1. Nếu là người Sài Gòn chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý với nhau một điểm: không đâu mà nhịp độ xây dựng nhanh như ở Sài Gòn – nơi có những con đường mà ta thường đi hàng ngày. Chỉ cần lơ đãng không chú ý chỉ một vài tuần lễ, một vài tháng, ta một hôm sẽ phải kêu lên thảng thốt “Trời! lại thêm một toà cao ốc!”. Thêm một toà cao ốc, cái nhan sắc Saì Gòn hứa hẹn lại lộng lẫy thêm nhưng con đường nơi có toà cao ốc đang kiêu hãnh vươn cao chưa chắc còn là con đường đẹp nếu nó không phải đại lộ, chỉ là con đường nho nhỏ với hai hàng cây bóng mát như Mạc Đĩnh Chi hay Phạm Ngọc Thạch (quận 1). Đơn giản, toà cao ốc có thể đã phá vỡ cảnh quan đẹp, trữ tình trước đó với những biệt thự chỉ một trệt một lầu, thân mật nằm cạnh nhau mà khi quy hoạch nó, những nhà quy hoạch đã phải giải một bài toán hoàn hảo.
Những con đường của Sài Gòn đâu thoát ngoài quy luật phát triển đô thị |
2. Không chỉ những con đường nhỏ. Giờ đây trong những hẻm ngõ có mang tên đường. Với người đi xa lâu ngày trở lại ta cũng khó lòng hướng dẫn, chỉ lối nếu chỉ căn cứ vào những đặc điểm của ngày xưa như “cây sao, cây xoài đầu hẻm… hay nhà tôi bên cạnh ngôi nhà có hàng rào hoa bông bụp, ngôi nhà kiểu Pháp…v.v”. Sự thay đổi chớp nhoáng trong xây dựng nhanh chóng xoá sạch dấu tích ngỡ tưởng mãi còn nằm đó. Con hẻm, con đường ngày nào đã biến mất dấu tích những ngôi nhà đặc trưng cũ, thay vào đó là những ngôi nhà mới với đủ màu sắc, kiểu dáng kiến trúc tuỳ thích của gia chủ.
Cảnh quan đổi thay là quy luật sống “sông kia rày đã lên đồng… chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai…”, huống chi đô thị lớn. Vùng ven của Sài Gòn nay đã mất hẳn khái niệm “vùng ven”, nó đã thành thị trấn, thị xã, khu công nghiệp, chung cư cao tầng hầu hết… Những con đường của Sài Gòn đâu thoát ngoài quy luật phát triển đô thị. Vấn đề ở chỗ ai cũng thấy, ai cũng dễ dàng nhận ra nó dần như hàm răng mọc lộn xộn, chiếc cao chiếc thấp, chiếc đâm ngang, chiếc lòi sỉ. Gương mặt đô thị có khi xấu dần dù lô nhô cao ốc lộng lẫy.
Quy hoạch mà như… không quy hoạch đấy – chính là “nỗi buồn đô thị”, nỗi buồn lộng lẫy chứ không vắng vẻ, uể oải như “vẻ buồn tỉnh lỵ” được tạo nên bởi nhịp điệu chậm rãi, buồn buồn của cảnh quan nhỏ nhắn, xa vắng…
3. Ngồi sau lưng tôi là người bạn hàng chục năm mới trở lại Sài Gòn. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát ngày xưa là sinh viên Luật của anh vẫn còn đó. Hàng cây còn đó, nhưng hàng cây đã “lùn”xuống vì cao ốc vươn lên khập khễnh. Con đường không nhỏ nhắn mà chật chội hẳn đi bởi bầu trời cũng hẹp lại. Cái êm đềm của một con đường đẹp, thơ mộng một thời nay không còn. Tôi đành an ủi “30 năm trước thành phố Sài Gòn dân số chưa đông như bây giờ, nay nó đành phải chen chúc chứ biết làm sao!”. Anh im lặng nhưng tôi biết lòng anh đang tiếc nuối con đường êm ả của một thời lãng mạn, đi bên người yêu với chiếc dù che màu tím qua những biệt thự xinh xắn ẩn trong vòm lá me xanh rười rượi.
Cái gì mất đã mất, cái gì mọc lên đã mọc lên. Một đô thị hài hoà với những con đường gọn gàng hay thênh thang nhưng ngăn nắp, trật tự phù hợp giữa nhà cửa, phố xá với cỏ cây. Có lẽ giờ đây ta chỉ còn có thể gặp lại nơi xa hơn: những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, chẳng hạn.
Sài Gòn đã hết đất, đã lỡ rồi, đã dần xấu đều. Nhưng kể cả cái “lỡ rồi” cũng không phải vô ích, nó vẫn cho ta những bài học quý giá cho quy hoạch về sau nơi này, nơi khác.
Thôi thì thôi vậy…
Bài: Đỗ Trung Quân
Ảnh: Phan Quang