Bổ sung việc xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở để thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.










BỘ XÂY DỰNG


 


Số:  340 /BXD-QLN


V/v: hướng dẫn bổ sung việc xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở để thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


 


 


 


 


Hà Nội, ngày 10 tháng  03  năm 2009


Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương


Vào đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức đi khảo sát tại một số tỉnh về việc triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; để triển khai thực hiện Quyết định nói trên đúng mục tiêu, yêu cầu, Bộ Xây dựng hướng dẫn bổ sung một số nội dung còn có những cách hiểu khác nhau, cụ thể như sau:




1. Phạm vi áp dụng: chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở chỉ áp dụng tại khu vực nông thôn  (không thuộc khu vực đô thị như phường, thị trấn ở các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V  được quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ).



2. Về đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg phải đảm bảo có đầy đủ các điều kiện sau:



– Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010), đang cư trú tại địa phương, có tên trong danh sách hộ nghèo do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành;



– Hộ nghèo đó chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;



– Hộ nghèo đó chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo các chương trình khác của trung ương, địa phương hoặc các tổ chức đoàn thể.



3. Về quy trình thực hiện xác định đối tượng: Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc… (gọi chung là thôn, bản), tổ chức họp công khai tại thôn, bản để thông báo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đến các hộ dân;  trên cơ sở danh sách hộ nghèo (theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg) do Uỷ ban nhân dân xã đang quản lý, bình xét danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp xã, Ban Giảm nghèo cấp xã, chi bộ Đảng, trưởng thôn, bản và đại diện các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, hội Phụ nữ, hội Nông dân, hội Cựu chiến binh…cấp xã (có biên bản cuộc họp). Danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở của thôn, bản được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu của các thôn (danh sách, số lượng hộ, vốn xây dựng nhà…) gửi lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp và phê duyệt, sau đó báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ sở lập Đề án hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở của tỉnh.



4. Phương thức hỗ trợ: cần phân tích, đánh giá và làm rõ các cách thức hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của các chương trình trước đã triển khai, từ đó đưa ra phương thức hỗ trợ sẽ được thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg theo đặc thù của địa phương, trên nguyên tắc trực tiếp cho các hộ dân thuộc diện chính sách.



5. Việc xác định kinh phí hỗ trợ thuộc nguồn vốn ngân sách trong Đề án được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 167/2008/QĐ- TTg, cụ như sau:



” a) Đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách (phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương) thì ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung phần vốn đối ứng cụ thể theo các mức sau: 20% cho các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008; 15% cho các địa phương nhận bổ sung từ 50% – 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008; 10% cho các địa phương nhận bổ sung dưới 50% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008″.



Như vậy, được hiểu là:



– Với các địa phương phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 thì được ngân sách trung ương cấp toàn bộ (20%) phần vốn đối ứng tối thiểu của địa phương.



– Tại các địa phương phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 50% đến 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 thì được ngân sách trung ương cấp bổ sung 15% phần vốn đối ứng tối thiểu, địa phương tự cân đối 5% phần đối ứng còn lại.



– Với các địa phương phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương dưới 50% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 thì được ngân sách trung ương cấp bổ sung 10% phần vốn đối ứng tối thiểu, địa phương tự cân đối 10% phần đối ứng còn lại.



Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào một số hướng dẫn bổ sung trên, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở gửi các Bộ, ngành để tổng hợp và triển khai theo tiến độ đã định./.








Nơi nhận:


– Như trên;


– Văn phòng chính phủ (để b/c);


– BT Nguyễn Hồng Quân (để b/c);


– Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc TW;


– Lưu VP,  QLN (3).


KT.BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng


 


đã ký


 


 


Nguyễn Trần Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *