Phần thưởng cho sáng tạo hướng tới tính bền vững



Cuộc thi thiết kế kiến trúc Global Holcim Awards 2009 với tiêu chí hướng đến việc xây dựng mang tính bền vững và thân thiện với môi trường do Tập đoàn Holcim (Thụy Sĩ) khởi xướng đã thu hút gần 5.000 dự án từ 121 quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đã được công bố vào ngày 8-5 vừa qua.


Giải bạc trị giá 200 ngàn USD thuộc về dự án xây dựng mới Trường đại học Kiến trúc tại TP.HCM (Việt Nam) của kiến trúc sư người Nhật Kazuhiro Kojima và nhóm cộng sự gồm hai kiến trúc sư khác là Daisuke Sanuki và Võ Trọng Nghĩa. Trước đó, dự án này cũng đã đoạt được giải Bạc trong cuộc tranh tài Regional Holcim Awards 2008 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Ban giám khảo cuộc thi đã dành cho dự án này nhiều lời khen tặng, chẳng hạn: “Giải pháp kiến trúc được đề xuất thể hiện sự liên kết tối đa giữa khu đại học mới và môi trường thiên nhiên… Ban giám khảo lựa chọn trao giải cho công trình này vì tính bền vững trong thiết kế cũng như sự đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao đến không ngờ trong việc xử lý không gian”.


Mô hình khí động học hiện đại…







Theo đề án, cơ sở mới của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM sẽ được xây dựng trên diện tích 36,73ha tại khu vực quận 9. Kênh rạch chằng chịt, mưa lớn, thủy triều và nền đất yếu là những thách thức đầu tiên đối với nhóm thiết kế. Ý đồ của các tác giả dự án này là tạo ra một khuôn viên hòa nhập với môi trường tự nhiên, khai thác tối đa hiệu quả của gió, nước – những thứ “Trời cho” – nhằm giảm việc sử dụng thiết bị điều hòa.


Áp dụng mô hình CFD (Computional Fluid Dynamics) trong tính toán lưu thông gió cho kiến trúc, nhóm tác giả đã quy hoạch quần thể bằng cách bố trí cho gió từ ba hướng Đông Nam, Tây và Tây Nam (những hướng gió chính tại TP.HCM) có thể luân chuyển khắp các khu vực mà không bị cản trở. Thêm vào đó, tháp đón gió tại tòa nhà trung tâm giúp gió có thể len lỏi vào từng ngóc ngách, vì vậy công trình này hoàn toàn có thể không sử dụng hệ thống điều hòa, vừa tiết kiệm chi phí, lại thân thiện với môi trường.


Ở công trình này, các kiến trúc sư đã vận dụng một khái niệm mới là dòng lưu chuyển trong thuyết minh: “Đó là dòng lưu chuyển của gió, nước, ánh sáng, thực vật, hoạt động của con người… trong khối kiến trúc chung, một cách thông thoáng. Đây là vấn đề thời sự trong quá trình đô thị hóa và là chìa khóa cho kiến trúc bền vững”.


…và những vật liệu, nguồn năng lượng truyền thống







Việc tiết kiệm điện được hiện thực hóa bằng một giải pháp thông minh là sử dụng đèn kiểu mới và các thiết bị dùng năng lượng mặt trời. Lối quy hoạch không gian theo hình vòng nhẫn, hệ thống nhà thấp hai, ba tầng, tận dụng bóng mát của tàn cây cũng là một yếu tố giúp hứng gió tối đa, tạo bóng mát và tránh bức xạ mặt trời, tạo sự mát mẻ bất kể trong mùa mưa hay nắng.


Nước mưa cũng được tích trữ để tái sử dụng và tạo mát bằng phương thức bốc hơi. Phương pháp làm khung tường bằng gạch nung truyền thống, bên ngoài bao bọc bằng tre hay gỗ đước cũng giảm bớt sức nóng cho các phòng học.


Cả không gian kiến trúc chủ yếu là những đường cong, nét uốn lượn nhẹ nhàng, có thể xem là một nỗ lực trong việc thoát ra khỏi các kết cấu nhà hộp thông thường. Điều này đã tạo nên một cái nhìn mới mẻ về không gian giáo dục có tính cộng đồng, nơi sự giao lưu giữa con người với nhau, con người với thiên nhiên được nâng cao đến tối đa. Có lẽ vì lý do này, công trình đã mang tính bền vững, cả về mặt nhân sinh lẫn môi sinh.


