Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã thay đổi kiến trúc nông thôn, đặc biệt là ở miền Bắc, với sự xuất hiện của các ngôi nhà cao tầng bê tông cốt thép thay thế kiến trúc truyền thống. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc duy trì bản sắc văn hóa làng quê là điều quan trọng, không để những ảnh hưởng của đô thị hóa làm mất đi giá trị truyền thống. Đánh giá sự thay đổi này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các nguyên tắc phát triển phù hợp cho nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong tương lai.
Cấu trúc nhà ở nông thôn truyền thống
Trước năm 1954, kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ dù thuộc tầng lớp giàu hay nghèo vẫn tuân theo mô hình dân gian một tầng, mặt bằng hình chữ nhật, thường có số gian lẻ như 3 gian, 5 gian hay 3 gian 2 chái. Kết cấu chủ yếu bằng gỗ hoặc tre, mái lợp ngói hoặc thảo mộc như rơm rạ, tranh, lá cọ. Khuôn viên nhà bao gồm nhà chính cùng 1-2 nhà phụ bố trí vuông góc, tạo thành hình thước thợ hoặc chữ U, bao quanh một sân rộng thoáng. Phía trước thường là vườn cây, đôi khi có ao cá, tạo nên không gian sống gắn kết với thiên nhiên.
Không gian chính nằm ở vị trí trung tâm, bao gồm 3 hoặc 5 gian liên thông, không có sự chia cắt về thị giác. Điểm nhấn quan trọng nhất là ban thờ tổ tiên đặt chính giữa, thể hiện tín ngưỡng thờ cúng lâu đời. Hai bên ban thờ thường là giường hoặc phản, vừa là nơi tiếp khách, sinh hoạt ban ngày vừa là chỗ ngủ của đàn ông trong nhà vào ban đêm. Ban thờ không chỉ quyết định cách bài trí nội thất mà còn ảnh hưởng đến ứng xử của gia chủ, từ tư thế ngồi, hướng nằm ngủ đến cách giao tiếp. Đây là không gian mang tính thiêng liêng, phản ánh rõ nét nếp sống và truyền thống gia đình.
Nằm phía trước gian chính, hiên nhà đóng vai trò là ranh giới mềm giữa bên trong và bên ngoài. Không chỉ giúp chắn mưa, che nắng, hiên còn là một không gian đa chức năng, có thể sử dụng làm nơi tiếp khách, sản xuất, nghỉ ngơi hay lưu trữ đồ đạc tạm thời. Sự linh hoạt này khiến hiên trở thành một phần không thể thiếu trong kiến trúc nhà dân gian. Theo quan điểm của kiến trúc sư Robert Venturi, hiên là một dạng “không gian nhập nhằng” – không hoàn toàn thuộc về bên trong cũng chẳng hoàn toàn thuộc về bên ngoài, phản ánh rõ nét sự thích nghi của con người với điều kiện môi trường sống.
Sân nhà không chỉ là nơi đón ánh sáng, lưu thông không khí mà còn là trung tâm của sinh hoạt gia đình. Các khối nhà chính và nhà ngang thường hướng ra sân, tạo thành một bố cục quây quần, gắn kết. Đây là không gian tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như phơi thóc lúa, chế biến nông sản, sinh hoạt gia đình, tiếp khách, tổ chức giỗ chạp hay cưới hỏi. Trong nền văn hóa nông nghiệp, sân còn được coi như phần mở rộng của không gian nội thất, giúp gia tăng diện tích sử dụng và tạo sự linh hoạt trong đời sống.
Tầm quan trọng của việc nghiên cứu nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong bối cảnh hiện nay
1. Biến đổi đô thị hóa và thực trạng nhà ở nông thôn
Từ ngày xa xưa, người Việt đã phát triển những mô hình định cư nông thôn hài hòa với cảnh quan và tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và tác động của xu hướng kiến trúc mới đang làm thay đổi nghiêm trọng diện mạo nhà ở nông thôn. Kiểu nhà tràn lan, thiếu sự quy hoạch đang làm biến dạng làng quê truyền thống.
