Trang chủ » TP.HCM cấm bán nông sản thực phẩm vỉa hè: Không đủ điểm bán đúng chuẩn

TP.HCM cấm bán nông sản thực phẩm vỉa hè: Không đủ điểm bán đúng chuẩn

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments







Từ ngày 10/8, ở TP.HCM chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng văn minh tiện lợi mới được bán rau củ quả, gia súc, gia cầm, thuỷ sản…


Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống được
đảm bảo vệ sinh an toàn tại siêu thị thực phẩm Co.op Food.



Đây là quy định cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người dân thành phố. Vấn đề đặt ra là thành phố khó lòng dẹp nổi các nơi buôn bán không đủ chuẩn, và chưa xây dựng đủ hệ thống phân phối hiện đại đáp ứng nhu cầu người dân.



Đến 10.8, khó dẹp chợ tạm



Có thể thấy rõ, quyết định này là nhằm chấn chỉnh lại tình trạng kinh doanh thực phẩm nông sản tràn lan đến độ không thể kiểm soát được ở các tuyến đường bao quanh các chợ đầu mối, cũng như tình trạng kinh doanh thực phẩm bát nháo ở lòng lề đường, lề chợ, xe hàng rong…



Tại TP.HCM, trong số khoảng 238 chợ có phép hoạt động, thì hầu hết đều có cảnh mua bán ngoài lề chợ. Từ nhiều năm nay, UBND thành phố, các quận, huyện, phường, xã tốn nhiều công sức dọn dẹp chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng lề đường, thế nhưng, cảnh mua bán vẫn tiếp diễn bình thường. Đến bất cứ một khu chợ ở trung tâm nào, như Bà Chiểu (Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Trương Định (quận 3), Nguyễn Thái Bình (quận 1), chợ Xóm Chiếu (quận 4) đều thấy cảnh mua bán thực phẩm tươi sống ngoài lề chợ.



Ông Nguyễn Xuân Trang, trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai nói, chợ tự phát bám xung quanh chợ Phạm Văn Hai cả chục năm nay, chính quyền quận, phường, tổ dân phố thường xuyên mở đợt thu dẹp nhưng đến nay vẫn tồn tại. Ông Trang cho rằng, quy định đến ngày 10.8 tới sẽ dẹp hết các sạp kinh doanh thực phẩm ngoài lề các chợ là khó thực hiện. Bởi vì quận, huyện, phường, xã sẽ không có đủ người túc trực 24/24 tại các điểm kinh doanh trái phép.



Một trường hợp bất lực kiểm soát kinh doanh thực phẩm tươi sống trái phép khác đó là tình trạng mua bán gia cầm sống trái phép. Từ nhiều năm nay, thú y TP.HCM thống kê có tới hàng trăm điểm nóng mua bán gia cầm sống, rải đều ở nhiều quận, huyện. Dù đã mở nhiều đợt ra quân truy bắt, thế nhưng đến nay các điểm nóng vẫn tồn tại. Nếu quy định mới được thực thi, cũng đồng nghĩa với việc từ ngày 10.8, ngành thú y thành phố phải dẹp tận gốc các điểm nóng, điều này e rằng khó làm được.



Xây chưa đủ lưới phân phối



Ngoại trừ các siêu thị, và bốn cửa hàng Co.op Food mới mở là có bán thực phẩm tươi sống, đông lạnh, còn lại hầu như tất cả các trung tâm thương mại, cửa hàng được coi là văn minh tiện lợi hiện nay đều có rất ít hoặc không bán hàng nông sản thực phẩm tươi sống lẫn đông lạnh. Theo các nhà kinh doanh, đầu tư cho nhóm hàng này đòi hỏi vốn lớn (thêm 300 – 500 triệu đồng cho hệ thống tủ mát, tủ đông lạnh), con người (nhân viên có trình độ và kỹ năng bảo quản thực phẩm), nhà cung cấp… Và phải có sự kết hợp với dịch vụ nấu chín để nông sản thực phẩm bán chậm trong ngày là đưa vào chế biến món ăn ngay, nếu không hàng tồn phải đem tiêu huỷ thì lỗ nặng.



Ở hệ thống cửa hàng văn minh tiện lợi thuộc các công ty cũng vậy, ngoại trừ Vissan với 50 cửa hàng đại lý là luôn có tủ mát, tủ lạnh bán các loại thịt, cá, rau, còn lại các cửa hàng khác như 33 điểm bán của Foodcomart chỉ bán thực phẩm khô, nước giải khát…



Đó là chưa kể cửa hàng văn minh tiện lợi còn khá ít, tính trên toàn TP.HCM chỉ có khoảng 500 điểm bán thuộc các hệ thống Shop&Go, 24h, Best&Buy, CirCle K, cửa hàng Coop, Foodcomart, Phú An Sinh, CP mart…, lại tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố, các tuyến đường lớn… Ra xa hơn như Thủ Đức, Nhà Bè, Tân Phú hay các khu công nghiệp có đông công nhân, các ký túc xá cho sinh viên… hầu như không có cửa hàng loại này. Chẳng hạn cả khu vực Thủ Đức chỉ có một cửa hàng của Foodcomart, một cửa hàng Phú An Sinh, một cửa hàng Huỳnh Gia Huynh Đệ…



Nơi tập trung đông dân cư như khu công nghiệp, khu chế xuất, nhu cầu mua sắm nhiều, trong khi chỗ mua sắm hợp chuẩn lại quá ít thì việc tồn tại các điểm kinh doanh “ngoài luồng” là đương nhiên. Chẳng hạn, cả khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), với hàng trăm ngàn công nhân làm việc, nhưng chỉ có một chợ duy nhất là chợ Tân Thuận. Mấy năm gần đây chính quyền quận 7 cấp phép thêm chợ tạm Bùi Văn Ba, thế nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm cho công nhân, chính vì thế mà nhiều “chợ” tạm khác đã mọc lên trong các con hẻm ở khu vực phường Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây… Tương tự, nhiều “chợ” tạm kinh doanh thực phẩm khác cũng mọc lên như nấm ở khu công nghiệp Linh Trung, Bình Đường (Thủ Đức), Tân Bình (quận 12), Tân Tạo (Bình Chánh) cũng chỉ vì thiếu chợ, siêu thị, điểm kinh doanh tiện ích…







Quy hoạch lại kinh doanh nông sản, thực phẩm


Từ 10.8.2009 việc bán buôn nông sản, thực phẩm chỉ tập trung tại ba chợ đầu mối là chợ nông sản, thực phẩm Thủ Đức, chợ Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng văn minh tiện lợi mới được phép bán lẻ ba loại mặt hàng: rau củ quả (tươi hoặc đông lạnh); thịt gia súc, gia cầm, nội tạng dạng thịt (tươi, đông lạnh hoặc có qua sơ chế); các loại khô, mắm, thuỷ sản (tươi hoặc đông lạnh) như cá, tôm, cua, mực… Các tuyến đường bao quanh ba chợ đầu mối (như đường Gò Dưa, Tô Ngọc Vân, Ngô Chí Quốc, đoạn quốc lộ 1A, khu dân cư Bình Chiểu, đường Hoàng Đạo Thuý, đường Rạch Cát – Bến Lức, đường Nguyễn Thị Sóc, đường không tên…) không được phép bán lẻ, không được lập kho chứa hàng nông sản thực phẩm dưới mọi hình thức.


(Theo quyết định 64 ngày 31.7 của UBND TP.HCM về quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm)

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.