Lịch sử phát triển của nhiều thành phố lớn trên thế giới thường gắn liền với những dòng sông. Nếu paris gắn với sông Seine, London gắn với sông Thames hay Matxcơva có con sông cùng tên thì TpHCM cũng được thiên nhiên ban tặng dòng sông Sài Gòn quanh co uốn lượn. Vậy vì lý do gì Sài Gòn – TpHCM hơn 300 năm tuổi nhưng cho đến nay vẫn còn đang loay hoay với việc quy hoạch phát triển giữa hai bờ? KTS. Nguyễn trọng Huấn, nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiến trúc và Đời sống, người từng tham gia quy hoạch nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới. pV: Dưới lăng kính quy hoạch đô thị và văn hóa, ông suy nghĩ như thế nào về giá trị của sông Sài Gòn đối với sự phát triển của TpHCM? – KTS. Nguyễn trọng Huấn: Dưới góc nhìn văn hóa, mỗi dòng sông là một chiếc nôi góp phần hình thành bản sắc của một địa phương. Chính không gian mà dòng sông tạo ra, cùng cảnh trí đôi bờ thường nuôi dưỡng những cảm thức nghệ thuật, những rung động trầm sâu, bền chặt, là nơi sản sinh ra câu hò, điệu hát để phân định dòng sông nọ với dòng sông kia, địa phương này với địa phương khác. TpHCM không có cảnh quan thiên nhiên nào quan trọng hơn sông Sài Gòn. Đó là một thành tố thiên tạo, đặc sắc về nhiều mặt. Ngoài khả năng mang lại nhiều lợi ích vật chất to lớn, sông Sài Gòn còn tiềm ẩn những ưu điểm hiếm có để hóa thân thành một dòng sông đô thị quyến rũ, góp phần tạo dựng một diện mạo đô thị giàu tính nhân văn, tương xứng với vị trí và vai trò của thành phố. Ba mươi lăm năm qua, TpHCM đã phát triển từ 4 triệu dân đến hơn 7 triệu dân. Nhưng 7 triệu dân thành phố cũng chỉ có một đoạn sông chung dài 1 ki lô mét, từ cột cờ Thủ Ngữ đến tượng trần Hưng Đạo, được sử dụng cho chức năng tạm gọi là công viên, cây xanh. Chưa nói ngay trên đoạn bờ này, nhiều khu vực cũng đã và đang bị chiếm dụng cho những mục đích khác. Chúng ta đã tốn không ít tiền của, công sức và thời gian để đào hồ đắp đập, xây dựng công viên Suối Tiên, Đầm Sen trong khi sông Sài Gòn, một tuyệt tác thiên nhiên ngay giữa lòng thành phố thì lại bị rơi vào quên lãng. Con sông Sài Gòn ngay trong đồ án này cũng bị lãng quên và được giao chức năng như một dòng sông phục vụ phát triển kinh tế với hai bờ dày đặc bến cảng, kho bãi, xí nghiệp… “Luận chứng” trên, sau khi trình bày đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước tiến hành Đổi mới, khoảng năm 1989-1990 TpHCM bắt tay làm quy hoạch chung và tôi được Viện Quy hoạch thành phố mời tham gia. Với tư cách là chuyên gia cố vấn Ban Chủ nhiệm đồ án Quy hoạch tổng mặt bằng TpHCM, tôi đã đề xuất thành phố chọn hướng phát triển về phía biển. Về bản chất, TpHCM là một thành phố cận duyên. Tuy cách biển gần 100 ki lô mét nhưng TpHCM có sông Lòng Tàu, dễ dàng tiếp cận với tuyến giao thương đường biển quốc tế đi qua Malacca, Singapore và Đông Bắc Á. Cần nhìn TpHCM như trung tâm của chùm đô thị quốc tế: Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila… Như vậy, quy hoạch phát triển TpHCM nên từng bước vượt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nối với Bà Rịa – Vũng Tàu để hướng ra đại dương. trong tổng thể đó, sông Sài Gòn cần được xây dựng thành trục cảnh quan trung tâm của thành phố. trong không gian 15 ki lô mét đường chim bay, dòng chảy quanh co, uốn lượn của sông Sài Gòn qua địa bàn thành phố dài 37 ki lô mét. Và như vậy, tổng chiều dài hai bờ khoảng 70 ki lô mét. Với chiều rộng lòng sông từ 150- 350 mét, đây là kích thước lý tưởng để hình thành nên một không gian cảnh quan tuyệt mỹ. Sông Sài Gòn là dòng sông định hình trên vùng đất yếu nên dòng chảy rất đặc sắc, tạo lập những góc nhìn, những chuyển hướng hoàn toàn thay đổi, không đơn điệu như những dòng sông khác. Thêm nữa, sông Sài Gòn chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, là hướng gió mát từ biển thổi vào nên nếu khai thác tốt sẽ đón luồng gió mát giải nhiệt cho thành phố. pV: Vậy ông nhận xét gì về cách ứng xử của chúng ta đối với sông Sài Gòn trong tiến trình phát triển vừa qua? – Cho đến nay, sông Sài Gòn vẫn được coi như một dòng sông phục vụ sản xuất và giao thông chứ chưa được đối xử như một cảnh quan thiên nhiên, một không gian cần và đủ để tạo dựng một không gian cảnh quan văn hóa. pV: trước đây, cũng đã có một số đồ án quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Sài Gòn nhưng rồi dường như bị quên lãng. Đó chỉ là một sự tùy tiện trong việc lập quy hoạch hay vì nguyên nhân nào khác, thưa ông? – TpHCM đã vượt được sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, các cảng đã dần chuyển ra Thị Vải, Cái Mép, Hiệp phước và Cát Lái. Thế nhưng, đến nay sông Sài Gòn vẫn chưa có được một quy hoạch tổng thể mà trong đó con sông được xem như một đối tượng, một mục tiêu văn hóa. Các công trình cao tầng thi nhau mọc lên nhưng mạnh ai nấy làm. Nếu tình hình này vẫn diễn ra thì TpHCM sẽ đánh mất sông Sài Gòn và sẽ không còn là đô thị mang đặc trưng sông nước như chúng ta mong muốn. Tư duy ngắn hạn là một trong những nguyên nhân nhưng cũng cần phải thấy trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành làm công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo thành phố. pV: Thưa ông, dường như hiện nay chúng ta đang quá quan tâm đến đoạn sông Sài Gòn chảy qua trung tâm thành phố mà bỏ quên những vị trí khác? – Đúng vậy. Để sông Sài Gòn có thể trở thành một thắng cảnh, cần sớm có chủ trương quy hoạch tổng thể từ thượng nguồn đến hạ lưu. Cần sớm đầu tư cho công tác nghiên cứu, khảo sát nhằm xây dựng một quy chế quản lý sông Sài Gòn về mọi mặt. Một tổ chức liên ngành nghiên cứu, quản lý và khai thác sông Sài Gòn nên sớm được hình thành. pV: trong cái nhìn của một nhà quy hoạch đô thị, ông có thể chỉ ra đâu là những không gian đắt giá nhất của sông Sài Gòn? – Đó chính là đoạn dọc bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình triệu và từ cầu Sài Gòn đến trung tâm quận 1. Đi đường bộ Bắc – Nam từ phía Thủ Đức vào thành phố, đỉnh cầu Sài Gòn cho phép ngắm nhìn diện mạo toàn cảnh của một Sài Gòn sông nước. Nếu khu vực tả ngạn sông Sài Gòn từ cầu Bình triệu đến cầu Sài Gòn và có thể từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng được quan tâm đúng mức, một diện mạo Sài Gòn sông nước hiện đại, khang trang không phải là một tương lai quá xa vời, không vươn tới được. Đáng tiếc là khả năng này đang biến mất và khi đã biến mất, việc phục hồi gần như là không thể. pV: Vậy theo suy nghĩ của ông, có thể hình dung như thế nào về một quy hoạch lý tưởng cho sông Sài Gòn? – Tốt nhất là nên biến hai bên sông Sài Gòn thành không gian văn hóa, giải trí, kết hợp các loại hình kinh doanh thích hợp. Sông Sài Gòn sẽ là một dòng sông taxi phục vụ văn hóa và du lịch, với hệ thống bến đò cùng những công viên rộng tiếp cận bờ sông. Hai bờ sông là không gian thích hợp để trình diễn những kiến trúc độc đáo, những công trình văn hóa – nghệ thuật… tạo nên bộ mặt đô thị hấp dẫn. Những đại lộ thênh thang uốn lượn theo hai bờ sông được kè đá với hàng lan can thoáng rộng; du khách tản bộ trên đường mặc sức thả hồn dưới bóng những hàng cây ngát hương để cho cảm giác đổi thay nơi những vòng cung khi dòng sông chuyển hướng. Người dân thành phố chiều chiều ra hóng mát, đứng bên bờ sông lộng gió ngắm những chiếc tàu du lịch trắng muốt đang rẽ sóng về bến Thanh Đa. Và ở bờ bên kia, thành phố mới trên đất Thủ Thiêm với những kiến trúc nguy nga, duyên dáng soi mình trong lòng con nước. |
Sông Sài Gòn nên là dòng sông của văn hóa, du lịch
2
Bài trước