Nguyễn Hữu Cảnh, người mở cõi Phương Nam

Đến đây xứ sở lạ lùng/Con chim kêu cũng sợ, tiếng cá vùng cũng kinh”. Câu ca xưa đã nhắc đến một vùng đất  phương nam của Tổ quốc, đó là xứ Đồng Nai, Sài Gòn hình thành cách đây khoảng 310 năm. Vùng đất đó đã gắn bó nhiều với tên tuổi, công lao và sự nghiệp của một người Quảng Bình, đó là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi phương nam.

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần  đời chúa Nguyễn phúc Chu, quê gốc ở Gia Viễn, Ninh Bình. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại làng phúc Tín, huyện phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay  thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Sinh ra trong hoàn cảnh nước nhà đang thời kỳ trịnh- Nguyễn phân tranh, từ nhỏ Nguyễn Hữu Cảnh  nổi tiếng thông minh, học giỏi, văn võ toàn tài và sớm có chí lập thân, lập nghiệp. Từng là sư tổ của môn phái võ lâm có danh hiệu “Bạch hổ sơn quân phái”, lại là con nhà tướng nhiều đời cho nên khi lớn lên, Nguyễn Hữu Cảnh đã từng theo cha tham gia nhiều trận mạc, lập  nhiều chiến công, được nhiều người kính trọng, nể phục, được Chúa Nguyễn trọng dụng, phong tước Lễ Thành Hầu và giao giữ chức Cai cơ.


Đường Nguyễn Hữu Cảnh tại Đồng Hới

Không chỉ có biệt tài về quân sự, Nguyễn Hữu Cảnh còn có tài điều hành, tổ chức và thu phục nhân tâm,  năm Nhâm Thân (1692) Chúa Nguyễn phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh vào phương Nam kinh lược, để tổ chức, ổn định lại bộ máy ở vùng đất vừa mới được bình định.  Về sự kiện này, trong cuốn “Gia Định thành thông chí”  trịnh Hoài Đức có ghi lại: “Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lấy Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện phước Long, dựng dinh trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm làm huyện Tân Bình, dựng dinh phiên trấn, mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị”. Từ vùng đất hoang sơ, rậm rạp, đầy hiểm nguy, chết chóc và thiếu sự sống, bằng tài thao lược, tổ chức, sau 2 năm Nguyễn Hữu Cảnh đã ổn định được phủ Bình Thuận, làm cho người Chăm vốn sinh sống rải rác, nghèo khó ở vùng đất này từ lâu đi theo quan quân triều đình lập ấp,  xây dựng làng mạc, xóm thôn ở vùng đất mới. Ông cũng đã xây dựng được tinh thần hoà hợp giữa hai cộng đồng vốn xa lạ là người Chăm và người Kinh. Với những công lao to lớn của Nguyễn Hữu Cảnh, ông đã được Chúa Nguyễn sắc phong Chưởng cơ và cử làm trấn phủ dinh Bình Khương (ngày nay thuộc tỉnh Khánh Hoà).


Nhà thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình

Năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Hữu Cảnh  được Chúa Nguyễn phong làm Thống suất, cử  vào kinh lược xứ Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé. Với bản lĩnh của một người từng xông pha trận mạc, Nguyễn Hữu Cảnh đã động viên, khuyến khích quân sỹ, cư dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, vạch kế hoạch cấp thiết, liên tiếp thực hiện khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, bảo vệ chủng dân và vùng đất mới, thiết lập các cơ sở hành chính từ thôn đến xã, lập phủ Gia Định và chính thức sát nhập vào quốc gia Đại Việt, chiêu mộ cư dân và khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Tận tâm tận lực cùng cư dân và quan binh, cùng nếm mật nằm gai, chỉ trong một thời gian chưa dài Nguyễn Hữu Cảnh đã ổn định được tình hình, mọi hoạt động ở vùng đất mới mở đi vào quy củ.

Không chỉ mở mang, khai hoang những vùng đất ở Sài Gòn, Đồng Nai, Nguyễn Hữu Cảnh còn tiến xa thêm đó là khai khẩn mở rộng bờ cõi ra cả vùng Nam Bộ ngày nay. Với tầm nhìn xa trông rộng cùng với chính sách chiêu hiền đãi sỹ kịp thời của Nguyễn Hữu Cảnh, rất đông cư dân vùng Quảng Bình, Quảng trị, Quảng Đức (Huế ngày nay), Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tự nguyện theo Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập quê mới. Ai ai cũng hăng hái đi theo ông với một quyết tâm rất ca “Làm trai cho đáng nên tra/ phú Xuân cũng trải, Đồng Nai đã từng”. Cuộc sống mới ở vùng đất mới đầy tiềm năng chưa được khai phá, nay có bàn tay, khối óc của những con người yêu say lao động, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những người con xa quê, Nguyễn Hữu Cảnh và cư dân một lòng theo ông đã biến vùng đất vốn xa lạ, hoang vắng, chết chóc trở thành một xứ sở trù phú, cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy, ai ai cũng biết ơn vị Thống suất tài đức: “Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt/Ơn biển trời lao khổ xứ Đồng Nai”.

Vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống nhân nghĩa, Nguyễn Hữu Cảnh luôn dành nhiều tình yêu thương, lòng nhân hậu cho quan quân triều đình đã một lòng theo mình mở cõi phương Nam và cho cả những người dân thật thà, chất phác, chăm chỉ cần cù. Nên trong lòng họ từ lâu ông đã trở thành ân nhân, trở thành vị thánh cho họ  một cuộc sống mới. Người ta thường gọi ông bằng những cách rất thân mật như Quan Chưởng cơ, Quan Thống suất, Lễ công, Đức ông. Đối với vùng quê Quảng Bình, trong ông luôn có một tình yêu tha thiết, một nỗi nhớ khôn nguôi. Mỗi khi đặt tên cho một vùng đất mới, Nguyễn Hữu Cảnh  đều nghĩ đến những vùng đất, những cái tên rất mực thân quen ở quê mình. Đó là những cái tên như phước Long, Tân Bình (tên 2 huyện ở Quảng Bình lúc đó) đã được ông mang vào và trang trọng đặt cho vùng đất mới mở mang. Ngày nay phước Long chính là huyện ở tỉnh Đồng Nai, còn Tân Bình là một quận ở thành phố Hồ Chí Minh. Và còn nhiều địa danh  khác ở vùng quê mới do chính Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên có yếu tố Bình gợi nhớ đến mảnh đất Quảng Bình quê ông, như Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hoà, Bình Điền, Bình phước…

Hai năm sau, triều đình nhà Nguyễn đã phong cho Nguyễn Hữu Cảnh chức Thống binh và cử  đi bình định biên cương. Ông đã thành công không phải bằng những trận quyết chiến mà  bằng những chính sách ôn hoà và tài thu phục lòng người. Sau cuộc bình định, ngày mồng 05 tháng 9 năm Canh Thìn (tức năm 1700)  Nguyễn Hữu Cảnh đi thuyền trở về Dinh trấn, đến địa phận ngã ba Tiền Giang – Rạch Gầm thì bị bệnh và mất đột ngột. Linh cữu của Nguyễn Hữu Cảnh được đưa về an táng cạnh dinh trấn Biên, thôn Bình Hoành, Cù Lao phố, Đồng Nai. triều đình và nhân dân xứ phương nam đã rất đau buồn, tiếc thương trước cái chết của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.  Chúa Nguyễn phúc Chu đã ban sắc phong truy tặng cho Nguyễn Hữu Cảnh là Hiệp Tán công thần, đặc tấn Chưởng dinh tráng Hoàng hầu, thuỵ là trung Cần.

Tương truyền sau đó lăng mộ của Nguyễn Hữu Cảnh đã được đưa về an tang tại Thác Ro, Quảng Bình. Không chỉ ở Thác Ro mà hiện nay ở Cù Lao phố, Đồng Nai cũng có lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh. Nhiều nơi ở các tỉnh Nam Bộ như Biên Hoà (Đồng Nai), Cù Lao ông Chưởng, Long Điền, Kiến An, Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Rạch Gầm, Thới An… đều có lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình đã lấy tên và chức tước của ông trang trọng đặt cho nhiều tuyến đường, trường học, đuờng phố, khóm, ấp, dòng sông. Một trong những sự kiện nằm trong đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được tổ chức tại Quảng Bình, đó là vào sáng ngày 03-5-2010, tại khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã trường Thủy, huyện Lệ Thủy, trung ương Hội Giáo hội phật giáo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 310 năm Ngày mất của Nguyễn Hữu Cảnh.

Được sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Bình giàu tinh thần nhân nghĩa, có truyền thống chất phác, cần cù, chịu thương, chịu khó, dù ở cương vị nào, Nguyễn Hữu Cảnh cũng lấy dân làm gốc, ông luôn gần dân và có một ước mong lớn lao nhất làm cho dân được an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới. Cho nên từ những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất phương nam cho đến cuối cuộc đời, Nguyễn Hữu Cảnh luôn lấy tinh thần đoàn kết, tình tương thân tương ái để chiến thắng mọi khó khăn, cản trở. Chính điều đó đã làm cho tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình, sống mãi trong lòng bao thế hệ người dân Nam Bộ…