Trang chủ » Thành phố hướng biển

Thành phố hướng biển

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments
trung tâm hành chính Tp. Tam Kỳ sẽ được dịch chuyển về hướng biển,”ra riêng” với trung tâm hành chính tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đã có, một hội thảo chủ đề “trung tâm hành chính mới-tương lai Tp. Tam Kỳ” cũng đã được tổ chức ngay trước thềm xuân mới.

Nam Kỳ vốn đã là một Tp hướng biển. Tôi thường nghe ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch UBND Tp.Tam Kỳ tâm đắc kể câu chuyện lịch sử về sự hình thành Tam Kỳ gắn với bước chân mở cõi về phương nam của những lưu dân Thanh-Nghệ Tĩnh hồi thế kỉ 15-17. Đó là những bước chân từ biển lên. Đoàn lưu dân theo thuyền vượt bể Đông, khi đến đây, phóng tầm mắt vào đất liền, nhìn thấy ba cồn đất nhô lên cao hình tam giác, là các núi An Hà, Quảng phú, trà Cai, bèn ghé thuyền vào, lại thấy ba dòng sông, là trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch lượn quanh ba cái cồn ấy, tạo lập một vùng đất đai màu mỡ, bèn sinh cơ lập nghiệp, truyền mãi đến bây giờ, non xanh còn đó, nước biếc còn đây.

Khoảng hơn 100 năm trở lại đây, Tam Kỳ luôn được chọn là trung tâm hành chính của nhiều cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh. Và ngay cả trụ sở cơ quan công quyền cấp cao nhất Tp, rồi tỉnh, cũng thể hiện sự “hướng biển”. Cũng theo ông Việt, kiến trúc sư lừng danh Ngô Viết Thụ, người thiết kế dinh Độc lập, chính là tác giả của toà nhà tỉnh đường Quảng Tín cũ, nay là trụ sở UBND tỉnh, với kiến trúc gần như còn nguyên vẹn, quay mặt nhìn thẳng về biển Đông, lấy một trong ba cái cồn là An Hà làm tiền án. Cũng chính vị kiến trúc sư này ngày trước đã qui hoạch không gian phát triển đô thị Tam Kỳ hướng biển trông thấy. Thế nên chi, với xu thế phát triển mới, nhu cầu mới, qui hoạch-kiến trúc đô thị Tam Kỳ đứng trước giấc mơ tầm nhìn mới, ắt phải nghiên cứu, lựa chọn, định hướng phát triển một Tp.Tam Kỳ mới -Ông Việt bày tỏ.

Tp. Tam Kỳ là một thành phố hướng biển, chứ không thể là một thành phố biển đúng nghĩa, bởi thiếu một điều kiện quan trọng là cảng biển. Theo ông Lê phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, phát triển Tam Kỳ tiệm cận với đường bờ biển là một xu hướng tất yếu, và phù hợp với xu thế hiện nay của các đô thị là hướng biển. Sự thành công của các đô thị hướng biển ở nước ta và trên thế giới là đã khai thác các lợi thế từ vị trí xây dựng đến các nguồn lợi từ kinh tế biển, mà đối với Tam Kỳ thì du lịch được xem là một lợi thế hàng đầu có thể khai thác với tiềm năng kết nối du lịch sinh thái sông, biển, đầm phá, đồi núi. trong tương lai, Tam Kỳ mới hoàn toàn có thể trở thành một đô thị biển đúng nghĩa, với việc trở thành một thực thể đô thị thống nhất với 2 khu vực sát biển cũng đang được qui hoạch phát triển thành đô thị mở là Chu Lai (phía nam Tam Kỳ) và Cửa Đại Hội An (phía bắc Tam Kỳ). Theo tiết lộ của một vị lãnh đạo Ban QL khu Kinh tế mở Chu Lai-đơn vị đang “cai quản” toàn bộ vùng đông ven biển của tỉnh bao gồm cả đông Tam Kỳ và 2 phía nam, bắc Tam Kỳ, không gian qui hoạch định hướng cho khu vực này bao gồm ít nhất 4 đô thị mới, mỗi khu xấp xỉ 600-800ha, chưa kể “Tp. Tam Kỳ mới”, tạo thành chuỗi đô thị ven biển “trong mơ” mà Tam Kỳ là “thủ phủ”.

trong ý tưởng của các nhà hoạch định, trung tâm hành chính là đầu não, là hạt nhân hình thành, phát triển toàn Tp.Tam Kỳ tương lai. Bởi vậy, việc dịch chuyển trung tâm hành chính về hướng đông, lựa chọn vị trí nào, qui hoạch, xây dựng ra sao, mang trong mình nó kỳ vọng “vươn ra biển lớn” trong chiến lược hướng biển của Tp.Tam Kỳ. Tổng diện tích Tam Kỳ gần 10.000ha. Đô thị cũ là phần đang phát triển, mặc dù “dáng đẹp”: diện tích 4.000ha, tựa vào một trong ba cái cồn là trà Cai, hình thể như một vòng cung ôm lấy một trong ba con sông là Bàn Thạch và hướng mặt về biển Đông, nhưng là một “thành phố không bản sắc”. Nói như kiến trúc sư Hoàng Sừ, phó GĐ Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam, Tam Kỳ xưa là thành phố nhỏ bé, không có ngã tư, chậm phát triển, Tam Kỳ nay cũng không thấy trung tâm thành phố, phố vụn, xây chen, mặt phố lộn xộn, không biết đi đâu xem gì, tóm lại là một thành phố không “dáng riêng”.

