Trang chủ » Tỷ giá USD liên NH tăng cao là chuyện bình thường

Tỷ giá USD liên NH tăng cao là chuyện bình thường

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Người đứng đầu ngành NH không lo ngại khi tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng tăng. Ông cho rằng, điều hành chính sách ngoại tệ thực tế phải linh hoạt theo tín hiệu thị trường. “Chính phủ không bao giờ phá giá đồng tiền và không cho phép làm điều đó”.

Thời gian gần đây, tỷ giá USD liên ngân hàng đã liên tục tăng khiến cho tỷ giá thương mại tăng cao đạt mức kỷ lục mới. Giá USD tăng trong hoàn cảnh kinh tế có nhiều biến động, lạm phát có nguy cơ quay trở lại… đã khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng điều chỉnh tăng tỷ giá USD là chuyện bình thường. Đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục điều hành thị trường ngoại hối và lãi suất linh hoạt trong mối quan hệ với các chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại, cán cân đầu tư theo hướng khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.

pV: Sau nhiều lần khẳng định không tăng giá USD, NHNN đã liên tục điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng khiến giá USD trên thị trường tăng mạnh. Thống đốc có thể nói rõ hơn về sự điều chỉnh này?

TĐ Nguyễn Văn Giàu: Chúng ta đều biết, tình hình khủng hoảng toàn cầu tác động xấu đến Việt Nam. Một số chỉ tiêu như xuất khẩu có thể  giảm 9,9%, kiều hối có khả năng giảm 15 – 20%, nếu năm ngoái 7,2 tỷ USD năm nay chỉ còn khoảng 6 tỷ, du lịch giảm thấy rõ, FDI chưa công bố nhưng cũng có xu hướng giảm. Thực tế này, khiến các bộ ngành phải tìm các nguồn để bù đắp.

Đối với thị trường ngoại hối, từ cuối năm ngoái, ngày 26/12/2008 chúng ta đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 3%, đây là bước chuẩn bị cho năm 2009 được dự báo có nhiều biến động. Đến 24/3/2009 chúng ta điều chỉnh biên độ thêm 2% lên 5%. Từ đầu năm, chúng ta cũng đã điều chỉnh tỷ giá dù chỉ 1- 2 đồng/phiên nhưng đến nay cũng đã làm tỷ giá đã tăng thêm 0,16%. Như vậy, từ cuối năm ngoái, tỷ giá đã có 5,16%. Tuy nhiên, nếu so với lạm phát hiện ở mức 4,11% và dự báo đến cuối năm là 7% thì đây là những bước điều chỉnh phù hợp.

Cơ chế điều hành thị trường ngoại hối của chúng ta là không theo tỷ giá thả nổi và không theo tỷ giá cố định mà chúng ta điều hành linh hoạt và có sự điều chỉnh về mặt nhà nước. Từ đó có thể thấy việc điều chỉnh lên trong thời gian qua là theo diễn biến thị trường. Thực tế, từ tháng 7 đến nay tính thanh khoản của thị trường ngoại tệ không còn khó khăn lắm, nhưng các ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ việc mua bán. Cũng có nhiều đề xuất đặt vấn đề tại sao không phá giá thêm nữa. Nếu phá giá nữa có lợi  cho xuất khẩu nhưng giá USD cao không nhập khẩu được thì lại không phát triển sản xuất được. Giữa hai vấn đề đó là một bài toán phải cân đối.

pV: Tăng giá USD liên ngân hàng vượt quá 17 ngàn đồng đã khiến nhiều người lo ngại về sự biến động của thị trường dù trước đó NHNN luôn nói điều hành chính sách ngoại tệ theo hướng ổn định?

TĐ Nguyễn Văn Giàu: Chúng ta phải hiểu, ổn định ở đây là theo một xu hướng tức là không tuyên bố phá giá đồng tiền. phá giá đồng tiền chỉ xảy ra khi nào chúng ta tăng giá USD quá 5% hay Chính phủ tuyên bố phá giá đồng tiền. Còn điều hành thực tế phải linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Chính phủ không bao giờ phá giá đồng tiền và không cho phép làm điều đó.

Vừa qua chúng ta điều chỉnh tăng 5-10 đồng hay thậm chí 20 – 30 đồng/USD trong mỗi phiên giao dịch là chuyện bình thường của thị trường. Nguyên tắc điều hành thị trường ngoại hối và lãi suất trong thời gian tới là linh hoạt trong mối quan hệ chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại, cán cân đầu tư, cán cân thanh toán quốc tế theo hướng khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.

pV: Hiện nay, kinh tế đã dần bước ra khỏi khủng hoảng và đã có những cảnh báo về nguy cơ lạm phát quay trở lại. Liệu NHNN có tính đến chuyện tăng lãi suất cơ bản hay thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt?

TĐ Nguyễn Văn Giàu: Điều hành chính sách tiền tệ chúng ta phải nhìn từ cái gốc cơ bản của vấn đề. Việc tăng hay giảm lãi suất, hoặc tăng giảm dự trữ bắt buộc thể hiện chính sách chặt hay nới lỏng tiền tệ. Nếu lạm phát năm nay khoảng 7% như dự báo thì việc ngân hàng đưa lãi suất cơ bản từ 14% về 7% và giữ ổn định từ tháng 2 đến nay đã được chứng minh là rất phù hợp. Nới lỏng chính sách tiền tệ là giảm lãi suất cơ bản xuống để lượng tín dụng tăng lên. Bên cạnh đó cùng với các chính sách hỗ trợ đã cung cấp thêm nguồn vốn với chi phí hợp lý giúp DN vượt qua khó khăn. Ngoài ra, NHNN còn giảm dự trữ bắt buộc để giúp các ngân hàng có thêm vốn.

Từ nay đến cuối năm khả năng thắt chặt chắc là không nhưng NHNN vẫn tiếp tục quan điểm điều hành chính sách linh hoạt nhưng rất thận trọng. Tuy nhiên, hiện cũng có lo ngại về tăng trưởng tín dụng. Tôi xin cung cấp một vài con số để tham khảo, quý II tăng trưởng huy động vốn 10,65%, quý III còn 4,4%. trong khi đó, tăng trưởng tín dụng quý II là 12,45%, quý III tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 7,58%. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng nóng trong những tháng cuối năm khó xảy ra.

Tôi cho rằng chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện thanh toán, tức là không đưa tiền cung ứng ra. Bởi vì nếu phát hành tiền ra thì chắc sẽ tác động mạnh tới lạm phát. Chúng ta thực thi chính sách nới lỏng nhưng điều tiết rất thận trọng, từ tháng 2 tới nay có nhiều biện pháp thích hợp để hỗ trợ chứ không chỉ có nới lỏng theo kiểu hạ lãi suất để đẩy mạnh tiền ra.

pV: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.