Chất vấn và trả lời chất vấn: Tập trung theo nhóm vấn đề

Hôm nay (10/6) Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn, kéo dài 2,5 ngày, mỗi thành viên Chính phủ đăng đàn một buổi làm việc để trả lời chất vấn. Danh sách trả lời chất vấn gồm 4 Bộ trưởng: Tài chính, GTVT, NN&pTNT và VHTT&DL. phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ đăng đàn vào sáng 12/6. Bên lề Quốc hội, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc  trao đổi với ông trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trưởng đoàn thư ký về những nội dung chính của phiên chất vấn này.


Ông trần Đình Đàn

Thưa ông, ông có thể cho biết nội dung cơ bản về đợt chất vấn này?

– Cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều đến vấn đề giá cả, tình hình điều hành tiền tệ, ngân sách và đặc biệt vấn đề tăng giá thời gian vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến các DN. Đặc biệt là giá vật tư nông nghiệp tăng vọt ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nội dung chính mà cử tri và các đại biểu quan tâm là các vấn đề liên quan đến điều hành ngân sách, vấn đề thu và chi mà đặc biệt là quản lý nguồn thu và nguồn chi. Ngoài ra còn có một số các vấn đề khác cũng được quan tâm như điều hành, kinh doanh điện…

Giá cả và điện luôn là vấn đề nóng qua nhiều kỳ Quốc hội, nhưng vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết. Các đại biểu đặt vấn đề trách nhiệm của Chính phủ như thế nào?

– Những vấn đề này kéo dài nhiều năm rồi nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do địa bàn các nhà máy điện trải dài nhưng lại nằm chủ yếu ở tận cùng phía Nam và phía Bắc đất nước. Tuy cùng đi trên một đường dây nhưng cũng tạo nên thất thoát… Mặt khác, vấn đề độc quyền về điện cũng được các đại biểu quan tâm đó là công tác quản lý để vừa tạo năng lực về nguồn điện, và phải có sự cạnh tranh.

Liên quan đến thuỷ điện, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về vấn đề dân sinh, nông nghiệp nông thôn, đất đai và một số địa phương cho thuê đất để trồng rừng, hay khai thác khoáng sản liên quan đến các công trình này ở các khu vực rừng ảnh hưởng đến môi trường, liên quan đến sinh thái và đa dạng sinh học mà đặc biệt liên quan đến lũ lụt, lũ quét ở các vùng núi…

Cụ thể Quốc hội sẽ chất vấn các Bộ trưởng về những nội dung gì?

– Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời các vấn đề nợ Chính phủ, nợ quốc gia, vấn đề điều hành ngân sách bao gồm nguồn chi và một số vấn đề như lương của lãnh đạo các tập đoàn, TCty. Rồi việc tăng giá, vừa rồi giá cả như vậy liên quan đến DN, trong đó giá cả của các loại vật tư ảnh hưởng đến nông dân…

Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời về tình hình giao thông hiện nay, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, ách tắc và tai nạn giao thông kể cả những người tham gia giao thông và người quản lý.

Bộ trưởng Bộ NN&pTNT trả lời về những vấn đề Nghị quyết của trung ương về tam nông và các vấn đề chính sách, điều kiện để phát triển nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Và trong đó có các vấn đề mới phát sinh như cho thuê đất rừng, xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên khi khai thác khoáng sản trên các vùng đất rừng.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời những vấn đề về lễ hội, quản lý văn hoá, công nhận các di tích, di sản văn hoá.

Cuối cùng dành một buổi cho phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội trả lời về vấn đề đảm bảo lời hứa với đại biểu và cử tri; những vấn đề 4 Bộ trưởng trả lời mà đại biểu chưa thoả mãn thì dành khoảng 30 phút để phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ giải đáp, sau đó là đại biểu sẽ chất vấn.

Vậy có điểm gì mới trong phiên chất vấn lần này không, thưa ông?

– Chất vấn sẽ được làm theo nhóm vấn đề. Ví dụ Bộ trưởng Tài chính gồm những vấn đề gì? Bộ trưởng VHTT&DL làm vấn đề gì… trên cơ sở có gợi ý của các đại biểu Quốc hội. Đoàn thư ký tham mưu Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội và phải có sự thống nhất rồi xin Quốc hội cho ý kiến một số nhóm vấn đề mà cụ thể ở kỳ này là 4 nhóm vấn đề. Yêu cầu làm thế nào hỏi ngắn nhất và đã trả lời thì phải trả lời đúng vào vấn đề. Nếu như đại biểu thấy chưa hài lòng với trả lời thì chủ toạ cho phép hỏi lại để giải đáp cho rõ và ít ra phải hứa với đại biểu xử lý việc đó như thế nào. Có nghĩa là diễn đàn chất vấn tuy thời gian không dài, mỗi Bộ trưởng chỉ một buổi thôi nhưng phải làm thế nào tăng được tranh luận vì ngay phó Thủ tướng cũng chỉ giới hạn thời gian trong vòng 30 phút.

Hướng tới là sẽ có những giải trình, hay là điều trần. Các uỷ ban có thể mời Bộ trưởng đến yêu cầu giải trình một số vấn đề để có điều trần giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Đây chính là nội dung mới và tiếp tục được khẳng định trong các phiên chất vấn của Quốc hội.

Còn điều hành phiên chất vấn, Thường vụ Quốc hội đã phân công Chủ tịch Quốc hội trực tiếp điều hành. Quy định cả người hỏi và người trả lời phải hết sức ngắn gọn, đi vào trọng tâm, không đổ lỗi cho Bộ khác.

Ông có thể cho biết tinh thần của Nghị quyết về chất vấn?

– Đoàn thư ký tham mưu và trình Thường vụ Quốc hội tùy theo các phiên chất vấn nhưng phải thoả mãn Nghị quyết về chất vấn. Quy định trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ về những việc chưa làm được và những việc sẽ làm sắp tới. Rồi có thể phân công các đoàn giám sát tiếp theo sau khi giám sát của các đoàn được Quốc hội giao.

Xin cám ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *