Lào Cai: Đầu Xuân vui Hội Gầu Tào





Ngày 29/1 ( tức ngày mùng 4 Tết Kỷ Sửu), lễ hội Gầu Tào-lễ hội đặc sắc của đồng bào Mông – một dân tộc sống chủ yếu ở vùng Tây Bắc nước ta và chiếm đa số ở Lào Cai đã diễn ra tại xã Pha Long, huyện Mường Khương ( Lào Cai) thu hút hàng vạn người tham gia trong đó có nhiều khách du lịch.
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Lào Cai( VHTTDL), “Gầu Tào” trong tiếng Mông có nghĩa là hội hát tình yêu trên núi (“Gầu” là hát, đẹp, là tình yêu hoặc cô gái đang xuân, còn “Tào” là núi). Lễ nhằm mục đích cho các gia chủ cầu con, cầu cho cộng đồng được mùa màng “người yên vật thịnh”, trả ơn trời đất, đã phù hộ cho chủ lễ và dân bản những điều mà năm trước cầu mong. Lễ hội thể hiện tâm linh và là nơi để giao lưu văn hóa văn nghệ trong cộng đồng dân tộc.


Mùa lễ hội xuân Kỷ Sửu, trên địa bàn Lào Cai tổ chức lễ hội Gầu Tào tại 3 địa điểm: xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), xã Pha Long (huyện Mường Khương) và xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng). Lễ hội dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ mùng 4 đến mùng 6 Tết Kỷ Sửu. Tại đây, ngoài các hoạt động văn hoá mang tính tâm linh của đồng bào, ngành VHTTDL Lào Cai đã khéo léo phát triển những nét tích cực của lễ hội lồng vào những hương ước, quy ước xây dựng làng bản lành mạnh tiến bộ như không di cư bỏ đất quê hương, không chặt phá rừng, phải bảo vệ nguồn nước; tích cực tăng gia chăn nuôi. Thông qua những tiểu phẩm vui, hài hước diễn ra tại phần hội do các thành viên trong đội thông tin lưu động của Phòng Văn hoá – Thể thao – Du lịch cấp huyện tỏ chức trình diễn nhằm mục đích loại bỏ dần những thói hư tật xấu trong một bộ phận nhân dân như tục dựng vợ gả chồng sớm, đẻ nhiều, bất bình đẳng giới, du canh du cư, để người chết lâu ngày trong nhà… Nói cái hay cái tốt như: sinh đẻ có kế hoạch, không rượu chè bê tha, không buôn bán thuốc phiện, biết trồng và giữ rừng…


Các lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông, Xuống đồng của người Tày, Roóng Poọc của người Giáy hay “Pa lu gư” của người Hà Nhì… đều diễn ra trong tháng Giêng. Những hoạt động này càng trở nên phong phú và có ý nghĩa khi nó được gắn với các hoạt động mừng mừng Xuân mới với tinh thần vui tươi lành mạnh và tiết kiệm đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ quán triệt từ đầu năm, ngành VHTTDL các địa phương với tinh thần “gạn đục khơi trong” đã giúp đồng bào vùng cao làm “sống dậy” những nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào vùng cao như tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo cách làm mới, nhờ vậy nhiều địa phương đã có thêm những hoạt động khuyến nông, có nơi còn lồng ghép cả phần nhà nông đua tài vào phần hội trong ngày đầu xuân, thông qua đó có dịp để bà con các địa phương trao đổi kinh nghiệm làm ăn để năm sau đạt sản lượng cao hơn năm trước, tránh được thiên tai địch hoạ nâng cao và cải thiện đời sống./.



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *