Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, thực trạng hệ thống hạ tầng đô thị ở nước ta vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Do vậy, việc ban hành một cơ chế mẫu, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị là cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này. Đó cũng là nội dung đề án do Bộ Xây dựng đang thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đề án này, hiện cả nước có trên 420 hệ thống cấp nước lớn nhỏ với công suất thiết kế đạt 5,48 triệu m3/ngđ, nhưng mới chỉ đáp ứng đủ cho 50 – 60% nhu cầu của người dân đô thị. Còn lại, chủ yếu người dân sử dụng nước giếng khoan hoặc giếng tự đào. Lượng thất thoát nước còn lớn (bình quân 32%) trong khi chất lượng nước sạch lại chưa đạt yêu cầu. Hệ thống thoát nước cũng mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại là thoát tự nhiên. Vốn đầu tư cho hệ thống thoát nước tuy đã được chú trọng nhưng vốn sử dụng cho duy tu bảo dưỡng còn hạn chế nên hệ thống thoát nước cũng đang trong tình trạng xuống cấp. phần lớn hệ thống thoát nước mưa và nước thải được sử dụng chung. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước khoảng 80%, chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Tại các đô thị, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa tới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi tỷ lệ cần thiết là 20 – 25%. Hệ thống đường giao thông tại các đô thị lớn đang xuống cấp, chật hẹp dẫn đến việc ùn tắc thường xuyên xảy ra. |
Khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị
7