Nhân sự kiện này, phóng viên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa để trao đổi thêm về công trình đoạt giải.


* Đề án xây dựng trường đại học gần gũi với thiên nhiên mà Công ty Võ Trọng Nghĩa thiết kế đã chinh phục các giám khảo từ vòng thi châu Á – Thái Bình Dương đến toàn cầu. Theo anh, đâu là điểm mấu chốt giúp công trình thuyết phục được Ban giám khảo?


– tôi hướng đến điều quan trọng nhất của xu hướng kiến trúc thế kỷ mới là tiết kiệm năng lượng. Một trường đại học có quy mô, diện tích lớn, tập hợp đông người mà không cần dùng hệ thống điều hòa có thể xem là điều ấn tượng nhất, vì nó giúp tiết kiệm năng lượng, vốn đầu tư và chi phí phát sinh trong tương lai.


* Cảm hứng và ý tưởng thiết kế đã nảy sinh từ đâu, thưa anh?


– Do bản thân địa chất và môi trường xây dựng! Khi đến nơi này, điều chúng tôi thấy rõ nhất là vùng không gian được bao bọc bởi sông Sài Gòn, nước và gió rất mát. Sao lại không tận dụng thứ Trời cho này? Tuy nhiên, hướng gió tại miền Nam khá phức tạp nên phải nghĩ ra một thiết kế để tạo quân bình giữa các hướng đón gió và dạng nhà hình tròn tròn, đối xứng là thích hợp nhất.


Ngoài ra, vùng đất này tương đối yếu nên xây nhà có độ cao hai, ba tầng là thích hợp, vừa để tránh bức xạ mặt trời, vừa tận dụng bóng mát của cây.


* Còn yếu tố vật liệu đóng vai trò như thế nào trong công trình này?


– Trong kiến trúc thời nay, nếu dùng được vật liệu thân thiện với môi trường và rẻ tiền thì không gì bằng. Công trình này là trường học nên vật liệu chủ yếu vẫn là các loại thông thường. Điều quan trọng hơn là cần thiết kế hoạt động bên trong sao cho dòng chảy của không khí, sự luân chuyển của con người tuân theo nguyên tắc khí động học, tạo thành một thể thống nhất.


Khi đi sâu vào chi tiết, yếu tố vật liệu hoàn toàn có thể linh động được. Chẳng hạn, công trình dùng rất nhiều lam đứng làm từ gỗ, nhôm hoặc tre… Một công trình kiến trúc đẹp không hẳn phải đắt tiền hoặc to lớn mà phải phù hợp với địa điểm nó đang tồn tại.


* Từ quán cà phê 1131, Gió và nước, Elip đến mô hình Trường đại học Kiến trúc, có vẻ gió và nước luôn là niềm cảm hứng sáng tạo trong các tác phẩm của anh?


– Điều này với tôi rất đơn giản. Vùng đất phía Nam không có mùa đông, gió và nước là năng lượng dồi dào nhất, sao ta không tận dụng? Nhà cửa, quán xá nhiều gió và nước thì mát nên thu hút được nhiều người hơn. Tuy nhiên, nếu Mặt trời vận động theo quỹ đạo ổn định nên dễ dàng cho người thiết kế “đối xử”, gió và nước là hai nguồn năng lượng khó nắm bắt, cần sự hiểu biết sâu sắc về bản chất và chuyển động của chúng.


Tôi cũng từng phải trả giá nhiều lần trước khi cho ra đời một công trình, nhưng khi đã hoàn thành được thì niềm vui càng lớn hơn.


* Trong tương lai, anh sẽ vẫn trung thành với hướng đi đó?


– Nói chính xác hơn là tôi sẽ vẫn trung thành với những xu hướng rẻ tiền và thân thiện với môi trường. Đó cũng là xu hướng chung của kiến trúc thế giới thời hiện đại.


* Xin cảm ơn anh.


 






















Theo THÁI HỒ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Ảnh: Holcim Foundation

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *