THÔNG TƯ Hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng như sau: Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Mục đích Thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhằm chọn được phương án thiết kế tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, công năng sử dụng; thể hiện được ý nghĩa, tính chất của công trình xây dựng, đồng thời có tính khả thi cao. Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh: Hướng dẫn việc thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng đối với những công trình công cộng có quy mô lớn, công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù. Đối với các công trình khác thì khuyến khích áp dụng. 2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. Điều 3. Các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc 1. Công trình công cộng có quy mô lớn bao gồm các công trình có quy mô cấp I, cấp đặc biệt. 2. Công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù bao gồm: a) Công trình mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc của đô thị hoặc các công trình có yêu cầu đặc thù như cửa khẩu quốc tế, tượng đài, nhà ga đường sắt trung tâm, ga hàng không quốc tế, nội địa; trung tâm phát thanh truyền hình cấp tỉnh trở lên; b) Công trình giao thông đô thị có yêu cầu thẩm mỹ cao như cầu vượt, cầu qua sông trong đô thị; c) Công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hoá và lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với địa phương; d) Các công trình có yêu cầu kiến trúc trang trọng, thể hiện quyền lực như trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, trung tâm hành chính-chính trị cấp tỉnh trở lên; e) Các công trình do yêu cầu của chính quyền để tạo ra dấu ấn, góp phần tạo diện mạo, cảnh quan đô thị. Điều 4. Các hình thức thi tuyển và tuyển chọn phương án Sau khi có chủ trương đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư (khi chủ đầu tư cũng là người quyết định đầu tư) quyết định tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. Việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây: 1. Hình thức thi tuyển: a) Thi tuyển rộng rãi: Thi tuyển rộng rãi là hình thức thi tuyển không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) tham gia và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. b) Thi tuyển hạn chế: Thi tuyển hạn chế là hình thức thi tuyển mà chủ đầu tư mời tối thiểu 5 tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) có năng lực chuyên môn tham gia thi tuyển. Hình thức thi tuyển hạn chế được áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư đã xác định được một số đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp với dự án, công trình xây dựng hoặc vì điều kiện và thời gian không thể tổ chức thi tuyển rộng rãi. 2. Hình thức tuyển chọn phương án: Tuyển chọn phương án là hình thức người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) lựa chọn một đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm đề xuất tối thiểu 3 phương án thiết kế để chủ đầu tư lựa chọn phương án tốt nhất để thiết kế, xây dựng công trình. Chương II TỔ CHỨC THI TUYỂN VÀ TUYỂN CHỌN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG Điều 5. Tổ chức thi tuyển Người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) có thể tự tổ chức thi tuyển hoặc thuê tổ chức có kinh nghiệm tổ chức thi tuyển. 1. Công tác chuẩn bị thi tuyển: a) Hoàn tất các thủ tục pháp lý và thu thập các tài liệu, số liệu, thông tin về kiến trúc, quy hoạch có liên quan đến khu đất xây dựng công trình. b) Lập kế hoạch thi tuyển và chuẩn bị kinh phí tổ chức thi tuyển. Kinh phí tổ chức thi tuyển, giải thưởng, hỗ trợ phương án dự thi và kinh phí tổ chức tuyển chọn phương án được tính trong chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình. c) Lập Yêu cầu thiết kế. Nội dung Yêu cầu thiết kế phải nêu rõ địa điểm xây dựng, mục đích, tính chất, quy mô của công trình, yêu cầu về tư tưởng, ý nghĩa của công trình cũng như đóng góp của công trình đó đối với cộng đồng và cảnh quan khu vực và các yêu cầu liên quan khác. d) Lập Quy chế thi tuyển. Quy chế thi tuyển gồm những nội dung cơ bản sau: – Hình thức thi tuyển, tính chất, mục đích và yêu cầu của cuộc thi. – Nêu rõ thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi. – Quy định thống nhất về hồ sơ dự thi, ngôn ngữ sử dụng, đơn vị đo lường, đơn vị tiền tệ. Hồ sơ dự thi bao gồm thuyết minh, bản vẽ và mô hình (nếu có). – Các quy định khác do chủ đầu tư đề xuất theo yêu cầu của mỗi cuộc thi. đ) Tùy theo tính chất công trình, chủ đầu tư có thể thành lập Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án dự thi (sau đây gọi tắt là Hội đồng) hoặc thành lập Tổ chuyên gia hoặc mời cơ quan chuyên môn phù hợp để giúp chủ đầu tư đánh giá, xếp hạng các phương án. Chủ đầu tư mời các chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (nếu thấy cần thiết) trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và các lĩnh vực liên quan khác tham gia Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia. 2. Công tác thi tuyển: a) Mời dự thi: – Đối với thi tuyển rộng rãi, người tổ chức thi tuyển tiến hành thông báo mời các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) có đủ điều kiện năng lực phù hợp tham gia thi tuyển. – Đối với thi tuyển hạn chế, người tổ chức cuộc thi mời các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) có đủ điều kiện năng lực phù hợp tham gia thi tuyển. Chủ đầu tư phê duyệt danh sách, số lượng các tổ chức, cá nhân được tham gia. b) Đánh giá, xếp hạng các phương án: Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia hoặc cơ quan chuyên môn thực hiện đánh giá, xếp hạng các phương án theo phương pháp chấm điểm. c) Công bố kết quả và trao giải thưởng: Khi tổ chức thi tuyển, tùy theo quy mô, tính chất của công trình và điều kiện thực tế, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) xác định số giải thưởng, mức thưởng, mức hỗ trợ kinh phí cho các phương án dự thi hợp lệ và ra quyết định về giải thưởng, tổ chức trao thưởng sau khi kết thúc cuộc thi. Điều 6. Tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc Trên cơ sở hướng dẫn tại các điểm a,c,đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 5 của Thông tư này, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) tổ chức công tác tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cho phù hợp với quy mô, tính chất của công trình xây dựng và điều kiện thực tế. Điều 7. Trưng bày, triển lãm, lấy ý kiến cộng đồng Tùy theo tính chất, quy mô công trình và điều kiện cụ thể, người quyết định đầu tư có thể xem xét tổ chức trưng bày, triển lãm, lấy ý kiến cộng đồng về các phương án dự thi hoặc phương án được chọn. Điều 8. Lựa chọn phương án thiết kế để xây dựng công trình 1. Người quyết định đầu tư quyết định chọn phương án phù hợp để thiết kế xây dựng công trình trên cơ sở xem xét kết quả đánh giá, xếp hạng của Hội đồng (hoặc Tổ chuyên gia, cơ quan chuyên môn được mời), các ý kiến của cộng đồng, tính khả thi của phương án và các yêu cầu khác liên quan như công nghệ xây dựng, hiệu quả đầu tư và điều kiện thực tế. 2. Phương án được chọn để thiết kế xây dựng công trình được người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư công bố công khai. Phương án thiết kế được chọn là cơ sở để người quyết định đầu tư xem xét để giao cho tác giả của phương án đó thiết kế công trình khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định. 3. Trước khi ký kết hợp đồng tư vấn, thiết kế và trong quá trình thực hiện các bước thiết kế tiếp theo, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) có thể yêu cầu tác giả điều chỉnh phương án thiết kế được chọn cho phù hợp. Điều 9. Quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án 1. Người quyết định đầu tư: a) Phê duyệt hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án. b) Phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển và kinh phí thi tuyển. c) Phê duyệt kết quả thi tuyển. 2. Chủ đầu tư: a) Đề xuất hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn để người quyết định đầu tư quyết định. b) Hoàn tất các thủ tục pháp lý và cung cấp các tài liệu, số liệu, thông tin về kiến trúc, quy hoạch và các thông tin khác có liên quan đến khu đất xây dựng công trình cho các tổ chức, cá nhân dự thi. c) Lập kế hoạch thi tuyển và kinh phí tổ chức thi tuyển. d) Lập và phê duyệt Yêu cầu thiết kế. đ) Lập và phê duyệt Quy chế thi tuyển. e) Thành lập Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia hoặc mời cơ quan chuyên môn để đánh giá, xếp hạng các phương án. g) Tổng hợp và báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án với người quyết định đầu tư. h) Tổ chức trao giải thưởng. i) Khi chủ đầu tư đồng thời là người quyết định đầu tư thì chủ đầu tư thực hiện các quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư nêu tại khoản 1 Điều này. 3. Tổ chức, cá nhân dự thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án: a) Các tổ chức, cá nhân dự thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án đều phải có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt b) Tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được chọn để xây dựng công trình được đảm bảo quyền tác giả, được thực hiện lập dự án và các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực; nếu không có đủ điều kiện năng lực thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn từ chối thực hiện các bước thiết kế tiếp theo thì chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp để thực hiện nhưng quyền tác giả vẫn thuộc về tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn. 4. Hội đồng đánh giá, xếp hạng và Tổ chuyên gia: a) Xây dựng Quy chế làm việc của Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia (sau đây gọi tắt là Quy chế làm việc). Quy chế làm việc phải thể hiện cụ thể nguyên tắc, phương pháp đánh giá, cho điểm và xếp hạng các phương án dự thi; trách nhiệm của Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia. b) Chủ tịch hội đồng hoặc Tổ trưởng tổ chuyên gia thay mặt Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia phê duyệt Quy chế làm việc và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về việc thực hiện Quy chế. c) Đánh giá, cho điểm và xếp hạng các phương án dự thi. d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo bí mật, khách quan, trung thực và không có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng. đ) Báo cáo và giải trình kết quả đánh giá, xếp hạng với Chủ đầu tư. 5. Cơ quan nhà nước có chức năng quản lý về kiến trúc, quy hoạch ở địa phương: a) Khuyến cáo, khuyến nghị người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) về công trình phải thi tuyển hoặc cần thi tuyển. b) Cơ quan nhà nước có chức năng quản lý về kiến trúc, quy hoạch ở địa phương có thể đưa ra các yêu cầu về hình thức kiến trúc, những yêu cầu thuộc quy chế quản lý kiến trúc khu vực, thiết kế đô thị làm cơ sở để người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) lựa chọn được phương án thiết kế xây dựng công trình có chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật. c) Trường hợp chủ đầu tư thành lập Hội đồng thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thì cơ quan nhà nước có chức năng quản lý về kiến trúc, quy hoạch có trách nhiệm giúp chủ đầu tư đề cử hoặc cử người tham gia. d) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 10. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2005/TT-BXD ngày 12/4/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2009. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân liên quan phản ánh về Bộ Xây dựng để hướng dẫn giải quyết./.
|
THÔNG TƯ: Hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng
4