Nhà báo Nguyễn An Định trước khi đi xa, anh công tác ở Báo Lao động, còn đoạn đầu đời anh biên chế ở Đài phát thanh Quảng Ninh. Khi ở Quảng Ninh anh được phân công theo dõi ngành thủy sản. Anh viết bài về thủy sản luôn đầy mùi tôm cá. Bạn bè và người quen biết, nhớ anh bởi cá tính “ngang tàng” và cả cái dáng cao to đen hôi nữa. Ông Võ Liên, trước khi về làm chánh văn phòng Báo Nhân dân là phó giám đốc Đài Quảng Ninh. Hai người thường xuyên “đấu khẩu” về chuyện bài vở. Nguyễn An Định công tác ở Đài Quảng Ninh có “dấu ấn lớn” mười năm liền không lên lương. Nguyên nhân khó xác định, có lẽ vì “sáng quá” trong “cái đen” quá chăng? Sau khi ông Võ Liên rời Đài Quảng Ninh về Báo Nhân dân, cánh cửa đã tháo chốt một bên bản lề, Nguyễn An Định “thoát” về Báo Lao động. Ông Xuân Cang TBT và ông Văn Nhàn, phó TBT rước về và giấu vào Sài Gòn hai năm. Đó là thời điểm mới giải phóng miền Nam, giữa năm 1975.
Về Hà Nội có đất dụng võ nên Nguyễn An Định nổi như cồn. Tôi nhớ, một buổi sáng Nguyễn An Định ở một nửa căn hộ tập thể khu phố trần Bình trọng. Anh nhấm nháp mấy con chữ viết về Chủ tịch UBND Tp Hà Nội: “Chân lý (cái lý có chân)”. Tớp một ngụm rượu rồi tiếp: “Mày thấy có cái thằng nhà báo nào chua ngoa hơn tao không?”. Nói đoạn lại kể “chiến công” làm cho ông Lê Ất Hợp điêu đứng. Đang hăm hở viết, anh quẳng bút ra bàn sai tôi và họa sĩ Lê Vân Hải (Bộ Văn hóa) làm mồi nhậu. Rượu vào, chuyện trên giời dưới đất lôi ra hết. Cuối buổi tự nhiên thấy ông phạm Thế Duyệt đến, lúc đó ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Nguyễn An Định là nhà báo lớn, chống tiêu cực như người bắn hỏa tiễn? phát súng nổ đầu tiên là bài “Nhà khách Bộ GTVT biến đi đâu?”. Hàng trăm bài báo chống tiêu cực khác được in từ miệng Báo Lao động. Cái số nhà 51 Hàng Bồ thân quen với nhiều người yêu công lý. Thời gian ấy báo tuần ra 2 số khổ nhỏ, giấy xấu… Với tôi có cả một seri bạn bầu anh em ở cái góc phố nhỏ ấy và những chén rượu, cái bánh rán thơm lừng… còn in mãi trong ký ức. Tôi làm biên tập, đạo diễn truyền hình, làm phóng sự điều tra cũng tạm được. Lần ấy, năm 1989 đang xóa bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, tôi có một phóng sự điều tra khá gai góc, mang lên VTV1 phát cho oách. Gặp nhà báo Nguyễn trường phước, anh tấm tắc khen hay, khen đắt. Nhưng lại bảo “để tao viết lời bình cho, mày viết như c…”. Tôi cười. Thế rồi anh vừa xem băng, vừa “phịa” lời bình, kỹ thuật viên vào tiếng, tối phát sóng luôn. Tôi nhớ lời mở đầu về phóng sự đó “Chúng tôi nói báo động là báo động thật, không phải báo động giả…”. Cảnh tàn phá môi trường trong khai thác than ở vùng than Uông Bí hiện ra ngay từ cảnh đầu. Nếu là báo in thì nói đến tết, mất cả trang bạn đọc chưa hiểu mức độ tàn phá môi trường như thế nào, báo hình chỉ vài chục giây đã thấm mùi, chẳng ai nghi ngờ “nhà văn nói láo, nhà báo nói hay”. Lợi thế ghê gớm của truyền hình, nó hàm chứa đủ âm thanh, hình ảnh với cảnh quay thời sự, còn cảnh phim đã được “chế biến” có nhạc, có tiếng động, có hình kỹ xảo hỗ trợ, sinh động khiến tất cả giác quan mắt tai và như cả vị giác nữa đều cảm nhận. Cố nhà báo Nguyễn trường phước là người đa tài, anh cũng là nhà báo chống tiêu cực khét tiếng cùng thời với cố nhà báo Nguyễn An Định. Bây giờ thiết bị máy móc hiện đại gấp nhiều lần, nhưng những bài điều tra dạng như của cố nhà báo Nguyễn trường phước, Nguyễn An Định vắng lắm. Có chăng thì cũng ở “nhiệt độ” trung bình với mấy câu hỏi nên chăng? Nói như vậy lợi thế về loại hình báo chí chưa phải là yếu tố quyết định và thêm một lần nữa khẳng định rằng con người vẫn là tất cả. Đó là lời giải thích vì sao chất lượng nội dung báo chí nhất là báo hình rơi xuống (?) Khi phát minh ra truyền hình lúc đầu người ta chỉ dùng vào việc vui chơi văn nghệ, dần dà mới dụng vào việc đưa thông tin đại chúng… Đôi khi tỷ trọng thời lượng phát hình có tính chất gọi là “báo hình” trên sóng giỏi chỉ bằng một phần, còn toàn trò chơi, giải trí, quảng cáo… Báo Xây dựng bây giờ tôi thấy y chang Báo Lao động những năm thập kỷ 80. Nhiều người muốn tìm hiểu diện mạo và vóc dáng của Báo. Cái biểu đồ hình sin nó đúng với mọi trạng thái của quy luật vận động nhất là con người. Hiện trạng của nó đang đi lên, còn bao giờ đến đỉnh điểm biên độ tối đa thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Mọi người đã nhìn thấy hiện tượng đổi máu, số nào cũng một vài bài phông điều tra. Nội dung đa dạng và khá phong phú. Nhiều tác giả viết điều tra vào loại có hạng đã cậy nhờ diễn đàn Báo Xây dựng đăng bài. Thay máu đó là yêu cầu của sự đổi mới, có một cuộc đổi mới nào mà không gian khổ? Đất nước đang như một đại công trường, hàng vạn những vấn đề về xây dựng, về bất động sản, về pháp luật… nhưng chưa thấy nhà báo nào nổi danh ở địa hạt này? Mọi người đều sẽ là đối tượng của tờ báo này, thị trường quá rộng? Nhưng mặt bằng dân trí phải cao hơn. Báo nên tạo cho bạn đọc hiểu rõ ở mọi góc nhìn. Nói một cách khác “hiểu rõ, làm đúng” đó là tiêu chí với thị trường của Báo Xây Dựng trong thời gian tới. Nhân ngày Báo chí Việt Nam, tôi viết vài lời tản mạn, mong bạn đọc thơm thảo lượng thứ. Nhân diễn đàn này cho tôi có lời cảm ơn với những người đã giúp đỡ trong cả quãng thời gian trên ba mươi năm làm báo. Hy vọng chia sẻ là điều tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp và bạn đọc cả nước. |
Tản mạn chuyện nghề
0
Bài trước