“Danh hiệu là một sự khích lệ rất lớn để chúng ta tiếp tục những cố gắng của mình trong việc bảo vệ giữ gìn di sản. Chúng ta trân trọng sự vinh danh này là để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng di sản mà chúng ta đang có, và cần tìm về nguyên gốc quan họ cổ…”. Ngay sau tin vui UNESCO công nhận Dân ca Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, phóng viên HỒNG MINH đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, người có nhiều năm điền dã và nghiên cứu sâu về Quan họ, với mục đích tìm hiểu về giá trị, thực trạng cũng như những định hướng bảo tồn Quan họ trong một danh hiệu mới. * Thưa ông, ông có thể đưa ra nhận định của mình, vì đâu mà Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại?
Cùng với 76 di sản khác trên thế giới, Quan họ được công nhận vào hạng mục Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào dịp này, theo tôi cũng là điều dễ hiểu. Bởi quan họ đúng như di sản của cha ông, thực sự là một loại hình âm nhạc truyền thống hấp dẫn và đặc sắc. Tuy nhiên, cũng phải thành thật mà nói, rằng, di sản quan họ thực sự đã bị mai một từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vậy chúng ta nên nhìn nhận rõ ràng rằng, việc bây giờ nó được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện nhân loại chính là lúc để chúng ta xem lại tình trạng và khả năng phục hồi di sản. * Ông vừa đưa ra nhận định rằng, quan họ thực sự đã bị mai một từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng thực tế trong cách nhìn nhận của nhiều người, thì quan họ đang rất phát triển? – Quan họ, thực chất là thú chơi nghệ thuật dựa trên cơ sở những nhóm liền anh liền chị kết nghĩa với nhau giữa làng này và làng khác. Ngày xưa, nếu không phải là làng quan họ kết nghĩa, thì họ không bao giờ hát đối đáp với nhau. Những nhóm chơi cuối cùng đó đã chấm dứt cuộc chơi từ lâu, con cháu họ đã không còn tiếp nối. Kèm theo tục kết nghĩa không còn, thì không gian sinh hoạt văn hóa của quan họ cũng biến mất. Thế hệ những liền chị nổi tiếng như cụ Nghi, cụ Phụng đã không có người tiếp nối.
Ngày nay, quan họ mà bạn thấy đang diễn ra ở các làng quê Kinh Bắc, kể cả những canh quan họ cổ phục dựng, thực chất chỉ là đóng giả. Bởi quan họ đúng nghĩa không thể có chuyện người trong một làng hát đối đáp với nhau, lại càng không thể có chuyện, già trẻ đối đáp lẫn lộn (ngày xưa hát đối đáp với nhau phải là cặp liền anh, liền chị đồng niên). Ngày nay, có thể nói giọng hát quan họ đúng chuẩn mực trong cả vùng Kinh Bắc rộng lớn còn lại chỉ thực sự đếm trên đầu ngón tay. Quan họ không phải là thú chơi nữa, mà là một sự trình diễn của những người biết hát quan họ. Và bộ trang phục ngày nay mà các liền chị đang mặc với vạt xanh vạt đỏ, thực chất cũng là đã bị cải biên, bắt chước theo văn công. Mà không chỉ trang phục, vì cả một thời gian dài bị đứt đoạn, nên khi phục hồi trở lại, quan họ trong dân đã không biết dựa vào đâu làm chuẩn, nên họ cứ thế nhìn vào hình ảnh của Đoàn văn công quan họ mà theo. Mọi thứ cứ lấy quan họ trình diễn, quan họ văn công làm chuẩn, đó là thứ quan họ trên sân khấu, nên bị sai lệch rất nhiều.
* Nói như vậy, có nghĩa là cùng với sự phát triển, thì quan họ đã bị biến dạng, xa rời với nguyên gốc? – Đúng vậy, quan họ ngày nay đã thực sự bị thương mại hóa rất nhiều. Từ thực tế nhiều năm đi điền dã, tôi thấy ở đâu có quan họ là y rằng ở có đàn oóc, có thuyền rồng làm bằng tôn, và quan họ ngửa nón xin tiền… Thật khó khăn để tìm thấy một lối chơi quan họ đậm tình đậm nghĩa ngày xưa, với câu “Đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa gừng” là vậy. Ngày nay quan họ chủ yếu là một thứ dịch vụ. Nhưng có một điều tôi lo ngại hơn là nhận thức của người dân. Họ không thực sự hiểu bản chất giá trị di sản mà họ đang nắm giữ là gì, rất khó để bắt họ phục hồi đúng nguyên bản như của cha ông. Thực chất, giá trị của di sản còn lại mà chúng ta đang có chỉ là làn điệu âm nhạc và kho tàng lời ca quan họ cổ, còn những phong tục tập quán, những sinh hoạt văn hóa bao chứa trong đó thì không còn nữa. * Vâng, vấn đề này cũng liên quan đến quan điểm bảo tồn. Hiện bên cạnh quan điểm bảo tồn nguyên dạng, thì cũng có quan điểm cho rằng, bảo tồn nghĩa là làm sao di sản sống được trong dân, thích hợp với đời sống hiện tại của người dân, chứ không phải là lưu giữ di sản trong bảo tàng. Quan điểm của ông về vấn đề này trong việc bảo tồn quan họ?
– Tôi giữ quan điểm bảo tồn nguyên vẹn, nếu để biến dạng thì không gọi là bảo tồn nữa. Bảo tồn di sản là phải giữ lại không để mất đi những giá trị nguyên bản. Nếu những giá trị đó không thể giữ được trong đời sống của cộng đồng hiện tại, thì phải lập bảo tàng sống. Thực ra cách làm này đã được các nước trên thế giới làm từ lâu và rất thành công. Đối với quan họ, cách duy nhất để bảo tồn hiện nay là lập bảo tàng sống cho không gian văn hóa này. Nghĩa là chúng ta có thể khoanh vùng 5, 6 làng kết nghĩa quan họ như ngày xưa, trả lương cho người dân để họ phục hồi và giữ gìn di sản. Thực tế mấy năm gần đây, CLB Quan họ làng Đặng Xá cũng đang cố gắng thực hiện mô hình như vậy, nhưng thực chất theo tôi thì vẫn chưa tới, vẫn chỉ là trình diễn mà thôi, chứ chưa sống thực. * Trở lại sự kiện UNESCO vinh danh Dân ca Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ góc độ của nhà nghiên cứu, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn di sản đúng như danh hiệu mà UNESCO đã công nhận? – Danh hiệu là một sự khích lệ rất lớn để chúng ta tiếp tục những cố gắng của mình trong việc bảo vệ giữ gìn di sản. Chúng ta trân trọng sự vinh danh này. Trân trọng và tìm về nguyên gốc quan họ cổ. Việc cấp thiết trước mắt theo tôi, là làm sao bảo tồn lối hát cổ với hệ thống kỹ thuật thanh nhạc ở cấp độ cao. Đó là một kỹ thuật rất phức tạp và việc bảo lưu nó không dễ dàng, thực tế lớp trẻ ngày nay hầu không tiếp thu được kỹ thuật này, họ hát theo lối mới. Nhiều năm đi điền dã, tôi rất khó chịu với lối hát mới này. Riêng đối với quan họ, không có kỹ thuật luyến láy, nẩy hạt thì sẽ rất trơ, không thể nào chấp nhận được. Mấy năm gần đây, cá nhân tôi tập trung nghiên cứu về kỹ thuật thanh nhạc của lối hát quan họ cổ và tìm ra phương pháp rèn luyện kỹ thuật hát đó. Tôi đang ấp ủ dự định sẽ về Kinh Bắc, tổ chức rèn dạy cho lớp trẻ dựa trên phương pháp mà tôi vừa khám phá. Thêm nữa, tôi vẫn cho rằng, việc di sản được thế giới công nhận là rất đáng quý, nhưng danh hiệu sẽ chỉ là danh hiệu, sẽ không mấy có ý nghĩa khi chính cộng đồng sở hữu di sản đó không nhận thức được đầy đủ về giá trị đích thực của di sản, để trân trọng và bảo tồn đúng hướng. Tôi cũng không khỏi lo ngại rằng, sau sự công nhận này, quan họ sẽ bị khuếch trương nhiều hơn, khai thác nhiều hơn, và do đó, sẽ càng có nguy cơ rời xa những giá trị ban đầu hơn nữa. – Xin cám ơn ông và chúc những dự định về bảo tồn quan họ của ông trở thành hiện thực. |