Dự thảo luật Thuế nhà, đất đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn thiện trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này. Lý giải của cơ quan soạn thảo… Những băn khoăn này được ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lý giải: giá tính thuế được xác định theo diện tích nhà chịu thuế và giá m2 nhà. Diện tích nhà chịu thuế là toàn bộ diện tích sàn xây dựng của căn hộ hoặc diện tích thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Giá 1 m2 nhà đối với nhà mới xây dựng căn cứ theo đơn giá xây dựng mới của nhà ở cùng loại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đối với nhà đã sử dụng, giá 1 m2 được xác định căn cứ theo đơn giá nhà xây dựng mới của nhà ở cùng loại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, trừ tỷ lệ từ 2 – 5% cho mỗi năm sử dụng, tùy loại cấp, hạng nhà, nhưng tối đa không quá 80% đối với nhà cấp I, II và 90% đối với nhà cấp III, IV; giá tính thuế đất được xác định theo diện tích tính thuế và giá của 1 m2 đất. Giá đất được sử dụng làm căn cứ tính thuế là giá đất tính theo mục đích sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền quy định. Cũng theo ông Trường, về thuế suất nhà ở có hai phương án: một là, áp dụng một mức thuế suất 0,05% đối với các loại nhà có giá tính thuế từ 600 triệu đồng trở lên; hai là, áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần với mức miễn trừ 600 triệu đồng, như giá tính thuế nhà đến 600 triệu đồng áp thuế suất 0%, từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng áp mức 0,05%, trên 1,2 tỷ đồng áp mức 0,1%. Theo cách tính này, một ngôi nhà (mới xây dựng) có diện tích sàn 200 m2, có giá 5 triệu đồng/1m2, sẽ có giá tính thuế là 1 tỷ đồng. Tính ra, số thuế chủ nhân ngôi nhà này phải nộp là: 600 triệu đồng x 0% + 400 triệu đồng x 0,05% = 200.000 đồng. Ông Trường cũng cho biết, trong các phương án trên, Ban soạn thảo cho rằng, nên chọn phương án 2 với mức miễn trừ 600 triệu đồng, cùng việc áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần và đưa nội dung này vào Dự luật. Đối với đất, Dự luật đưa ra 3 phương án đánh thuế. Theo đó, phương án 1 áp dụng mức thuế suất 0,05% chung cho các loại đất ở, đất sản xuất – kinh doanh. Phương án 2 áp dụng thuế suất 0,1% đối với phần diện tích vượt hạn mức (hạn mức làm căn cứ tính thuế là hạn mức công nhận đất ở theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); phần diện tích trong hạn mức có thuế suất 0%. Phương án 3 áp dụng thuế suất theo biểu luỹ tiến từng phần tính theo năm với các mức: diện tích trong hạn mức áp dụng mức thuế suất 0,05%, phần diện tích vượt hạn mức áp có thuế suất 0,1%… … vẫn thiếu chi tiết và chưa hợp lý Mặc dù đã lấy ý kiến rộng rãi và hoàn chỉnh nhiều lần nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nội dung Dự luật Thuế nhà, đất vẫn còn thiếu chi tiết, có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là mức thuế suất chưa có khả năng xử lý tình trạng đầu cơ nhà, đất. Để khắc phục tình trạng này, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm cho rằng: “Phần diện tích nhà, đất trong hạn mức chỉ nên đánh thuế với mức thuế suất rất thấp, còn phần diện tích vượt hạn mức nên lũy tiến cao. Áp dụng phương pháp này vừa góp phần triệt tiêu nạn đầu cơ, vừa điều hòa được quỹ nhà, đất”. Do đó, nên đưa ra mức thuế suất thấp đối với nhà, đất trong hạn mức. Việc đánh thuế đối với phần diện tích trong hạn mức không phải nhằm mục tiêu chính là thu thuế, mà là biện pháp chủ yếu để ghi nhận quyền sở hữu cho người dân. Bên cạnh đó, việc đánh thuế theo giá trị ngôi nhà là không phù hợp với đặc thù đất chật, người đông như Việt Nam, nếu áp dụng phương pháp đánh thuế này dễ nảy sinh tiêu cực trong khâu định giá nhà. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, đánh thuế theo giá trị ngôi nhà chỉ phù hợp với các nước phát triển, đất rộng người thưa. Nước ta đất chật, người đông, nên đánh thuế theo diện tích sử dụng thì hợp lý hơn. Nếu đánh thuế theo giá trị nhà như đề xuất của Ban soạn thảo thì phải tổ chức định giá bất động sản rất phức tạp và tốn kém. Trong khi đó, nếu đánh thuế theo diện tích, thì có thể dựa vào hồ sơ địa chính để tính thuế. Nếu lo ngại bỏ sót thuế đối với các trường hợp một người có nhiều nhà, hoặc trường hợp sử dụng nhà không chính chủ, thì đã có quy định về đăng ký hộ khẩu, đăng ký nơi ở lâu dài để làm căn cứ tính thuế. Thông tin đăng ký sở hữu nhà ở cũng là một kênh để tính thuế chính xác… Đồng thời, một trong những mục tiêu quan trọng của Luật thuế Nhà, đất là hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, do đó, Dự luật cần đưa quy định, phần diện tích nhà, đất vượt hạn mức càng lớn càng phải chịu thuế cao. (Theo Đầu Tư) |