Không nên để nhà đầu tư thiệt thòi

Rủi ro luôn rình rập trên thị trường BĐS. Rủi ro từ những biến động bất thường của thị trường. Rủi ro vì gặp những yếu tố có tính lừa đảo. Rủi ro vì những thay đổi trong chính sách… Có những rủi ro nhà đầu tư phải chấp nhận vì bất khả kháng, nhưng cũng có những rủi ro cần có sự chia sẻ mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thê ở Q.12, Tp.HCM có gần 5.000m2 đất nằm trong khu Gò Đệ. Năm 2006, theo quyết định quy hoạch của Q.12 công bố, khu đất của bà Thê sẽ là công viên, đường giao thông và khu dân cư. Bà Thê đã giao Nhà nước 2.500 m2 đất để làm đường giao thông. Còn lại khoảng 2.400m2, bà xin được đầu tư xây dựng chưng cư dành cho người thu nhập thấp và cam kết khi thực hiện được dự án, sẽ nhượng lại cho địa phương 30 căn hộ với giá đầu tư để bố trí tái định cư cho các dự án công ích trên bàn. Công tư rạch ròi, phù hợp với quy hoạch, được chính quyền phường ủng hộ, bà gửi hồ sơ cho cơ quan chức năng và chờ đợi.

Ba năm sau, bà được UBND Q.12 trả lời đất của bà sẽ tiếp tục bị quy hoạch làm công viên(!). Thế là bao nhiêu công sức, tiền của để chuẩn bị mặt bằng và lên kế hoạch xây dựng dự án của bà có nguy cơ đổ xuống sông xuống biển.

Vậy rủi ro này từ đâu ra? Tìm hiểu thì được biết khi điều chỉnh quy hoạch năm 2006 đã nổ ra nhiều tranh cãi và không đồng tình của người dân, vì trong quá trình thực hiện, địa phương đã không lấy ý kiến dân cư. Vì thế, năm 2007, quận và Sở Quy hoạch kiến trúc Tp tiến hành rà soát lại toàn khu Gò Đệ. Sau khi phát hiện có nhiều sai sót, quy hoạch được điều chỉnh lại. Lần này, quận có lấy ý kiến rộng rãi và được đa số người dân đồng tình. Kết quả của lần điều chỉnh quy hoạch năm 2007, khu đất của bà Thê trở thành đất cây xanh.

Câu chuyện trên đây chỉ chứng minh một điều, những thiệt hại của nhà đầu tư trong những vụ việc tương tự không phải do họ gây ra, mà do những yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch đô thị của cơ quan Nhà nước. Mỗi lần nghe đến điều chỉnh quy hoạch, các nhà đầu tư bất động sản như gặp cơn ác mộng. Có những kẻ hôm trước nghèo rớt mồng tơi thì hôm sau trở thành tỷ phú. Còn có nhà đầu tư đang ăn nên làm ra thì tự nhiên đứng bên bờ vực phá sản.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có những chính sách bảo hộ hữu hiệu để họ không bị thui chột ý chí đầu tư, một yếu tố vô cùng cần thiết cho sự tăng trưởng nền kinh tế nước nhà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *