Kỳ vọng Hà Nội không còn là những mảnh ghép rời rạc





Các chuyên gia kỳ vọng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do liên danh PPJ đang nghiên cứu phải lấp được những lỗ hổng của hàng chục lần quy hoạch chắp vá trước đây.

Ấn tượng lớn nhất của Báo cáo lần 2 Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Báo cáo 2) là bản quy hoạch đầu tiên được xây dựng theo ý nguyện của đông đảo các giới.



Nghe chuyên gia


Trong khoảng thời gian khẩn trương, liên danh PPJ đã tổ chức gần chục lần báo cáo các hội nghề nghiệp, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng, Thường trực Ban chỉ đạo và có cả một kênh xin ý kiến trực tuyến tại website của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. 










Phương án C với các đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn đã định hình không gian Hà Nội mở rộng.



Nhiều ý kiến đóng góp đã được ghi nhận và thể hiện trong Báo cáo 2, cụ thể như: Loại bỏ phần lớn các dự án trong 744 dự án ghi danh mà không phù hợp với các mục tiêu nghiên cứu. Sân bay quốc tế thứ hai của Thủ đô đặt vào vị trí và thời điểm không thích hợp đã không còn tồn tại trong BC 2. Đặc biệt, tỷ trọng diện tích vùng đệm xanh đã được tăng từ 60% lên 70%. Giảm diện tích đất đô thị từ 40% xuống còn 30%.

Phương án số 3 được lựa chọn: Hà Nội – Vừa có đô thị trung tâm, vừa có đô thị vệ tinh đã định hình không gian Hà Nội mở rộng, với các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Trong đó, chỉ có Hoà Lạc là khu đô thị mới nhưng đã có dự kiến quy hoạch từ hàng chục năm trước. Số còn lại là phát triển mở rộng từ những cụm dân cư tập trung hiện có, điều này cho thấy đây là kết quả nghiên cứu cẩn trọng, tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên xã hội.

Phương án định ra các vị trí đô thị vệ tinh, cự li liên kết giao thông từ 15-40km với đô thị trung tâm và vệ tinh với vệ tinh đảm bảo vùng đệm xanh, tạo lập không gian cân bằng sinh thái giữa đô thị và cận đô thị. Trong quá trình phát triển, mỗi đô thị sẽ hình thành đặc trưng: đô thị đại học, y tế, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng hay thương mại…

Cơ hội tái cơ cấu đô thị trung tâm

Báo cáo quy hoạch lần 2 đã thoát ra khỏi phạm vi hạn chế không gian đóng kín trước đây và mở ra cơ hội mới không chỉ cho những đô thị vệ tinh mà ngay trong đô thị trung tâm.


Không thể quá lạc quan để tin rằng những hình phối cảnh của cả chục khu đô thị trung tâm lẫn vệ tinh sẽ hình thành trong vài chục năm tới, nhất là những bong bóng bất động sản nổ liên hoàn khắp thế giới. Nhưng cơ hội tái cơ cấu đô thị trung tâm là có thật.










Mô tả ảnh.


Phối cảnh đô thị Hòa Lạc.


Rất nhiều nhiệm vụ nặng nề quàng lên tấm thân già nua của đô thị cũ quá tải nay đã được dỡ bỏ. Chỉ riêng khu đô thị Hòa Lạc đã đủ không gian chứa đựng cả trăm trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khám chữa bệnh. Khu đô thị Phú Xuyên, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng có đủ không gian sản xuất công nghiệp và tiểu công nghiệp. Đô thị Đông Anh thừa chỗ để tái định cư hàng triệu cư dân nhường đất cho phát triển giao thông hay hành lang sông hồ.

Giảm áp lực, đô thị trung tâm có đủ không gian để chữa lành các ung nhọt: thiếu đường đi, cây xanh công viên, trường học phổ thông… Những cái thiếu mà hàng chục lần quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch từ tổng thể đến cục bộ diễn ra triền miên, chắp vá mấy chục năm trở lại đây không cải thiện được gì, chỉ thấy vấn đề ngày một nan giải.

Dự án sông Hồng đã tái khởi động, dù giới hạn nghiên cứu chỉ là 40km nhưng những quan hệ tương tác với các khu đô thị Bắc sông Hồng hay tái cấu trúc hệ sinh thái sông Đáy, Nhuệ, Tích và các hồ trữ nước phía Tây đã làm dự án trở nên có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Tổ hợp lại cho thấy 14 quy hoạch chi tiết quận, huyện của trung tâm đô thị cũ đã công bố, nay cần được đặt trong hoàn cảnh mới mà xem xét lại.

Lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

Giữ cho được tất cả sông, hồ và sông chảy qua Hà Nội phải đẹp về cảnh quan, sạch về môi trường, Báo cáo lần 2 đã từng bước cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng tầm Thủ đô 1.000 năm văn hiến, với dân số hơn 120 triệu dân trong tương lai.









Mô tả ảnh.


Phân khu chức năng và vùng trũng ngập (sọc màu xanh thẫm).


Sau hàng chục năm đô thị hóa mạnh mẽ, chưa bao giờ vấn đề bảo vệ nguồn nước sạch, giá trị hệ sinh thái sông hồ trong quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội được chú ý như hiện nay, nhất là khi thông tin về biến đổi khí hậu, nạn hạn hán hay nguy cơ nước biển dâng cao đang đe dọa tương lai chúng ta.


Tin vui là Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho Hà Nội – một công việc tối quan trọng đảm bảo cho tương lai bền vững của Thủ đô.

Báo cáo quy hoạch lần 2 đã được Thủ tướng chấp thuận. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách khi các nội dung kỹ thuật cụ thể phải giải trình và một hạn chế lớn là việc tiếp cận các kết quả nghiên cứu rất khó khăn. Do vậy, rất cần công bố toàn bộ nội dung Báo cáo, để các giới chuyên môn tìm hiểu sâu hơn và có ý kiến đóng góp tốt hơn cho dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *