Xây dựng nông thôn mới là việc đổi mới tư duy, nâng cao năng lực của người dân, tạo động lực giúp họ chủ động phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện chính sách vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thay đổi cơ sở vật chất và diện mạo đời sống, văn hoá, qua đó thu hẹp khoảng cách sống giữa nông thôn và thành thị. Đây là quá trình lâu dài và liên tục, là một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong đường lối, chủ trương phát triển đất nước và của các địa phương trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Thực tế từ mô hình điểm Để xây dựng nông thôn mới theo đề án thí điểm “Mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản” của Bộ NN&pTNT, Hưng Yên đã chọn thôn Thanh Sầm (xã Đồng Thanh, Kim Động) và thôn Cẩm Quan (xã Cẩm Xá, Mỹ Hào) làm điểm. Sau 2 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Bộ mặt làng quê có nhiều thay đổi, 100% đường làng ngõ xóm được “cứng hoá”. Nhà cửa khang trang, 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Các thôn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao, riêng thôn Thanh Sầm có 10% diện tích canh tác được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như chuối, cam đem lại giá trị kinh tế cao. Cũng tại thôn Thanh Sầm, từ nghề thêu hạt cườm xuất khẩu đã tạo việc làm cho 150 lao động địa phương, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi héc-ta đất canh tác cho thu nhập bình quân 70 triệu đồng. Ông Đoàn Ngọc Quang, phó chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn nhận xét: Mô hình nông thôn mới đáp ứng nguyện vọng của bà con địa phương, người dân rất phấn khởi hưởng ứng thực hiện, tích cực đóng góp tiền của, công sức, trong đó có một lượng lớn kinh phí là của nhà tài trợ, bà con xa quê. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng tại 2 địa phương cũng gặp vướng mắc, tồn tại. trong quá trình triển khai, việc huy động sức dân tuy thuận lợi nhưng đây là chương trình mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Vốn đầu tư chủ yếu dành cho cơ sở hạ tầng, ít dành cho thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất. trong số hơn 2 tỷ đồng đầu tư thí điểm nông thôn mới năm 2008, vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất là 30 triệu đồng (dành cho dạy nghề thêu). Theo ông Quang, trọng tâm trong thời gian tới vẫn là xây dựng cơ sở hạ tầng mà trước hết là hệ thống giao thông, điện, tiêu thoát nước. Các nội dung phát triển kinh tế hộ nông thôn sẽ chỉ chọn một vài nghề làm thế mạnh, không phát triển tràn lan. Các địa phương tiếp tục phát huy nội lực, huy động nguồn lực trong nhân dân.
Nguồn vốn nội lực là chính Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo bước đột phá phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nghị quyết đại hội đảng các cấp. Khó khăn lớn nhất là việc xây dựng nông thôn mới ở các cấp từ trung ương đến địa phương đều trong giai đoạn thí điểm, chưa có mô hình cụ thể, chưa có thực tiễn; về lý luận cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ, khoa học, khách quan. Qua 2 mô hình điểm cho thấy vấn đề quan tâm là kinh phí đầu tư và nguồn lực thực hiện. phần lớn vốn đầu tư xây dựng do dân đóng góp. Tại thôn Thanh Sầm, trong tổng số vốn đầu tư hơn 2,9 tỷ đồng xây dựng mô hình nông thôn mới thì số vốn huy động từ sự đóng góp của dân chiếm hơn 2 tỷ đồng. Tại thôn Cẩm Quan, vốn Nhà nước đầu tư mỗi năm khoảng 400 – 500 triệu đồng, nhân dân chủ yếu đóng góp bằng ngày công, sức lực. trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước còn hạn hẹp, cần coi nguồn vốn nội lực là chính, dựa vào nội lực cộng đồng và do người dân làm chủ. Tuỳ theo điều kiện và khả năng của từng địa phương để xây dựng cơ chế đóng góp phù hợp bằng cả ngày công, tài chính, vật chất, phát huy tối đa khả năng đóng góp của người dân, DN tại địa phương, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, những người con quê hương ở trong và ngoài nước nhằm bổ sung nguồn lực thực hiện. Có thể cho phép các xã được thực hiện cơ chế đổi đất lấy công trình, tức là tạo vốn từ đất để bổ sung nguồn ngân sách cho xã đầu tư xây dựng hạ tầng. Để xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả cao, cần tạo ra một phong trào với sự vào cuộc của người dân địa phương và các cấp chính quyền liên quan. Bên cạnh đó, cần tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho cán bộ HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân. |
Phát huy nội lực
1