Thử đi tìm hình cho Tam Kỳ mới, ông Sừ đề xuất xây dựng một “Thành phố 5 trong 1”: 3 ven (sông, biển, hồ), 1 rừng (rừng cũ, công viên rừng mới, và 1 nhau thai (một hệ trục xương sống và động mạch nối thành phố mẹ và thành phố con). Kết quả khảo sát, đánh giá của nhóm các đơn vị, nhà nghiên cứu đề xuất về khu trung tâm hành chính mới Tp.Tam Kỳ cũng đưa ra nhận định tương lai của Tam Kỳ sẽ được quyết định nhiều ở phần phía đông, ở khu vực mở rộng gồm 6.000ha, có 4 vị trí để lựa chọn làm “đầu não, hạt nhân”, đều nằm trong vùng biển-sông, hồ, đầm phá-đồi núi. Và kết luận đề xuất: phát triển Tam Kỳ mới về phía đông, loại hình thành phố sinh thái sông-biển, mới khả dĩ tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Tam Kỳ.

Một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà qui hoạch tâm huyết với Tam Kỳ đã đưa ra vô số tiêu chí tiêu chuẩn cấu trúc cho đô thị mới. Có ý tưởng “hết sức lãng mạn trong hoàn cảnh của một tỉnh lẻ” là mỗi con đường chỉ trồng một loại cây hoa, và đặt tên đường theo tên loài cây hoa ấy. Lại có ý tưởng cũng… hết sức lãng mạn dành cho kiến trúc trụ sở cơ quan công quyền đô thị mới, của chính một vị lãnh đạo thành phố, là các toà nhà Thành uỷ, UBND Tp phải quay mặt về hướng Nam để tỏ ý “bậc vương giả ngoảnh mặt về hướng Nam mà cai trị thiên hạ”, để luôn tâm niệm việc tạo phúc cho bá tánh an vui thịnh vượng; lại nữa, các trụ sở cơ quan cần mạnh dạn bỏ hẳn tường rào cổng ngõ 4 phía để bớt rào cản với dân, đỡ tốn kinh phí, thay vào đó là trồng cây, hoa, cỏ làm dải phân cách mềm, biển báo tên cơ quan chỉ cần khắc đá khắc đồng kích thước vừa phải dựng trong khuôn viên, còn việc đảm bảo an ninh có thể giao cho bộ phận chuyên trách với camera giám sát.

Tôi cũng lại quen biết một “đại địa chủ” già có công cách mạng ở phố chợ Tam Kỳ-khu vực sầm uất nhất xưa nay, với câu chuyện mang màu sắc khá phiếu diễu về ông, rằng trong chế độ cũ khi ông còn buôn bán tất nhiên có góp tiền cho cách mạng kháng chiến, một lần cùng ngồi trực thăng với một lái buôn Ba Tàu, ông ta nhìn xuống phán rằng có con đất hoang vu dưới kia chỗ một góc ngã 3 sông Tam Kỳ-Bàn Thạch chắc chắn mai sau sẽ “phát”, thế là ông về đánh liều đổ tiền mua, bồi trúc cả một sở đất ấy, về sau quả thực đất ấy phát lên thành chợ Tam Kỳ, còn ông trở thành người giàu nhất phố chợ với khoảng 1/3 tổng diện tích, chiếm cứ 2/4 mặt tiền, ngày nay vẫn vậy. Riêng ông rảnh rỗi và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nên từng nhiều lần gửi đủ loại chứng lý đề nghị Bộ Giáo dục cải cách chính tả, mà theo như chỗ tôi được ông cho xem thì lối chính tả ấy gần giống với cải cách chính tả mà một số nhà nghiên cứu có uy tín ở miền Nam trước 1975 đưa ra.

Ông lại “phục sát đất” một thương gia khác, cho rằng đó là người nổi tiếng nhất Tam Kỳ cho đến hiện tại, bởi thuở trước cả Tam Kỳ cũng chỉ có mỗi một ngã ba, hiệu buôn của ông ta ở đó nên “chết” tên thành ngã ba Nam Ngãi, dù ông ta đã khuất bóng lâu, dòng hương hỏa cũng không còn thịnh, và ngã ba giờ đã thành ngã tư, nhưng cái tên Nam Ngãi vẫn được dân Tam Kỳ gọi riết. Còn điều này nữa, ông và một vị quan chức thành phố cùng ý: trung tâm hành chính đi trước, dân chúng theo sau hình thành đô thị, hay ngược lại? Cái câu thóc đi đâu bồ câu theo đó, ở đây cần minh định ai thóc ai bồ câu? Riêng tôi, cứ luyến ái về một màu hoa sưa đặc trưng ở rừng sưa hiếm hoi còn sót ven sông Tam Kỳ, cái màu vàng không rực rỡ phồn hoa cũng không dịu dàng quê mùa. Vàng cứ đầy hoài niệm…

 Theo Lao Động

 

Có thể bạn cũng thích

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.