Theo thống kê của các Sở TN&MT, trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy có các nguồn thải chính gồm: 8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp với trên 157 dự án và cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ: sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng; nước thải của các cơ sở y tế; nước thải của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ; nước thải từ nông nghiệp; nước thải từ các hoạt động giao thông thủy,… chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải (QCVN).
Có thể nói, tất cả các con sông thoát nước trong nội thành của Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng như sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch. Nổi hơn cả là sông Nhuệ – con sông đang được các cơ quan, địa phương “cứu” khỏi cảnh ô nhiễm trầm trọng. Hiện nay, chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ đã bị ô nhiễm, thể hiện qua các chỉ tiêu BOD5, COD, NH4, coliform và dầu mỡ tại một số khu vực. Chất lượng nước lưu vực sông Đáy và các sông khác bị ô nhiễm nhẹ hơn nhưng có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ. Riêng Cầu Mai Lĩnh có hiện tượng ô nhiễm tại tất cả các thời điểm quan trắc.
Theo công bố của Tổng cục Môi trường, sông Nhuệ – Đáy đang bị ô nhiễm nặng do những con sông tiêu thoát nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa được xử lý và nước tiêu nông nghiệp đổ vào.
Kết quả quan trắc cho thấy, nhiều đoạn sông chảy qua các đô thị lớn như: Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Châu Giang… bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng, mùi hôi, độ màu và vi khuẩn. Qua 18 đợt khảo sát, lấy 585 mẫu ở 50 vị trí khác nhau cho thấy, trên 99% các điểm quan trắc bị ô nhiễm hữu cơ, không đảm bảo tiêu chuẩn đối với nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, đặc biệt ở tỉnh Hà Nam là địa phương rất khó khăn về nguồn nước sạch.
Xử lý ngay nguồn nước thải
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, biện pháp trước mắt để cải tạo, khắc phục ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường lưu vực sông là cần xử lý ngay nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề và sinh hoạt tại Hà Nội, Hà Nam, Nam Định… Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng như sông Tô Lịch và các sông hồ trong nội thành thành phố Hà Nội, đoạn sông Nhuệ từ TP Hà Đông đến thị xã Phủ Lý.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, cần phải đẩy nhanh tiến độ cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng cho các đô thị và khu dân cư; thực hiện ngay việc lập, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị lớn đạt Tiêu chuẩn Việt Nam. Đặc biệt là nước thải đô thị của thành phố Hà Nội đến năm 2010. Từng bước khắc phục và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm, đảm bảo đến năm 2020 cơ bản xử lý triệt để ô nhiễm do nước thải đô thị…
Có chuyên gia cho rằng, muốn quản lý được lưu vực sông cần phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm, khuyến khích các biện pháp chủ động trên nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm nước, tiêu chuẩn xả thải thống nhất với mọi loại hình công nghiệp trên quy mô toàn quốc, quy định về tiêu chuẩn xả thải chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương. Đồng thời, cần phải hạn chế cấp phép đầu tư các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: chế biến tinh bột sắn, sản xuất hoá chất cơ bản, nhuộm, thuộc da và sản xuất bột giấy tại lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
Hoàng Nguyên