“Nạo” đường cho xe qua vì đào đường rẻ hơn nâng cầu





  – “Dự án cầu vượt đã được duyệt, nếu điều chỉnh lại thiết kế cầu vượt cho đúng độ cao quy định mới sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, khối lượng thi công cũng sẽ tăng hơn so với việc hạ nền đường cho xe lọt qua cầu”. Ông Nguyễn Văn Hường – cán bộ phụ trách dự án xây dựng cầu vượt và đường ngang nối Cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh (Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) lí giải cho sự cố hy hữu của ngành cầu đường, gây xôn xao dư luận những ngày qua.


Trước đó, tháng 6/2008, cầu vượt nằm trên tuyến đường nối cảng biển Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh, băng qua Quốc lộ 1A được hoàn thành.


 


Ngay thời điểm đó, các đơn vị quản lí cầu đường đã phải lập những “barie” canh giữ ngày đêm để nhắc nhở những xe tải trên 4,5m dừng xe, bốc dỡ hàng hoá, hạ độ cao bởi không thể đi qua gầm cầu. Song có nhiều xe khi đi qua cũng chạm vào cầu gây ra các sự cố.


 


Vì thế, mới đây nhất, các đơn vị liên quan đã tiến hành “nạo” nền đường Quốc lộ 1A xuống 44cm để xe tải nặng, xe siêu trường siêu trọng có thể lưu thông trên quốc lộ 1A và chui lọt qua chiếc cầu vượt này.


 


Có thể nói, đây là một câu chuyện thật như đùa của ngành cầu đường Việt Nam.


“Làm cố” vì dự án đã được duyệt! 


Dự án xây dựng đường ngang nối Cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh được quyết định đầu tư vào tháng 9/2004.


Hạng mục cầu vượt qua Quốc lộ 1A của dự án đã được thiết kế chiều cao tĩnh không từ nền đường đến điểm thấp nhất của cầu là 4,6 m (dự phòng trường hợp duy tu, nâng cao mặt đường quốc lộ 1A), cao hơn so với quy định là 4,5m của nghị định 172 (Nghị định của Chính phủ ban hành ngày 7/12/1999 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình đường bộ).


 








Đoạn đường khoảng 100m dưới chân cầu vượt này sẽ bị hạ thấp xuống 44cm trong tháng 4 này để xe cao trên 4,5 có thể qua lọt 
Ảnh: TTrẻ

Ông Hường cho biết, khi dự án được triển khai vào cuối năm 2004 cũng là thời điểm Nghị định 186 (ban hành ngày 5/11/2004) của Chính phủ Quy định về  quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ra đời. Theo Nghị định 186 độ cao từ tim đường đến cầu vượt là 4,75 m.


Dù lúc đó, nhận thấy  thiết kế chiều cao cầu vượt  của dự án không hợp với quy định mới nhưng Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh không điều chỉnh lại thiết kế mà vẫn thi công theo phương án đã được phê duyệt.


  


Theo ông Hường, dự án đã được duyệt và nếu điều chỉnh lại thiết kế cầu vượt cho đúng độ cao quy định sẽ khiến mức đầu tư của dự án tăng lên, do khối lượng thi công tăng và thời gian chờ đợi thủ tục cũng sẽ phải kéo dài thêm. Việc hạ thấp nền đường sẽ chiếm chi phí rất nhỏ so với điều chỉnh thiết kế.








Tháng 12/2004, Bộ GTVT, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chính thức khởi công xây dựng dự án với  tổng mức đầu tư 292 tỷ đồng (cầu vượt quốc lộ 1A chiếm 12 tỷ đồng).


Thiết kế của cầu vượt được Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải thực hiện, đơn vị thi công là Công ty xây dựng cầu 75  thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8

Một lý do khác, theo vị này, là dù Nghị định 186 được ban hành nhưng lúc đó Bộ GTVT cũng chưa có hướng dẫn thi hành. Đến cuối năm 2005 Bộ GTVT mới có thông tư 13 hướng dẫn thực hiện Nghị định 186. Vì vậy, khó để điều chỉnh thiết kế cầu vượt vào thời điểm khởi công.


Tuy nhiên, ông Ngô Quang Đảo – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ (Bộ GTVT) lại cho rằng, thời điểm đó lẽ ra chủ đầu tư công trình phải dừng ngay việc làm cầu và  tổ chức thiết kế lại công trình để bảo đảm độ cao của cầu theo đúng quy định.

 


“Do Nghị định 186 mới ra đời nên cũng có những cây cầu xây trước đó có độ cao không bảo đảm. Cục Đường bộ sẽ tiến hành khảo sát và đề ra phương án khắc phục”, ông Đảo nói thêm.


 


Lo ngại chất lượng đường


 


Giải pháp tình thế, hạ Quốc lộ 1A thấp xuống 44cm để xe tải có thể lọt qua cầu mà các đơn vị thi công đang làm khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đoạn đường này. Nhiều người lo rằng, nếu đoạn đường bị ngập lụt trong mùa mưa, các phương tiện qua đây sẽ chẳng khác nào “mò mẫm” qua một cái ao, dễ gây nguy hiểm.



Trả lời vấn đề này, ông Hường khẳng định: Đoạn đường hạ thấp sẽ không bị ngập vì mức đào sâu được lấy theo đoạn thấp nhất của quốc lộ 1A trong khu vực đó.


 


Ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ IV cho biết thêm, việc chiều cao của cầu không bảo đảm đã gây ra rất nhiều bức xúc trong giới lái xe khi phải hạ tải, hạ độ cao. Đồng thời, cũng gây khó khăn cho đơn vị quản lý đường trong việc bảo đảm an toàn cho cây cầu. Vì thế, Khu đã có kiến nghị gửi Cục đường bộ và Ban quản lý dự án yêu cầu tìm giải pháp khắc phục, bảo đảm độ cao của cầu theo đúng quy định.



 


Dự kiến tháng 4 này sẽ hoàn thành việc hạ thấp nền đường, đoạn 2 đầu cầu, dài khoảng 100m. Sẽ tốn 600 triệu đồng cho việc hạ thấp mặt đường này.




  • Chí Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *