Nếu chỉ nói một câu thuận ngôn “tiếng chuông cảnh tỉnh” thì không thể cảm nhận được mức độ trầm trọng của sai lầm này, một sai lầm đã được tích tụ hàng chục năm nay, một sai lầm không chỉ ảnh hưởng đến một khối của cải khổng lồ mà còn ảnh hưởng tới lòng tin của người dân đến hệ thống quản lý tài sản công, một sai lầm khiến nhiều người nghĩ đến nguyên nhân sâu sa của tệ nạn tham nhũng. Sai lầm ấy không thể gọi là tiếng chuông, mà phải là tiếng sấm cảnh tỉnh thì mới thỏa đáng. Mấy ngày nay, đâu đâu cũng bàn luận về chuyện Ủy ban Kiểm tra trung ương ra thông báo về kỷ luật của ông phạm Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Vấn đề quan tâm không chỉ nằm ở chỗ khoản nợ 4 tỷ USD, cũng không chỉ về việc hàng nghìn công nhân ở đây không có việc làm, mà là ở chỗ còn bao nhiêu “cái kim trong bọc” chưa bị lộ ra tại các doanh nghiệp thuộc vốn sở hữu Nhà nước.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao trong nhiều năm qua, Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của DN; thành lập quá nhiều Cty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán…, toàn những cụm từ chỉ có trong bản án hình sự, mà cả hệ thống quản lý công không hề hay biết? Tại sao khi ông phạm Thanh Bình bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước mà các tổ chức Đảng và quần chúng cơ sở ở đây lại có thể coi là việc của người ngoài? Tại sao khi ông phạm Thanh Bình trong một thời gian dài cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán… mà vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật? Tái cơ cấu một DN là chuyện rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Khi đó, việc thay đổi người đứng đầu, cải cách hệ thống quản lý và giám sát là những việc làm tối quan trọng. Con tàu Vinashin đã có thuyền trưởng mới. Một vài gánh nặng đã được san sẻ với tàu bạn. Tuy nhiên, nhiều người đang lo lắng rằng ngần ấy là chưa đủ, bởi vì vẫn với cách tư duy và nền nếp làm ăn cũ, vẫn hệ thống quản lý và giám sát cũ, tín hiệu SOS vẫn sẽ luôn chập chờn trên tháp của con tàu. |
Tiếng sấm cảnh tỉnh
50
Bài trước