Trang chủ » Xóm “ổ chuột” giữa lòng thành phố

Xóm “ổ chuột” giữa lòng thành phố

(VTC News) – Ngay giữa lòng thành phố Huế có một xóm nghèo sống trong những căn nhà tạm bợ, thấp thỏm lo âu hơn 20 năm nay với nỗi khổ “đi không được ở không yên” chỉ vì dự án “treo”.

Thành phố Huế đang dần thay đổi diện mạo với những nhà cao tầng, khu chung cư đầy đủ tiện nghi, nhưng ngay giữa lòng thành phố lại tồn tại một xóm nghèo giống như “ổ chuột” với tên gọi xóm Khe.

Xóm của những người không có gì

Xóm Khe thuộc tổ 16, khu vực 5, phường Trường An, TP. Huế. Theo sự chỉ dẫn của đứa trẻ trong xóm, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Dũng, tổ trưởng tổ 16.


Cũng như bao ngôi nhà khác trong xóm, ông Dũng mặc dù được gọi là “cán bộ” nhưng cũng sống trong hai bờ vách của căn nhà tạm bợ xây bằng những viên bờ lô lồi lõm.







Nhà “ổ chuột” bên con kênh ô nhiễm 

Ông Trần Dũng cho biết: “Xóm chúng tôi có 80 hộ gồm 400 nhân khẩu, dân trong vùng di cư tới đây lúc đầu còn ít nhưng dần dần mọi người đến xóm Khe lập nghiệp ngày càng đông”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết lão làng đầu tiên đặt chân đến đây là ông Trần Văn Heng, từ phường Phước Vĩnh, TP. Huế chuyển đến khai hoang và lập xóm Khe.

Sở dĩ người ta gọi là xóm Khe vì cạnh làng có con khe lớn chảy hình cánh cung, là nguồn nước tưới cho những vụ lúa nơi đây. Sau này dân đến dựng nhà nên không còn diện tích canh tác nữa. Mọi người sang đất cho nhau qua những văn bản bằng tay, những khu đất được chia nhỏ và mọc lên những căn nhà “ổ chuột” san sát nhau.


Dân cư xóm Khe sống ở môi trường ẩm thấp, nhìn từ trên đường phố xuống xóm Khe như một thung lũng. Ông Dũng băn khoăn, dân xóm Khe sống trong thành phố mà như một bản làng ở rừng sâu, dân thiếu thốn trăm bề.
 






Bể chứa nước lấy lên từ giếng đào 

Chúng tôi nghe những cái “không” của bà con xóm Khe mà không khỏi chạnh lòng: Dân không được sử dụng nước máy của thành phố, không được cơi nới sửa sang nhà cửa, đường sá không được xây dựng, không được hưởng chế độ phúc lợi của nhà nước.

Điều đáng suy nghĩ ở xóm nghèo này, mặc dù cũng thuộc địa bàn quản lí của thành phố nhưng để có được điện vào xóm, người dân phải bỏ tiền ra mua tất cả từ dây điện đến việc đóng góp mua tre dựng cột trụ để kéo điện từ nguồn rất xa vào ngõ.

Ông Dũng cho biết, một hộ bỏ ra chi phí hơn 1,5 triệu đồng để đưa được điện vào nhà. Với đời sống của chúng tôi khoản tiền đó là rất lớn, phải “bấm bụng” bớt ăn mà lắp cái điện cho sáng cửa sáng nhà, chứ trên kia sáng dưới này tối sống sao nổi!

Dân xóm Khe chủ yếu làm nghề phổ thông. Đó là những công việc nặng nhọc như phụ hồ, khuân vác ở chợ, đạp xích lô, xe thồ. Đàn bà trẻ con đi bán vé số dạo kiếm chút tiền mà sinh sống qua ngày.
 






Những căn nhà xiêu vẹo trước gió 

Chúng tôi vào nhà bà Thân Thị Gái, trong ngôi nhà nhỏ bé tan hoang bà bức xúc nói: “Bà con xóm này lâm vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong” cũng chỉ vì dự án quy hoạch đang “treo” mà thôi. Tuổi tôi già rồi sống sao cũng được nhìn bọn trẻ thiếu thốn những cái cần thiết nhất thấy xót dạ lắm!”.

Con đường vào xóm được “lát” bằng những đống gạch vỡ vụn rải nhấp nhô. Đó cũng là khu vui chơi của lũ trẻ xóm Khe nơi đây. Khi hỏi về việc tại sao không sửa sang lại đường xá cho tiện đi lại, ông Dũng cũng thẳng thắn trả lời, bà con trong xóm cũng đã góp tiền xây đường nhưng bị UBND Trường An cưỡng chế không cho thi công chỉ vì lí do “muôn thuở” là nằm trong vùng quy hoạch mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Hường đã theo chúng tôi suốt trong buổi “thị sát” một vòng quanh xóm. Bà cũng bức xúc nói: “Nhà tôi đến đây hơn 10 năm rồi, nhìn ngôi nhà rách nát, vừa rồi dựng gạch xây lên mong sao che nắng che mưa nhưng đang thi công thì bị người của uỷ ban phường cưỡng chế không cho xây. Cả gia đình 10 người “chui vào chui ra” trong căn nhà xiêu vẹo, mùa hè nắng nóng còn chịu được nhưng mùa mưa thì ướt át cả ngày…”.


Bà nói tiếp: “Những đêm mưa to gió lớn cả nhà quấn ni lông mà ngủ chứ biết làm sao?”.







Nghĩa địa hoang sau xóm Khe 

Ông Trần Văn Thành chồng bà Hường thêm lời: “Một là giải toả, hai là để bà con xây nhà. Cứ treo lơ lửng như thế này mùa lũ nước dâng cao hơn 1m chúng tôi biết chạy đi đâu”.

Nước sinh hoạt của cư dân xóm khe dùng chung trong 6 cái giếng. Nước lấy lên từ giếng có vị tanh, màu đục lợn cợn phèn màu vàng. Xung quanh những cái giếng “cứu sinh” này là dãy nghĩa địa hoang vu. Mặc dù nó đã được di dời mấy năm nay nhưng ai khẳng định là những chất độc không tồn tại và thấm vào giếng của bà con.

Dân xóm Khe còn bị “hành” bởi vấn đề hộ tịch, hộ khẩu. Chưa dừng lại ở khốn khó về điều kiện sinh hoạt “xóm nhảy dù” cũng điêu đứng trước cửa ải công quyền. Phần lớn người dân xóm nghèo này không có hộ khẩu thường trú nên không thể đăng ký làm chứng minh nhân dân. Và theo đó hệ luỵ mà người dân hứng chịu là sống kiếp “ở lậu”.

Theo chúng tôi được biết, xóm có khoảng 50 thanh niên đến tuổi trưởng thành có nguyện vọng đi học nghề, đi xin việc làm hay sát hạch thi lấy giấy phép lái xe nhưng đều bị từ chối vì không có giấy tờ tuỳ thân.


Con em trong xóm chủ yếu học hết lớp 6 đã bỏ học để mưu sinh nên lớn lên muốn có công việc ổn định đã lận đận chạy xin giấy bao lần nhưng cuối cùng cũng ngậm ngùi theo nghề của cha mẹ.







Căn nhà “ hoang” của vợ chồng Trần Văn Thành – Nguyễn Thị Hường. 

Ông Trần Văn Thành nói: “Xóm đã nghèo rồi, muốn con em học nghề học chữ nhưng cũng bị loại ra khỏi cộng đồng. Chúng tôi mang tiếng sống ở phố nhưng khổ cũng không biết kêu ai”.

Đã bao lần ông Dũng đại diện cho xóm Khe đi tiếp xúc với đại biểu UBND Thành phố và UBND Tỉnh đã kiến nghị, nhiều khi phải nài nỉ xin giải quyết nhưng “hứa rồi lại thất hứa”. Và đâu lại vào đấy, bà con xóm Khe vẫn mong ngóng kiếp “an cư”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp với bà Đỗ Thị Thanh Mai, chủ tịch UBND phường Trường An.


Khi hỏi về vấn đề dân sinh ở khu vực xóm Khe thuộc sự quản lí của phường, bà Mai cho biết, những hộ dân xóm Khe đến lập nghiệp tại phường Trường An từ năm 1990, đa số di cư từ cùng kinh tế mới Lương Miêu. Họ về đây mua đất, phân lô rồi bán cho nhau bằng tay.

Bà cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án khu biệt thự Thuỷ Trường vào tháng 11/2004 với tổng diện tích 7,3 ha trong đó gồm cả xóm Khe với kinh phí là 24 tỷ đồng.

“Chúng tôi cũng đã có những kế hoạch phúc lợi chính đáng cho dân xóm Khe như đưa điện vào từng nhà, bắt nước máy cho dân sinh hoạt, xây lại đường xá để dân yên lòng lập nghiệp. Nhưng khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định quy hoạch khu biệt thự Thuỷ Trường trong đó xóm Khe thuộc diện quy hoạch nên chính quyền phường đã cắt chính sách ưu tiên này…”.







Một góc nhìn xóm Khe nghèo. 

Theo đó, UBND phường cũng đã có công văn yêu cầu dân cư khu vực xóm Khe không được xây mới sửa sang nhà cửa vì nằm trong diện quy hoạch của Tỉnh. Nếu vi phạm sẽ thực hiện lệnh cưỡng chế.

Bà Mai cũng cho chúng tôi biết địa điểm tái định cư của dân xóm Khe là thôn Hạ Một, xã Thuỷ Xuân, TP. Huế.

Khi được hỏi về lý do tiến trình giải phóng mặt bằng và tái định cư chậm, Chủ tịch UBND phường Trường An nêu ra hai lý do: Thứ nhất là việc đền bù giải toả gặp khó khăn vì trước đây xóm Khe chỉ có 54 hộ đến giờ lên tới hơn 80 hộ trong khi đó kinh phí được cấp hạn hẹp. Thứ hai, về phía chủ đầu tư đã có sự thay đổi từ Công ty xây lắp Thừa Thiên Huế bàn giao sang UBND Thành phố Huế tiếp quản nên cũng có những lý do khách quan.

Dẫu giải thích lý do thế nào đi nữa thì dự án “treo” đã làm cho dân cư xóm Khe rơi vào nghịch cảnh “đi không nỡ, ở cũng không xong”. Trong khi dự án chờ giải quyết thì hằng ngày người dân xóm nghèo nơi đây vẫn gánh chịu những thiếu thốn trăm bề.


Dân xóm Khe luôn luôn ao ước một chốn định cư ổn định cuộc sống vì người xưa vẫn bảo “an cư mới lạc nghiệp” được.

Trần Viết Long

Bài viết cùng chuyên mục

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.