Năng lực quản lý của chính quyền đô thị còn hạn chế

Bộ Xây dựng nhận được ý kiến chất vấn của ĐBQH Bùi Quang Bền (Kiên Giang) với nội dung “Xây dựng nhà ở các đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM đủ các kiểu, các cỡ, cao thấp khác nhau, không đồng nhất. Cử tri cho là quá lộn xộn; quản lý Nhà nước về kiến trúc, xây dựng bị buông lỏng. Xin hỏi đồng chí Bộ trưởng: Đánh giá tình hình nêu trên như thế nào? Có chủ trương gì để tăng cường quản lý kiến trúc, xây dựng ở các đô thị, làm cho đô thị của ta đẹp hơn, phù hợp với Việt Nam hơn?”. Vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Quá trình đô thị hóa tiến triển phức tạp và lâu đời, chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố và biến động không hoàn toàn theo ý muốn chủ quan của con người mà có những quy luật khách quan riêng. Đặc thù của các đô thị Việt Nam, đặc biệt hai đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM là các đô thị lịch sử, có quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau. trong đô thị cùng tồn tại nhiều loại hình kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Nhiều công trình đặc biệt là các dinh thự, nhà ở, công trình tôn giáo – tín ngưỡng của các thời kỳ phong kiến, thời kỳ pháp thuộc là những di sản, điểm nhấn kiến trúc đô thị có giá trị. Từ sau những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, các đô thị đã phát triển nhanh chóng, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao. Tại các đô thị lớn đã có sự bùng nổ về xây dựng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Mặt khác do sự dịch cư và tăng cơ học tại các đô thị lớn diễn ra ở tốc độ cao, quản lý đất đai, nhà ở, quản lý xây dựng đô thị đang là những vấn đề nóng bỏng hàng ngày. Do nhu cầu phát triển, một số công trình nhiều tầng và cao tầng mới đã được xây dựng trong các khu vực đô thị hiện hữu. Vì vậy, nhìn chung kiến trúc đô thị ở nước ta có sự đa dạng về chiều cao, kiểu dáng, chất liệu và màu sắc. Đó vừa là đặc thù vừa là một nội dung cần có sự điều tiết trong công tác quản lý đô thị.

Cũng trong thời gian qua, phát triển đô thị theo mô hình KĐTM như phú Mỹ Hưng (Tp.HCM), Linh Đàm (Hà Nội) và nhiều KĐTM khác đang được đầu tư xây dựng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội, bước đầu bảo đảm việc phát triển xây dựng đô thị theo quy hoạch, làm giảm áp lực xây dựng tại các khu phố cổ, phố cũ và góp phần tích cực cải thiện diện mạo của đô thị. Tuy nhiên, nhìn chung công tác quy hoạch xây dựng đô thị của chúng ta còn nhiều khó khăn, do đó ở một số đô thị việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng và phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị vẫn chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của đô thị, chưa đáp ứng với yêu cầu cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch. Điều đó dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý xây dựng đô thị, đặc biệt là xây dựng nhà ở đô thị. Đồng thời, năng lực quản lý của chính quyền đô thị còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý diện mạo kiến trúc đô thị.

trước thực tế trên, trong thời gian qua để tăng cường công tác quản lý về kiến trúc, xây dựng tại các đô thị, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm kiểm soát tình trạng phát triển không đồng đều ở các đô thị theo nguyên tắc phải có quy hoạch đô thị đi trước một bước làm căn cứ để xây dựng, phát triển và cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị. Việc Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua năm 2003, Nghị định 29/2007/NĐ-Cp của Chính phủ ban hành ngày 27/2/2007 về Quản lý kiến trúc đô thị, Thông tư 08/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 10/9/2007 về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc đô thị đã tạo lập đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc quản lý kiến trúc đô thị. Thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm và trách nhiệm của chính quyền đô thị, của các chủ đầu tư, của các thành phần dân cư đô thị đối với kiến trúc, cảnh quan đô thị nơi họ là chủ sở hữu, sinh sống và làm việc. Một số khu vực của Hà Nội, Tp.HCM, Tiền Giang, Long An, Thanh Hóa, một số đô thị trực thuộc của Lào Cai, Hải phòng, Lâm Đồng đã có quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Bộ mặt kiến trúc của các đô thị đang từng bước trở nên đẹp hơn, trật tự hơn, hài hòa hơn. Đặc biệt tình trạng tùy tiện trong xây dựng mới, cải tạo mặt ngoài công trình không có phép đã không còn phổ biến như trước.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch xây dựng đô thị nói chung và tăng cường quản lý kiến trúc, diện mạo đô thị phù hợp với thực tế hiện nay theo tiêu chí: thống nhất, hài hòa, có bản sắc của mỗi vùng miền, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Luật Quy hoạch đô thị và đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Để triển khai Luật Quy hoạch đô thị sau khi có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, Bộ Xây dựng đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Nghị định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Nghị định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và các Thông tư hướng dẫn kèm theo nhằm làm cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương có cơ sở ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, phù hợp với yêu cầu của Luật. Đồng thời, để chính quyền địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm hơn Bộ Xây dựng cũng tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đô thị thực hiện các Quy chế quản lý đô thị, quản lý kiến trúc đô thị theo quy hoạch. Về nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị, Bộ Xây dựng đã giao cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tích cực thực hiện chương trình đào tạo các cán bộ lãnh đạo, viên chức chuyên môn cho tất cả các thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các thành phần kinh tế và các cộng đồng dân cư đô thị trong việc tham gia quản lý đô thị và thực hiện các quy định quản lý trật tự kiến trúc đô thị, để nền kiến trúc đô thị Việt Nam phát triển, tiên tiến hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *