Phát động xã hội hóa xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (1770-1799) tại Hà Nội





“Hãy góp một viên gạch, như một nén tâm hương để tưởng niệm Hoàng hậu, danh nhân văn hóa Lê Ngọc Hân” là thông điệp được Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội Lưu Minh Trị nhấn mạnh tại lễ phát động xã hội hóa xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân diễn ra sáng 24/6 tại khu di tích Thành cổ Hà Nội.


Khu tưởng niệm sẽ được xây dựng tại làng Phù Ninh, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm-Hà Nội) – nơi còn lưu giữ phần mộ tượng trưng của Bà và 2 con cùng mẹ đẻ là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 13 tỷ đồng. Công trình Khu tương niệm bao gồm: Khu Đền thờ được xây dựng trên diện tích 1100m2 và tu bổ khu mộ ở bãi Cây Đại với diện tích 286 m2. Theo dự kiến, công trình văn hóa có ý nghĩa này sẽ khởi công xây dựng vào năm 2009, nhân kỷ niệm 210 năm ngày mất của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (1799-2009) và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.


Lê Ngọc Hân (1770-1799) là con vua Lê Hiển Tông (1740-1786) và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền- là vợ của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Cuộc đời ngắn ngủi của Bà phải chịu bao nỗi oan khiên khi ở tuổi 22 đã phải để tang chồng và chưa đầy 10 năm sau, cả ba mẹ con Lê Ngọc Hân đã lần lượt qua đời. Việc điều tra, nghiên cứu về Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và phần mộ ở xã Ninh Hiệp đã được Sở Văn hóa- Thông tin Hà Nội tiến hành cách đây gần 20 năm; chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm Bà cũng đã được đặt ra, nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa được triển khai. Năm 2007, Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội và chính quyền xã Ninh Hiệp tiếp tục đề xuất xây dựng Khu tưởng niệm Lê Ngọc Hân theo phương thức xã hội hóa và được UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân địa phương.


Tháng 5/2008, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Việt Á, Hội di sản văn hóa TL-HN đã tổ chức hội thảo khoa học về “Thân thế, sự nghiệp Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hình thức tưởng niệm tại xã Ninh Hiệp-Gia Lâm-Hà Nội”, khẳng định vai trò của của Bà với lịch sử dân tộc (cụ thể là đối với sự nghiệp của vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn), những đóng góp trên văn đàn nước nhà, mối quan hệ với quê ngoại làng Nành (xã Ninh Hiệp ngày nay), cùng sự thật về ngôi mộ và việc thờ cúng, tôn vinh của nhân dân địa phương với Bà.


Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã hoàn thành tư vấn thiết kế Khu tưởng niệm./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *