Thế mới công bằng

– Ông ơi, sắp tới thực hiện Nghị định 34/2010/NÐ-Cp của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho Nghị định 146/2007 rồi đấy. Theo đó sẽ tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm phổ biến ở Hà Nội và Tp.HCM cao hơn quy định chung từ 40 – 200%. Mà đi bộ sai luật cũng phạt chứ không tơ lơ mơ như trước đâu.

– Nhưng trước đó có ý kiến cho rằng, cùng vi phạm một lỗi mà mức phạt ở mỗi nơi lại một khác như thế là không công bằng cơ mà?

– Ông ơi… Cả một chiếc ôtô to đùng vượt đèn đỏ ở Mù Cang Chải chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ít người. Nhưng nếu ở Hà Nội chỉ cần một chiếc xe máy vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều là rất dễ gây tai nạn hay ùn tắc giao thông, thậm chí ùn tắc nhiều giờ gây thiệt hại không biết đâu mà kể, như vậy hậu quả là khác nhau một trời một vực. Chính vì thế phải phạt thật nặng lỗi vi phạm ở những Tp lớn mới là công bằng đấy ông ạ.

– Ừ… Tôi nhớ ông cụ nhà tôi kể, ngày trước cùng là hành vi lấy của người khác một tài sản trị giá như nhau nhưng tội ăn cắp bao giờ cũng bị phạt nặng hơn tội ăn trộm ông ạ. Các cụ lý luận rằng, thằng kẻ trộm nó khoét gạch vào nhà lấy trộm thì cả nhà cùng biết, chẳng ai nghi ngờ ai; còn kẻ cắp móc túi ngoài chợ thì nói sao người nhà biết vậy chứ chưa hẳn đã tin. Vì vậy có chị vợ bị mất cắp tiền rồi mà có khi chồng còn nghi ngờ mang tiền… cho giai, thành thử tiền mất đã đành mà có khi còn tan cửa nát nhà, vì vậy tội ăn trộm mới phải phạt thật nặng.

– Đúng quá rồi còn gì nữa. Đúng là phải căn cứ vào hậu quả để xử phạt ông ạ. Chính như thế mới là công bằng đấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *