Một tấm biển mua bán đất hiếm hoi còn sót lại trên con đường nối ba xã Phú Hữu, Phú Đông và Phước Khánh sau khi cơn sốt đất đã đi qua – Ảnh:Quang Chung |
>> Đất nóng Nhơn Trạch
Đổi nghề, rồi… chuyển nghề!
Tôi quen bốn thanh niên này từ khoảng năm năm trước, nhờ có người bạn mua đất ở Phú Đông. Khi ấy, họ hành nghề môi giới mua bán đất một cách tình cờ nhưng khá thành công – nhờ dự án xây dựng thành phố Nhơn Trạch cuốn hút nhiều nhà đầu tư và người có tiền ở TP.HCM. Còn nhớ lúc đó, họ tiếp khách toàn món đặc sản của địa phương như cua, rắn, gà đá, chuột… và bia lon.
“Quán 12 cô”, nằm ở đoạn giữa con đường đất đỏ hơn chục cây số chạy dọc sông Đồng Nai từ bến phà Cát Lái đến bến đò Phước Khánh, là điểm ăn nhậu của họ mỗi khi có khách mua bán đất. Thời đó, trên con đường đầy ổ gà này (nối liền ba xã Phú Hữu – Phú Đông – Phước Khánh), vào ngày cuối tuần, dập dìu người hỏi mua đất. Đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề “đất bán”, “môi giới bán đất”…
Họ, những chàng trai làng, bắt đầu nghe và sờ đến số tiền “trăm triệu”, “tỉ đồng” từ đó. Nhờ những cơn sốt đất nông nghiệp đã đưa đẩy họ – anh N., hành nghề bán hàng rong trên các tàu neo đậu trên sông Đồng Nai; anh Q., chạy xe ôm ở bến phà Cát Lái; anh M., là công an xã… đến với nghề môi giới mua bán đất (mà người ta hay gọi bằng cái từ không mấy thiện cảm – “cò”).
Có lẽ nghề “cò” đất của họ khá nhàn nhã nhưng kiếm được khá nhiều tiền. Như anh N., lúc đầu làm “cò”, nhưng khi có được chút ít vốn liếng anh mạnh dạn “mua đi bán lại” rồi trở thành người có của ăn của để ở xóm Rạch Miễu, ấp Tân Phú. Dù chính điều đó cũng khiến cho anh lo lắng, vì trong thời điểm thị trường u ám hiện nay anh vẫn còn “ôm” khá nhiều đất.
Hơn một năm nay, thị trường đất nông nghiệp ở xã Phú Đông cũng như huyện Nhơn Trạch rất hiếm người hỏi han. Anh N., nhờ tích lũy được vốn nên đã mở quán cà phê ở xã Phước Khánh; anh M., chuyển sang làm thợ hồ; anh Đ., làm công nhân ở cảng Cát Lái; còn anh Q., trở thành “ông chủ” cho vay nóng. Bây giờ, trong số bốn người họ, không ai sống được bằng nghề “cò” đất, nhưng trong bàn nhậu họ không thể nào quên những tháng ngày vui vẻ của nghề “cò”.
Còn nhớ, khoảng sáu bảy năm trước, khi đi tìm hiểu thị trường nhà đất ở Nhơn Trạch, trong vai người tìm mua đất, tôi được một “cò” đất tên H., ở xã Đại Phước hào hứng dắt đi nhậu để ông ta “thuyết trình” về thị trường đất đai – địa điểm, giá cả… và cả về các mối quan hệ của ông với quan chức chính quyền địa phương. Sau bữa nhậu, ông ấy còn dắt về nhà cho coi chồng sổ đổ “rớt dập chân” của những người gởi đất bán… Trước khi ra về ông còn hẹn hò: “Tuần sau qua đây anh dắt đi coi đá gà rồi mình làm con bê nhậu. Mua được hay không được [đất] không quan trọng”.
Vậy mà con đường từ phà Cát Lái vào trung tâm huyện Nhơn Trạch giờ đây thỉnh thoảng mới thấy những tấm bảng bán đất. Nhà ông H., vẫn còn treo bảng “giới thiệu đất” nhưng ghé vào hỏi thì người nhà nói: “Tối ảnh mới về. Chuyện đất cát phải hỏi ảnh”. Những anh “cò” bạn tôi cũng vậy, họ vẫn theo dõi về thị trường đất đai tại địa phương, để khi có “sốt” trở lại họ không bị lỗi nhịp.
Cho nên chuyện của họ trong bàn nhậu cuối tuần rồi cũng toàn chuyện đất cát. Họ rất kỳ vọng vào con đường chạy dọc sông Đồng Nai đang được Nhà nước nâng cấp. Con đường đang được đổ đất đỏ – nâng cao, mở rộng nhưng giá đất thì chưa thấy động tĩnh gì. Theo anh N., so với lúc cao điểm, đầu năm 2008, giá đất hiện nay tại Phú Đông có nơi giảm hơn một nữa.
Ruộng, vườn hoang hóa
Những đám ruộng lúa, đồng mía dọc hai bên đường nay đã biến mất – Ảnh: Quang Chung |
Cuối tuần rồi, vẫn trên con đường đó, tôi bắt gặp những vườn xoài, ổi… xơ xác mọc cùng cỏ và cây dại, vì không ai chăm sóc. Theo anh N., hầu hết đất dọc con đường này dân địa phương đã bán cho người TP.HCM và các tỉnh khác. Vì vậy, để hợp thức hóa, theo quy định của pháp luật, họ phải chuyển đất trồng lúa thành đất vườn (mới chuyển sở hữu được). Thế mới có chuyện, đất trồng lúa được “bơm cát” để trồng cây ăn trái. Trồng cho có trồng chứ chủ sở hữu không trông chờ gì vào trái ngọt của cây ăn trái, họ chỉ chờ vào “trái ngọt” của thị trường đất đai.
Rất nhiều trường hợp mua đất rồi bỏ hoang trong khi người dân địa phương không có đất để canh tác (vì đã bán). Theo một cán bộ địa chính huyện Nhơn Trạch thì hiện nay có hiện tượng, một số người dân địa phương, bán đất – tiêu hết tiền – thất nghiệp, thuê lại chính mảnh đất của mình để canh tác, chăn nuôi.
Vấn đề hậu “sốt đất” nông nghiệp ở vùng nông thôn này cũng đang mang lại tai họa cho nhiều hộ nông dân. Nhiều gia đình bán đất được tiền tỉ nhưng phần lớn trong số họ không biết sử dụng tiền sao cho có hiệu quả nên “núi tiền” bị ăn mòn. Và nhất là, khi có tiền, con cái họ đua đòi, sắm xe mới… và cả đến với ma túy. Theo anh M., vốn là công an xã, trước đây, ở vùng nông thôn này nào có biết ma túy là gì, nhưng Tết vừa rồi công an bắt cả chục trường hợp đi cai nghiện.
Câu chuyện mới rợi ở gia đình ông Ba V., ở xóm Rạch Miễu, ấp Phú Tân, xã Phú Đông. Nhà ông V. chỉ có một đứa con trai được cả xóm nhìn nhận là ngoan hiền. Thế nhưng cuối năm 2008, đứa con quý tử của ông bị bạn bè lôi kéo và thành con nghiện. Mới đây, tình cờ phát hiện, quá đỗi giận và đau buồn, ông V. đột tử vì tai biến mạch máu não.
Vùng đất thuần nông này không còn bình yên và hiền hòa như vài năm trước. Mới đầu tuần trước, căn nhà lá của anh bạn tôi ở Phú Đông (chỗ anh lui tới vào dịp cuối tuần) bị đạo chích đột nhập và “dọn” sạch sẽ, ngay cái bình gas cũng bị khuân đi… Cơn sốt đất đã tạm lắng dịu nhưng đất và người đã không còn như trước.
Theo QUANG CHUNG – Thời báo Kinh tế Sài Gòn