Ngày 17-2, khi chúng tôi đến công trường xây dựng nhà máy xi-măng Sông Thao, đồng hồ đếm ngược báo còn 72 ngày nữa nhà máy sẽ hoàn thành đi vào sản xuất. Tổ hợp tổng thầu EPC do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đảm nhiệm chính đang tập trung thi công nước rút, kịp hoàn thành đúng ngày Quốc tế Lao động 1-5. Hàng nghìn công nhân mang màu áo xanh LILAMA hoạt động ba ca liên tục, lắp đặt những dây chuyền, thiết bị cuối cùng. Dự án Nhà máy xi-măng Sông Thao có quy mô gần 40 ha, nằm trên địa bàn xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), công suất gần một triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng. Nhà máy được hình thành từ nguồn vốn cổ phần của ba đơn vị: Tổng công ty LILAMA, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công ty xi-măng Phú Thọ; tổ hợp tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp) do LILAMA đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Mặc dù dự án có giá trị xây lắp không lớn, nhưng nó đánh dấu một bước tiến dài của LILAMA trong việc vươn lên nắm vai trò tổng thầu EPC. Ông Vũ Văn Cương, Giám đốc Tổ hợp nhà thầu EPC cho biết: Toàn bộ khối lượng thiết bị toàn nhà máy khoảng 11 nghìn tấn, trong đó, khối lượng thiết bị chế tạo trong nước hơn 7.000 tấn, chỉ còn những thiết bị chính trong nước chưa sản xuất được mới phải nhập khẩu. Hệ thống máy nghiền được nhập khẩu từ CHLB Đức, sử dụng công nghệ khô, lò quay ba bệ, kết hợp tháp trao đổi nhiệt năm tầng. Với tỷ lệ nội địa hoá khá cao (65%), suất đầu tư của nhà máy chỉ còn chưa đầy 100 USD/tấn xi-măng, giảm rõ rệt so với trước đây. Đến thời điểm này, tổ hợp tổng thầu đã hoàn thành khoảng 85% công đoạn, các thiết bị nhập khẩu đã tập trung đến chân công trình, thợ LILAMA đang nỗ lực hoàn thành việc lắp đặt, chuẩn bị chạy thử. Đối với LILAMA, làm tổng thầu EPC dự án xi măng, trong đó nhiều thiết bị lần đầu chế tạo trong nước là công việc khá khó khăn, phức tạp, đặc biệt khâu kết nối các thiết bị và dây chuyền công nghệ để đưa nhà máy vào hoạt động. Nhưng trong quá trình thi công, LILAMA đã khẳng định được kỹ năng quản lý và điều hành dự án một cách chuyên nghiệp, tiết kiệm nguyên vật liệu, nhân công và thời gian, được các đối tác đánh giá cao năng lực thực hiện dự án EPC.
Chúng tôi leo lên tháp trao đổi nhiệt cao gần 100 m, phóng tầm mắt nhìn xuống. Một công trình khá đồ sộ, hoành tráng với lò quay, kho chứa nguyên liệu hỗn hợp hình cầu, những si-lô, dây chuyền đóng bao đang trong giai đoạn hoàn thiện. Thấp thoáng những bóng áo xanh đặc trưng của LILAMA thoăn thoắt đưa các kiện thiết bị, máy móc từ container vào dây chuyền lắp đặt. Đội ngũ những người thợ xây dựng, lắp máy, kỹ sư đang miệt mài không kể ngày đêm với công việc, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, sao cho “sản phẩm đầu tay” EPC này được hoàn hảo. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, công nhân Công ty cổ phần LILAMA 3 nói chắc nịch: Tất cả công trường hạ quyết tâm hoàn thành công trình để kịp cho ra lò mẻ clinker đầu tiên đúng dịp Quốc tế Lao động 1-5. Chỉ còn hơn hai tháng nữa, khối lượng công việc còn lại đòi hỏi trình độ tay nghề cao, anh em công nhân chúng tôi chia nhau làm ba ca không nghỉ và tin tưởng công trình này sẽ bảo đảm đúng tiến độ và đạt chất lượng. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy xi-măng Sông Thao sẽ khá thuận lợi trong việc khai thác nguyên liệu, bởi hai loại nguyên liệu chính là đá vôi và đất sét đều có sẵn tại chỗ ở cự ly gần. Mỏ đá vôi Ninh Dân gần 40 ha mặt bằng có trữ lượng dự báo hàng tỷ mét khối đá chất lượng tốt sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy trong 50 năm. Đá vôi được khai thác ngầm, sau khi khai thác sẽ biến thành các hồ sinh thái hoặc hồ chứa thuỷ lợi. Theo quy hoạch, nhà máy là một trong ba điểm thuộc tam giác Phú Thọ – Yên Bái – Tuyên Quang để phát triển ngành xi măng đến năm 2010. Tuy nhiên, hiện LILAMA đang vướng phải khó khăn do hợp đồng ký kết từ năm 2005, các thiết bị chính mua trong nước về sau này bị trượt giá lớn, nhưng theo quy định lại không được bù giá thiết bị. Chẳng hạn, trong một dây chuyền, thiết bị “tinh” như động cơ, hộp số,… chiếm giá trị lớn lại không được bù giá, chỉ được bù giá phần “thô”. Nhà thầu đề nghị chủ đầu tư bù 30% do trượt giá từ cuộc khủng hoảng kinh tế (khoảng 50 tỷ đồng) và hiện đang trong quá trình thương thảo. Sau khi hoàn thành nhà máy xi-măng Sông Thao, LILAMA lại tiếp tục thi công nhà máy xi-măng Đô Lương, có quy mô công suất, công nghệ tương đương và phấn đấu xây dựng với thời gian ngắn hơn, tỷ lệ nội địa hoá cao hơn, đạt khoảng 75%. Sự thành công của dự án có ý nghĩa to lớn, không chỉ đóng góp cho giá trị sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp mà còn khẳng định sự đúng đắn về chủ trương thực hiện mô hình EPC theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng về thí điểm chương trình nội địa hoá ngành cơ khí chế tạo thiết bị. |
Thi công nước rút Nhà máy xi măng Sông Thao
1