Một góc khu “ổ chuột” ở quận 8. |
Ẩn dưới chân các tòa cao ốc, cạnh nhiều dãy phố sang trọng là những căn nhà không thể gọi là nhà. Cư dân ở đây hoặc suốt ngày phơi lưng ngoài trời hoặc không thấy ánh mặt trời.
Cách trung tâm Tp HCM chưa đầy 10 phút đi ô tô, “thế giới thu nhỏ của người nghèo” nằm dưới gầm cầu Nguyễn tri phương và trải dài hai bên bờ rạch Ụ Cây (thuộc địa bàn phường 9, 10, 11, quận 8). Càng vào sâu trong hẻm, nhà cửa càng tồi tàn, rách nát. Hẻm nhỏ rộng bằng thân người, phía dưới là dòng kênh cạn, hằng ngày bốc mùi hôi thối.
Nhà không số, phố không tên
Nhà ở đây san sát nhau, vách làm bằng tôn rách nát, liếp tre, ván ép, gỗ mục… Số nhà thì nhà có, nhà không, nhà thì lấy phấn trắng ghi lên vách. Người lớn tuổi xung quanh khu vực cũng không nhớ rõ những ngôi nhà này có tự bao giờ. Nhiều người phỏng đoán, chúng hình thành khi người nông dân nghèo mất mùa đổ xô về Sài Gòn – Gia Định xưa kiếm ăn xung quanh rạch Ụ Cây, nơi từng có hàng chục xưởng cưa với những ụ cây cao ngất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (51 tuổi, ngụ tại phường 10, quận 8) kể: “Đa phần là người nghèo không vốn liếng, không chữ nghĩa, không tấc đất cắm dùi, không cơ sở làm ăn quy tụ về đây làm thuê, làm mướn cho các xưởng cưa. Đêm về, chỗ nằm ngủ của họ là mấy tấm chiếu manh trải trên ghe, trên sàn gỗ của những ngôi nhà dựng tạm bợ, chẳng đủ để che mưa, che nắng”.
Khu vực đường Bến Vân Đồn, quận 4 cũng có nhiều ngôi nhà nát như thế. Ngay cạnh cao ốc Vạn Đô ở phường 1, quận 4, hơn 20 căn nhà tồi tàn đang thi gan với nắng mưa. Khu Miếu Nổi (đường trần Bá Giao, phường 5, quận Gò Vấp) hiện còn vài chục căn lều rách. Chị phan Mỹ Dung (33 tuổi, ngụ tại khu Miếu Nổi) nói: “Lều không đủ che nắng. Khi trời mưa lớn thì giống như ở ngoài sân. Khổ lắm!”.
Quận 3, một trong những quận trung tâm với các con phố sầm uất, cũng có một số nhà ổ chuột nằm bên đường Nguyễn Thị Diệu. Hàng chục người vô gia cư (có hộ khẩu tại Tp HCM) dựng bạt làm nhà, dùng cũi thay giường.
Những căn nhà lụp xụp này tập trung dọc theo kênh rạch. Một cơn gió lớn có thể thổi tung mọi thứ. Thế nhưng, người dân ở đây sống ngày này qua tháng nọ suốt mấy chục năm nay. Người lớn đi trước, lớp trẻ nối bước theo sau, mỗi người mỗi cảnh.
Thiếu vệ sinh, thừa nhân khẩu
Anh Lê Văn Quyến (48 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 4), nói: “Dạng nhà lụp xụp ở đây còn nhiều lắm. Dân chủ yếu kiếm sống bằng nghề bóc hành tỏi, bốc xếp hay chạy xe ôm. Tiền ăn còn không đủ, lấy đâu mà mơ ước có ngôi nhà để an cư, lạc nghiệp”. Anh Quyến cho biết, tuy nhà chật, tồi tàn nhưng hầu như hộ nào cũng có 5 – 6 nhân khẩu. Nhà anh vỏn vẹn 8 m2 nhưng chứa tới 5 người.
So với nhà chị Nguyễn Thị Duyên (hẻm 148, đường Tôn Đản, quận 4), nhà anh Quyến còn khá hơn. Căn nhà của chị Duyên bề ngang chưa đến 1,5 m, dài khoảng 5 m, được “xây” bằng tôn cũ ghép lại và chứa 8 người. Chỗ ở chỉ đủ trải chiếc chiếu, tủ gỗ kê sát tường và một góc để làm phòng vệ sinh. Những đồ vật khác như bếp lò, chén bát, giường xếp… phải kê ngoài hẻm. Từ ngoài nhìn vào nhà trông giống chuồng bò có gắn biển số trên vách.
“Nhà” của một gia đình ở khu ổ chuột. |
Tuy vậy, chị Duyên vẫn tỏ ra hài lòng: “Có một nơi trú thân như thế cho cả gia đình đã là may mắn lắm rồi. Tôi làm tạp vụ nhà hàng theo ca, mấy đứa em làm công nhân giày da. Kẻ làm ngày, người làm đêm cứ thay phiên nhau ngủ. Còn ăn uống thì nấu ngoài hẻm, cơm nấu để trong nồi, ai đói thì bới tô, bới chén rồi mỗi người kiếm nơi nào mát mẻ ngồi ăn”, chị nói.
Tăm tối, bẩn thỉu và chật hẹp là đặc điểm chung của những căn nhà này. Thậm chí, nhiều nơi nước máy không có, điện thì chập chờn do câu nối nên việc sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn. Bước vào toilet nhà anh Quyến, ai nấy không khỏi rùng mình vì sự ẩm ướt trên sàn và đủ thứ mùi hỗn hợp bốc lên. Tìm mãi mới thấy ca múc nước nằm lăn lóc ở góc nhà. Cũng cái ca ấy, anh Quyến dùng để múc nước trong cái lu cáu bẩn đổ vào nồi nấu canh, thổi cơm.
Ông trần Văn Mẹt (nhà ở dưới chân cầu Hiệp Ân 1, đường phạm Thế Hiển, quận 8) cho biết: “Những hộ dân ở đây phải cắn răng mua từng thùng phuy nước để dùng vì hệ thống nước sạch của nhà nước vẫn chưa vào đến. Vì thế, tắm giặt vẫn là chuyện xa xỉ”.
Bà Nguyễn Thị Đức, một trong những người vô gia cư trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, đúc kết, sinh hoạt của họ bằng một câu: “Ăn cơm hộp, tắm công viên”. Họ bỏ ra 3.000 đồng cho một lần tắm giặt tại nhà tắm công cộng ở công viên Tao Đàn.
DiaOcOnline.vn – Theo