1 Xem số liệu thống kê về tăng trưởng và lợi nhuận của các ngân hàng nội và ngoại hoạt động tại Việt Nam mà thấy giật mình! Tính sơ sơ, bình quân, các ngân hàng ngoại kiếm lãi gấp 8 lần so với ngân hàng nội với mức tăng trưởng lợi nhuận tương đương khoảng 168% và 20%. Mà lạ là, trong khi các ngân hàng cổ phần của Việt Nam hối hả cho vay, hối hả nâng lãi suất huy động để cạnh tranh lẫn nhau và hối hả phát triển tín dụng (tăng trưởng tín dụng của khối này lên đến 59,9%) thì các ngân hàng nước ngoài cứ “bình chân như vại” kể cả khi mức tăng trưởng tín dụng âm. Họ dường như không quan tâm lắm đến nâng dư nợ cho vay. Vậy khối ngoại đã làm gì để có “kỳ tích” ấy?! 2 Té ra, mấy “anh Tây” chơi trò lách luật với chiêu thức mua bán ngoại tệ lòng vòng. Suốt một thời gian dài họ mua bán đô la Mỹ với doanh nghiệp thông qua một ngoại tệ thứ ba để đạt được tỷ giá mong muốn và khi NHNN cấm nghiệp vụ này, họ vẫn sử dụng ngoại tệ thứ ba thông qua một ngân hàng thứ ba. Khi mà ngân hàng nội địa bị ràng buộc bởi hàng loạt các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, không thể lách luật, thì ngân hàng nước ngoài tỏ ra vô cùng… linh hoạt! Bởi thế, khi mà doanh thu kinh doanh ngoại tệ năm 2009 của nhiều ngân hàng cổ phần sụt giảm mạnh, có ngân hàng thậm chí lỗ thì ngân hàng ngoại lại kiếm được đến 40% cơ cấu lợi nhuận từ “cái sự lòng vòng” ấy. Rõ ràng, dịch vụ ngoại hối và phí mới là nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng nước ngoài. Lợi nhuận từ dịch vụ thấp, ngân hàng cổ phần lao vào tín dụng. trong khi cho vay chỉ cung cấp 20% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài, thì lại chiếm đến 75 – 80% lợi nhuận của ngân hàng nội. Hệ lụy từ sự lệch pha đó dẫn đến sự lệch pha về chất lượng tín dụng của hai khối. Năm 2009 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nước ngoài ở Tp.HCM chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ còn tỷ lệ này ở khối ngân hàng cổ phần cao gấp đôi, còn so với ngân hàng quốc doanh, nơi nợ xấu chiếm 2,02% tổng dư nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của nước ngoài chỉ bằng một phần ba. 3 Từ sự chênh lệch của 2 khối ngân hàng này, có những câu hỏi cần đặt ra: Cùng một môi trường kinh doanh như nhau, cùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như nhau, vì sao ngân hàng ngoại lãi nhiều, ngân hàng nội lãi ít? phải chăng sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấy là do ngân hàng nước ngoài nhiều kinh nghiệm quản lý, đầu tư và công nghệ cao? Câu hỏi này tự lãnh đạo các ngân hàng trong nước phải tìm câu trả lời và tìm cách khắc phục. Nhưng, tình trạng này có yếu tố xuất phát từ khâu quản lý vĩ mô và chính sách không? Sự quản lý ở mức độ khác nhau của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng nội và ngoại có phải là nguyên nhân gây ra sự bất cập này? Câu hỏi này, lãnh đạo NHNN có trách nhiệm trả lời và có trách nhiệm khắc phục! |
Nội và ngoại
1
Bài trước