất cứ lời giải đáp nào thỏa đáng. Tuy vậy, các hộ dân sau đó vẫn tiếp tục nhận các quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế giải tỏa để lấy đất làm KCN An Tây.


Quá bức xúc, người dân làm đơn khiếu nại, khiếu kiện việc thu hồi đất không có căn cứ pháp lý. Trong lúc vụ việc chưa được giải quyết đến đâu thì mới đây, vào tháng 3.2009, UBND huyện Bến Cát lại ra quyết định mới hủy bỏ quyết định cũ nhưng vẫn tiếp tục thu hồi đất, thông báo ngày cưỡng chế.


Người dân khẳng định họ không hề có ý định làm khó hay cản trở việc phát triển kinh tế của Bình Dương. Vấn đề họ cần là sự rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật. Bởi họ là người dân ngay tình, có người mua đất cao su thông qua đấu giá theo chủ trương của chính quyền Bình Dương trước đây, có người nhận chuyển nhượng lại để canh tác một cách hợp pháp. Nay, nếu địa phương muốn thu hồi đất thì phải cho họ biết cơ sở để thu hồi, trên cơ sở đó hai bên thương lượng giá cả đền bù ra sao, bàn giao thế nào… Đằng này, từ đầu chí cuối họ chỉ nhận được sự áp đặt một chiều từ phía chính quyền. Cho đến thời điểm này, tức đã hơn 2 năm, qua nhiều lần tìm gặp, điều người dân cần nhất là có hay chưa quyết định của Chính phủ về việc cho phép xây dựng Khu liên hợp hay Khu công nghiệp An Tây thì phía các cơ quan chức năng Bình Dương cứ im lặng một cách khó hiểu.







* Thanh tra tỉnh Bình Dương cùng một số cơ quan chức năng khác cho rằng vườn cao su đã bán đấu giá không gồm quyền sử dụng đất (trong khi đó hợp đồng chuyển nhượng từ 2001 lại ghi “bao gồm cả quyền sử dụng đất” và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp từ thời gian đó cũng ghi là “đất được Nhà nước giao”, tức là hợp đồng sai và cấp giấy chứng nhận cũng sai), vậy cần phải thu hồi lại giấy chứng nhận đã cấp và chuyển sang cấp giấy chứng nhận mới theo hình thức thuê đất.


* Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo trước đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gồm cả Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách đất đai) cho rằng UBND tỉnh Bình Dương trước đây đã ban hành các quyết định đúng thẩm quyền, hợp lý với diễn biến tình hình biến động giá cao su; người mua vườn cao su đã trả tiền cho quyền sử dụng đất nên có quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận đã cấp là phù hợp.


Người dân còn biết tin vào đâu?


Trong một diễn biến khác, UBND huyện Bến Cát vừa ban hành 2 quyết định liên tiếp để thu hồi 70 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã cấp cho những hộ dân mua đấu giá đất cao su từ năm 2001-2002. Đây được coi là “cách sửa sai” của phía chính quyền sau khi có những văn bản kết luận rằng việc bán đấu giá cao su kèm theo quyền sử dụng đất cách đây gần 10 năm là không đúng quy định.


70 sổ đỏ nói trên nằm trong phần đất trước đây do Công ty chế biến cây công – nông nghiệp xuất khẩu Bình Dương (còn gọi là Công ty Sobexco) quản lý để trồng cây cao su. Vào giai đoạn 2000 – 2002, do làm ăn thua lỗ nên Sobexco được phép thanh lý vườn cây cao su để trả nợ, giải thể. Chủ trương ban đầu chỉ cho bán vườn cây (tài sản trên đất), không bao gồm quyền sử dụng đất, tuy nhiên chẳng có ai mua nên sau đó tỉnh UBND tỉnh Bình Dương phải thay đổi chủ trương, cho chia nhỏ diện tích để bán cho nhiều tổ chức, hộ gia đình, tức có kèm theo quyền sử dụng đất. Sau khi có nhiều người đăng ký mua, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất của Sobexco giao cho UBND huyện Bến Cát để nơi này cấp giấy chứng nhận cho người mua. Hầu hết những người mua đất thông qua đấu giá đều là ngay tình, tin tưởng hoàn toàn vào chủ trương và các quyết định của phía chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương nên đã thực hiện mọi yêu cầu, hoàn tất các thủ tục để nhận sổ đỏ, đầu tư vốn để phát triển rừng cao su, một số người sau khi đầu tư đã chuyển nhượng lại cho người khác canh tác từ đó đến nay!


Tuy nhiên khi UBND tỉnh quyết định thu hồi đất để làm KCN An Tây và Thanh tra tỉnh vào cuộc thì xuất hiện 2 luồng ý kiến trái chiều nhau, và rắc rối bắt đầu từ đó. Cơ quan chức năng cuối cùng đã ra quyết định thu hồi những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đây. Như vậy chủ trương cho bán đấu giá vườn cây cao su kèm theo quyền sử dụng đất được coi là sai, và việc làm sai đó của chính quyền giờ được trả giá bằng cách bắt dân lãnh hậu quả?


Thử hỏi người dân đang bị thiệt hại quá lớn và họ còn biết tin vào đâu khi quyền sử dụng đất của họ được công nhận từ năm 2001 nhưng sau 8 năm lại bị đòi lại? Quyền lợi chính đáng của họ giờ có được ai quan tâm và bảo vệ ?


Lê Anh Đủ

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.