2. Cơ sở pháp lý và định hướng quy hoạch
Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình và chỉ thị quan trọng nhằm quy hoạch nông thôn mới:
Chương trình nông thôn mới (2009-2020) quy định nhà ở nông thôn phải đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng).
Chỉ thị 04 CT-TTg nhấn mạnh việc giữ gìn bản sắc kiến trúc truyền thống.
Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc định hướng quy hoạch kiến trúc nông thôn bền vững.
3. Nhu cầu biến đổi nhà ở trong bối cảnh mới
Nhu cầu tiện nghi và điều kiện kinh tế của người dân dần thay đổi:
Gia đình nhiều thế hệ tổ chức nhà theo mô hình nhà cao tầng thay vì nhà ngang truyền thống.
Nhóm dân cư thuần nông phá bỏ nhà gỗ, xây nhà bê tông nhiều tầng.
Nhóm kinh doanh nhỏ xây nhà kết hợp buôn bán theo kiểu nhà lô phố đô thị.
4. Ảnh hưởng của xu hướng thẩm mỹ và nhà ở “sao chép”
Công nghệ thông tin giúp người dân tiếp cận xu hướng thiết kế, nhưng việc sao chép không có chọn lọc khiến cảnh quan bị phá vỡ:
Kiểu nhà đô thị tràn lan không hòa hợp với tự nhiên.
Màu sắc và phong cách lộn xộn gây mất cân bằng thẩm mỹ.
Tâm lý chuộng mới bài cũ khiến những giá trị truyền thống bị mai một.
5. Khoa học kỹ thuật, môi trường và sự bền vững
Phát triển bền vững trong thiết kế nhà ở nông thôn góp phần giảm thiểu tác động môi trường:
Nhà ống đô thị hấp thụ nhiệt, tăng nhu cầu sử dụng điện làm mát.
Quy hoạch sai lệch làm giảm chất lượng không khí và không gian sống.
Đòi hỏi ứng dụng công nghệ xanh và vật liệu bên vững.
Việc nghiên cứu và đề xuất những nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn hòa hợp với truyền thống và hiện đại là rất quan trọng. Các cấp chính quyền và nhà chuyên môn cần nhanh chóng vào cuộc, tránh để tình trạng “mạnh ai nấy làm” làm bối lác bản sắc làng quê Việt Nam.
Định hướng thiết kế nhà ở nông thôn phù hợp với xu thế phát triển
Sự biến đổi trong kiến trúc nhà ở nông thôn đặt ra nhu cầu xây dựng những nguyên tắc thiết kế linh hoạt, đáp ứng điều kiện phát triển hiện tại. Dưới đây là những định hướng quan trọng nhằm tạo nên không gian sống hài hòa, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc địa phương:
- Tính thẩm mỹ và hiện đại: Kiến trúc cần có phong cách mới mẻ, thu hút, tạo động lực để thế hệ trẻ quay về quê hương lập nghiệp và xây dựng cuộc sống.
- Kế thừa giá trị truyền thống: Nhà ở nông thôn cần bảo tồn các đặc trưng như mái dốc lớn, tỷ lệ không gian hợp lý, sân vườn rộng rãi, không gian bán lộ thiên và các yếu tố tạo vi khí hậu tự nhiên.
- Tôn trọng địa hình tự nhiên: Hạn chế san lấp, đào đắp gây tác động xấu đến môi trường. Thay vào đó, khai thác ưu điểm địa hình và khí hậu địa phương để tối ưu công năng sử dụng.
- Phát triển bền vững: Ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tận dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nước tuần hoàn nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
- Ưu tiên vật liệu địa phương: Sử dụng vật liệu quen thuộc giúp công trình hòa hợp với cảnh quan, mang đến sự gần gũi, gợi nhớ ký ức làng quê và giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến nhà ở nông thôn thay đổi mạnh về hình thức, quy mô, vật liệu…, làm mất đi bản sắc làng quê và phát triển thiếu kiểm soát. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các nhà nghiên cứu trong việc xây dựng nguyên tắc và giải pháp thiết kế phù hợp. Nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn mới cần kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và giá trị truyền thống, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.