Làng cổ ven sông đang dần mai một





Nằm ven bờ hữu sông Nhuệ, Làng Cự Đà (Cự Khê, Thanh Oai) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km. Theo đánh giá của các chuyên gia, Cự Đà là ngôi làng cổ mang những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông, mà nổi bật là những ngôi nhà và những chiếc cổng cổ…




Nổi tiếng một thời



Qua những di tích còn để lại cho thấy, làng Cự Đà có niên đại khoảng 400-500 tuổi. Chiều dài của làng Cự Đà dọc theo sông Nhuệ khoảng hơn 1 km, với những ngõ xóm đâm ngang, hẹp, lát gạch đỏ. Cổng ngõ nào cũng chạy ra đến bờ sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Quy hoạch tự nhiên của làng theo đúng mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp, vừa thương mại.



Dãy nhà cổ theo kiến trúc Pháp ở làng Cự Đà


Theo nhiều cụ già trong làng kể lại, người dân Cự Đà nổi tiếng trong vùng về sự đảm đang, khéo léo, giỏi làm ăn, giàu rất nhanh, lại ở địa thế “nhất cận thị, nhị cận giang” nên Cự Đà phát triển kinh tế nhanh hơn các làng khác trong vùng. Dấu ấn thịnh vượng được đắp nổi trên bệ cột cờ giữa làng niên đại năm 1929, thời đó, làng nào có được cột cờ bề thế như vậy là hiếm lắm. Đến nay, đỉnh cột cờ vẫn tung bay cờ lễ hội làng. Ngay từ đầu thế kỷ 20, làng đã có điện thắp sáng, rồi nhà nhà trong làng đều được đánh số hệt như những ngôi nhà trên phố lớn.


Cổng làng Cự Đà



Dấu tích của một thời làng thương mại ven đô giàu có còn để lại ở hai khối tượng cóc bằng đá xanh đặt ở bến sông. Trên hai khối tượng còn khoét lỗ để đèn dầu. Đó là một loại “hải đăng” để thuyền bè buôn bán trên sông Nhuệ trong những đêm tối trời định vị đúng hướng mà ghé vào. Dọc đường làng vẫn còn giữ nguyên được chiếc cổng làng có gắn chiếc đồng hồ, dọc 12 xóm của làng đều có cổng vòm.


Đình làng Cự Đà





Từ lâu, làng Cự Đà đã trở thành nơi giao thoa giữa những nền văn hóa với hai loại hình kiến trúc tiêu biểu – Nhà Việt cổ và những kiến trúc được xây từ thời Pháp thuộc. Nhà cổ thời Nguyễn giờ còn hơn ba chục chiếc, khung gỗ, lợp ngói ta, giếng nước mưa trong mát, tuổi từ hơn trăm năm trở lên, nơi thờ cúng vẫn còn giữ nguyên võng vì và bộ giường thờ, ban thờ, bàn thờ… Bên cạnh đó, nhiều ngôi từ đường của các dòng họ như những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc vô giá với những cuốn thư, cột, cửa đều làm từ gỗ và hoa văn tinh tế. Cùng với những ngôi nhà thuần Việt, trong thôn còn có khoảng 40-50 ngôi nhà hai tầng kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng rất công phu và hoành tráng.




Nét đẹp cổ kính của chùa Cự Đà




Đặc biệt ở nơi đây còn có di tích đàn tế bằng đá xanh, mà người dân vẫn gọi là đàn tế trời đất, một dạng của đàn Xã Tắc thuộc loại đẹp nhất nước còn được giữ lại cho đến ngày nay.




Mai một những ngôi nhà cổ



Ông Nguyễn Văn Trung là người làng Cự Đà, hiện đang là Phó Chủ tịch xã Cự Khê cho biết: Hiếm có một làng đồng bằng Bắc bộ nào còn lưu giữ đầy đủ di tích các thời suốt mấy trăm năm của người Việt như Cự Đà, nhưng đáng tiếc cho tới nay vẫn chưa được xếp hạng di tích.




Hơn thế, một làng Việt cổ như Cự Đà, còn nguyên đặc trưng lại chưa được chú ý đúng mức. Nguy cơ các di sản kiến trúc trong làng bị xóa sổ bởi trào lưu đô thị hóa đã và đang diễn ra. Điển hình là vài năm trước, một ngôi nhà được đánh giá là cổ nhất ở Cự Đà, có niên đại 300 năm đã bị phá để lấy chỗ làm nhà mới cho con cháu.


Những ngôi nhà cổ đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà kiên cố, cao tầng



Cũng theo nhiều cụ già trong làng, vài năm trước, trong làng nhiều chỗ vẫn còn những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng giờ đây cũng đã bị người ta đập đi để đổ bê tông. Nhất là đoạn đường trước cửa đình, cửa chùa, một thời góp phần tô điểm cho nét đẹp cổ kính của các di tích này cũng đã bị phá bỏ để kiên cố hóa bằng bê tông. Những chiếc cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng không còn dấu tích xưa. Rồi ngay như khu chợ quê trước đây rất hài hòa với tổng thể kiến trúc của làng cổ Cự Đà, thì khoảng 4-5 năm trước, người ta cũng đã phá đi để thay vào đó là ngôi nhà 2 tầng kệch cỡm…




Khoảng 15 năm trở lại đây nghề chế biến nông sản như miến, tương ở Cự Đà rất phát triển. Đi cùng với ngành nghề phát triển là nhu cầu về mặt bằng sản xuất; rồi dân số ngày càng tăng, trong khi quỹ đất ở thì có hạn. Cùng với đó là sự ô nhiễm môi trường của làng nghề, cộng thêm với sự ô nhiễm trầm trọng của sông Nhuệ… Rác thải được người dân vô tư đổ ra ven sông Nhuệ, không chỉ gây mất vệ sinh môi trường sống, mà còn gây mất mỹ quan, phản cảm đối với du khách mỗi khi có dịp đến thăm Cự Đà. Đó là những nguyên nhân chính đe dọa “xóa sổ” các ngôi nhà cổ ở Cự Đà, vì nó sẽ bị đập đi để thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, cao tầng, khiến không gian kiến trúc cổ ở đây sẽ biến mất.



Có lẽ, sự quan tâm duy nhất của các cơ quan quản lý là tấm biển này






Trong khi các ngôi nhà cổ ở Cự Đà đang dần bị mai một, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc bảo vệ. Bao giờ làng cổ Cự Đà mới được quan tâm đúng mức như giá trị vốn có của nó? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *