Trang chủ » Xuất khẩu lao động hậu khủng hoảng: Thời cơ giành lại thị phần

Xuất khẩu lao động hậu khủng hoảng: Thời cơ giành lại thị phần

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế các nước, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2010 đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực dù chưa hoàn toàn khởi sắc. Tuy nhiên, đối với hoạt động XKLĐ của Việt Nam thì năm 2010 là cơ hội “hiếm hoi” để giành lại thị phần ở những thị trường truyền thống cũng như mở rộng ra các thị trường mới nếu như chất lượng nguồn lao động Việt Nam khắc phục một số tồn tại theo hướng chuyên nghiệp hơn…


Nhu cầu lao động xây dựng ở
Libya tương đối lớn.

Tuyển nhiều, lương cải thiện!

Thị trường Libya dự báo nhu cầu lao động, nhất là lao động xây dựng, cơ khí trong năm 2010 rất lớn.

Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2010 nhu cầu tiếp nhận của các thị trường từ những nước được coi là “xoá đói, giảm nghèo” cho lao động Việt Nam như Malaysia, Libya, UAE, Đài Loan (trung Quốc)… đến những thị trường có thu nhập lớn, đòi hỏi trình độ, tay nghề cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Australia… đều tăng. Theo ông phạm Văn Đại – Giám đốc trung tâm Đào tạo và giáo dục định hướng, Cty XKLĐ Emico thì: “Từ quý III/2009, thị trường Đài Loan (trung Quốc) đã có nhiều dấu hiệu tiến triển với các đơn hàng đặt Cty đã trở lại với số lượng nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Cụ thể, nếu như đầu năm 2009, Emico chỉ đưa được 44 lao động đi Đài Loan, thì đến cuối năm đã tăng lên 300 lao động. Sang đến đầu năm 2010, chúng tôi đã có những đơn hàng tuyển lao động kha khá”.

Hay như thị trường Malaysia sau một thời gian đóng băng bắt đầu có nhiều đơn hàng tuyển dụng gửi cho các DN XKLĐ Việt Nam với mức lương cơ bản được đảm bảo. NLĐ được cung cấp chỗ ở, bữa ăn cũng như các sinh hoạt tối thiểu khác, ký túc xá rộng rãi chỉ có 3 lao động/phòng… Và đặc biệt môi trường làm việc rất ổn và có văn hóa cao. Còn những thị trường cao cấp hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm mới này khả năng tiếp nhận lao động của hai thị trường này đều rất khả quan và đều gia tăng nhu cầu tiếp nhận. Với thị trường Hàn Quốc, cơ quan chức năng Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị công tác tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm mới. Bên cạnh đó, thị trường Libya cũng dự báo nhu cầu lao động, nhất là lao động xây dựng, cơ khí trong năm 2010 rất lớn.

Đi đôi với việc tuyển nhiều, lương trả cho NLĐ ở một số thị trường cần nhiều lao động nước ngoài cũng đã có những cải thiện đáng kể. “trong thời kỳ khủng hoảng, thu nhập của lao động Việt Nam ở Đài Loan chỉ khoảng 10 triệu đồng. Nhưng từ cuối năm 2009, thu nhập của NLĐ cũng tăng lên từ 18 – 20 triệu đồng. Do đó, sang năm nay, nếu nhu cầu lao động nước ngoài của chủ sử dụng lao động lớn thì mức lương này chắc chắn sẽ được duy trì và có phần cao hơn”- ông phạm Văn Đại nhìn nhận.

trụ vững và chiếm thị phần

Để lao động Việt Nam có thể trụ vững và chiếm được thị phần ở các thị trường thì nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động XKLĐ trong năm mới này được đánh giá là: không nên chạy đua theo số lượng. Do đó, các DN XKLĐ cần phải xem lại đối tác, hợp đồng, cần giữ những đơn hàng ổn định từ năm trước. Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Vui – Tổng giám đốc Cty XKLĐ Airseco cũng cho rằng, việc giữ được những thị trường cũ rất quan trọng. Đồng thời, các DN XKLĐ và các cơ quan quản lý chuyên ngành cần chú trọng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức của lao động. Bởi thiếu bài bản trong tạo nguồn khiến nhiều DN XKLĐ thất bại trong việc đưa lao động ra những thị trường mới, thị trường yêu cầu cao như châu Âu, Australia hay Mỹ.

Nhìn về triển vọng thị trường năm 2010, ông Đào Công Hải – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá: Malaysia vẫn là thị trường phù hợp nhất với số lao động phổ thông, không nghề, cần việc làm. Vì năm 2008, Việt Nam đưa được gần 3 vạn lao động sang Malaysia, nhưng 2009 do ảnh hưởng khủng hoảng số lao động đưa đi chỉ chưa đến 3.000 người, giảm đến 90%. Năm 2010 Cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, coi Malaysia là thị trường trọng điểm. Còn các thị trường khác như UAE, Đài Loan, Libya vẫn là những thị trường tiềm năng, với nhu cầu tiếp nhận nhiều. Nhu cầu của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sẽ tăng, tuy nhiên với Nhật Bản, năm 2010, lao động muốn được hưởng lương cao ngay từ tháng thứ 3 thì cần được rèn kỹ tay nghề, ngoại ngữ ở trong nước. Riêng thị trường châu Âu, mặc dù kinh tế đã hồi phục nhưng họ sẽ ưu tiên việc làm cho công dân của họ trước tiên.  Hơn nữa, với những đòi hỏi khắt khe về tay nghề, ngoại ngữ… nên lao động Việt Nam đừng hy vọng quá nhiều.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.