KTĐT – Gần một năm triển khai quy định giao dịch bất động sản (BĐS) qua sàn, cái được thấy rõ là số lượng các sàn được thành lập là đáng kể, song chất lượng của các sàn giao dịch chưa được như mong đợi. Con số 226 sàn giao dịch BĐS được thành lập không phải là nhỏ trong thời gian ngắn thực hiện thí điểm, nhưng con số rất đáng buồn là trong 8 tháng cả nước chỉ có hơn 3.000 giao dịch nhà đất qua sàn, tương đương 15 giao dịch/ngày.
Nhiều chủ đầu tư kinh doanh BĐS đã bắt đầu đưa hàng hoá của mình giao dịch tại các sàn, nhất là các dự án liên doanh với nước ngoài, các dự án nhà ở cao cấp… Tuy nhiên, do lĩnh vực này vẫn còn rất mới mẻ nên việc hoạt động của các sàn còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu tính chuyên nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần
Việc thành lập sàn giao dịch quá dễ dãi là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng sàn thấp. Chỉ cần qua 6 buổi học là đã được “gắn mác” chuyên gia tư vấn, môi giới BĐS. Với từng đấy thời gian, không thể đủ để nắm một cách hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực BĐS, các thủ tục, hồ sơ. Đó là chưa tính đến các kỹ năng hành nghề, đạo đức kinh doanh – yêu cầu rất quan trọng để hướng tới mục tiêu minh bạch. 72 cơ sở đào tạo môi giới, định giá, quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS, chưa đầy một năm đã cấp trên 17.000 giấy chứng nhận về môi giới, định giá, quản lý, điều hành sàn giao dịch và gần 10.500 chứng chỉ các loại… Những con số nêu trên khiến người ta băn khoăn về chất lượng công tác đào tạo, cấp chứng chỉ. Ông Xuân Điều, Giám đốc Học viện Đào tạo cán bộ ngành xây dựng cho rằng, cần phải xem xét các cơ sở đào tạo có bảo đảm chất lượng hay không. Thực tế phần lớn các cơ sở đào tạo là doanh nghiệp, rất ít cơ sở đào tạo là các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu liên quan tới BĐS, xây dựng. Thậm chí cơ những cơ sở chỉ có 3 – 4 nhân viên cũng xin được đào tạo. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá lại hoạt động của các sàn, cần siết chặt hơn, nâng cao tiêu chuẩn để loại bỏ những sàn nghiệp dư.
Thực tế sàn giao dịch không thiếu nhưng nhiều chủ đầu tư chưa muốn giao dịch qua sàn như quy định của pháp luật vì còn muốn lách luật để huy động vốn sớm cho dự án, không muốn công khai thông tin về dự án. Vì thế việc ra đời sàn giao dịch BĐS với kỳ vọng tạo ra kênh thông tin chính thống, hạn chế được những rủi ro trong khi mua bán nhà đất, chưa thành hiện thực. Cả nước có đến 226 sàn giao dịch bất động sản nhưng thông tin mà các sàn bất động sản có được cũng như cung cấp cho người dân còn quá hạn chế. Thứ trưởng Nam thừa nhận, ngay bản thân ông là người được Bộ trưởng giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực bất động sản mà đến nay ông cũng không nắm được cả nước có bao nhiêu dự án bất động sản thì nói gì đến việc người dân có thông tin đầy đủ.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay, đó là các chủ đầu tư luôn tìm cách né tránh việc giao dịch qua sàn. Do yêu cầu, thậm chí là sức ép về vốn, chủ đầu tư phải lách luật bằng các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS. Có đến 70% các sản phẩm nhà, đất đều được chủ đầu tư bán dưới hình thức “hợp đồng góp vốn” khi dự án chưa xây xong móng. Nhiều chủ đầu tư phản ánh rằng, các quy định liên quan đến thời điểm và hình thức huy động vốn, thu tiền từ khách hàng chưa tạo ra cơ chế thuận lợi, làm khó cho các chủ đầu tư và các sàn giao dịch. Nhiều sàn giao dịch BĐS được thành lập với chi phí rất lớn nhưng thiếu sản phẩm, ảnh hưởng đến sự sống còn của các sàn. Thêm một hệ quả khác là để có được quyền mua, các khách hàng phải chấp nhận rủi ro khi tham gia các hợp đồng góp vốn kiểu “đi đêm”. Đại diện một sàn giao dịch cho biết, giao dịch qua sàn của họ chỉ chiếm 3%, còn lại đến 97% là các hợp đồng góp vốn không thể qua sàn.
Hạnh Nguyên