Thiết kế đô thị thích ứng vấn đề ngập lụt – Trường hợp ở Rotterdam, Hà Lan

Nằm dọc theo dòng sông Mass, Rotterdam, Hà Lan tọa lạc trên vùng đất thấp nhất nằm dưới mực nước biển và ngập lụt là một trong những rủi ro lớn đối với phát triển đô thị của thành phố này. Bài viết sẽ giới thiệu chi tiết về dự án Thành phố Sông (River City) ở Rotterdam – một dự án chiến lược nhằm chuyển đổi nguồn nước từ một mối hiểm họa thành cơ hội để phát triển đô thị và giải quyết vấn đề kinh tế – kỹ thuật. Theo đó, thiết kế đô thị có thể hỗ trợ cho việc phát triển đô thị và kiểm soát ngập lụt thông qua các yếu tố như sử dụng đất, nhà ở, không gian đô thị, giải trí và phát triển kinh tế – xã hội.

 

Bối cảnh ngập lụt đô thị trên thế giới

Ngập lụt đô thị là một trong những vấn đề phổ biến và đáng quan ngại nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Dựa trên các dữ liệu từ EM-DAT (Emergency Events Database), chỉ trong vòng 2 thế kỉ qua, số lượng các trận ngập lụt đô thị toàn cầu đã tăng lên đáng kể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội và môi trường (Jha, Bloch and Lamond 2012). Các giải pháp kỹ thuật (bao gồm tường chắn, hệ thống đê điều, hồ chứa nước, kè đá, bao cát) đã từng là giải pháp ưu việt để giúp cho môi trường đô thị thoát khỏi ngập lụt trong nhiều thế kỷ trước, tuy nhiên, ở thế kỷ 21, nguy cơ ngập lụt trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều và chúng bắt đầu bộc lộ những hạn chế của chúng. Trong một số trường hợp, các giải pháp này không thể giải quyết ngập lụt triệt để, chúng chỉ có thể thay đổi dòng chảy và chuyển rủi ro ngập lụt từ khu vực này sang khu vực khác hoặc từ tương lai gần sang tương lai xa. Việc dòng chảy bị thay đổi đột ngột sẽ gây ra phản ứng tiêu cực đến hệ sinh thái biển và môi trường nước (Jha, Bloch and Lamond 2012). Chính vì vậy, cách tiếp cận dựa vào giải pháp kỹ thuật không còn là phương án bền vững khi chúng thậm chí còn làm tăng nguy cơ ngập lụt trong tương lai.


Hình 1: Số lượng các trận lụt được báo cáo trên toàn cầu (Nguồn: thống kê từ EM-DAT/CRED)


Hình 2: Bản đồ nguy cơ ngập lụt thế giới (Nguồn:World Resouce Institute (WRI) (2012)

Thiêt kế đô thị & dự án “thành phố Sông” (River City) ở Rotterdam, Hà Lan

Phục hồi và tái thiết sau khi ngập lụt xảy ra là điều quan trọng, tuy nhiên, việc phòng tránh và thích ứng để giảm thiểu thiệt hại là sự lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều. Từ thế kỷ thứ 17, nhiều thành phố đã thay đổi quan điểm về vai trò của nước. Nước trở thành chất liệu để làm đẹp thêm cho các không gian đường phố và kiến tạo nơi chốn thay vì bị xem là hiểm họa ngập lụt đối với phát triển đô thị. Tập trung vào khía cạnh không gian, chức năng và tài chính, thiết kế đô thị đã tích hợp thành công giải pháp cho những vấn đề về nước vào việc phát triển các đô thị hiện hữu ở Rotterdam, Hà Lan (Hooimeijer and Vrijthoff 2007).

Nằm dọc theo dòng sông Mass, Rotterdam tọa lạc trên vùng đất thấp nhất nằm dưới mực nước biển. Trong một thời gian dài, hệ thống đê hiện đại khổng lồ ở Rotterdam luôn được nâng cấp để bảo vệ cho vùng đất này khỏi nguy cơ ngập lụt. Thế nhưng vài thập kỷ qua, người Hà Lan đã nhận ra rằng giải pháp này không còn là tối ưu đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ. Vì vậy, chính quyền thành phố đã chọn một cách tiếp cận khác, bền vững hơn và “mềm dẻo” hơn (van Meel, van Boetzelaer and Bakker 2005) thông qua một bản quy hoạch định hướng đến năm 2035 với tên gọi Thành phố Nước Rotterdam (Rotterdam Water City). Bản quy hoạch gồm 3 dự án nhỏ: Thành phố Sông (River City), thành phố Kênh rạch (Canal City) và thành phố của các Tuyến đường sông (Waterway City) (Hooimeijer and Vrijthoff 2007). Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về dự án Thành phố Sông, với những chiến lược chuyển đổi nguồn nước từ một mối hiểm họa thành cơ hội để phát triển đô thị và giải quyết vấn đề kinh tế – kỹ thuật thông qua các công cụ của thiết kế đô thị.

Dự án đã tích hợp việc giảm thiểu ngập lụt đô thị với những yếu tố khác như các vấn đề kinh tế xã hội, không gian và nhà ở đô thị.

Quy hoạch không gian và thiết kế đô thị: Ở Rotterdam, rất nhiều khu dân cư mới được xây dựng trên vùng đất thấp ngoại ô trong khi những khu vực cao nằm dọc theo sông Mass chưa được khai thác. Bên cạnh đó, hằng năm, có đến hơn 6 triệu m3 đất phù sa do sông bồi đắp không được sử dụng hay thậm chí bị bỏ đi như chất thải. Đứng trước thực trạng này, trong định hướng quy hoạch không gian và thiết kế đô thị đến năm 2035, hơn 20 000 ngôi nhà với nhiều loại hình khác nhau đã được đề xuất xây dựng ở vùng đất dọc theo sông Mass. Thêm vào đó, những kỹ thuật mới có thể xử lý lượng đất bùn thành vật liệu xây dựng dùng để bồi đắp và san nền cho các khu vực trên. Theo Geldof và Kluck, “bằng cách khơi thông các kênh đào cũ, tạo thêm nhiều quảng trường nước và quan tâm đến các khu vực năng động ở khu vực bến cảng, Rotterdam hoàn toàn có thể trở nên hấp dẫn hơn và có khả năng thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu” (Geldof and Kluck 2008).


Hình 3: Khơi thông các kênh đào và mở rộng các quảng trường nước
(Nguồn: Room for the river, Netherland)

Phát triển nhà ở đô thị kết hợp giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội: Theo Liese Vonk, trước đây, thành phố này bị chia thành 2 khu vực bởi một hệ thống đê: Một khu vực cho người thu nhập thấp và một khu vực cho những người giàu có trong xã hội. Con đê này không chỉ là làn ranh vật chất mà còn là làn ranh xã hội trong đô thị. Thực tế, hơn 30% dân số có trình độ giáo dục thấp và những hộ nghèo chiếm một tỉ lệ lớn trong thành phố. Đặt mục tiêu trở thành đô thị phát triển, dự án Thành phố Sông đã sử dụng không gian mặt nước để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng đời sống. Với hơn 20 000 ngôi nhà được xây dựng ven sông gồm các thể loại như nhà theo cụm (terp houses), nhà bố trí như cầu tàu (jetty houses), nhà thuyền (houseboats) và nhà bố trí như các pháo đài (fortresses), “Tất cả mọi người đều sống trên mặt nước” là phương châm chủ đạo để hình thành một môi trường sống lành mạnh và năng động dọc theo bờ sông. Một mặt, chính quyền địa phương hi vọng rằng dự án này sẽ mang lại môi trường sống tốt hơn cho những người có thu nhập thấp trong đô thị. Mặt khác, với một thị trường nhà ở lớn như vậy, Rotterdam kỳ vọng sẽ nâng cao tính cạnh tranh của mình trong thị trường nhà ở trong vùng. Chất lượng, số lượng và sự đa dạng nhà ở đang tăng lên đáng kể, và nguồn thu từ bất động sản sẽ được dùng để hỗ trợ cho các dự án khác. Chính vì lý do này, mà cả khía cạnh kinh tế, xã hội đều được cải thiện bằng việc phát huy tối đa giá trị của nhà ở ven sông..


Nhà ở theo cụm (Terp houses)


Nhà bố trí như cầu tàu (Jettie Houses)


Nhà thuyền (house boats)


Nhà bố trí như pháo đài (Fortress)

Hình 4: Các loại hình nhà ở ven sông (Nguồn: Rotterdam Water City 2035)

Thêm không gian cho các dòng sông: Hệ thống đê điều ở Hà Lan là một trong những hệ thống hiện đại nhất và vững chắc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ xả nước của các dòng sông đang tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và được dự đoán chạm mức 18 000 m3/s vào cuối thế kỉ 21. Con số này cao hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đó (Geldof 2006). Ý thức được rằng các giải pháp kỹ thuật không đủ khả năng ứng phó trong tương lai, chính quyền thành phố đã sử dụng thêm một hướng tiếp cận khác, tập trung vào việc xử lý nước ở khu vực thượng nguồn và tăng khả năng chứa nước trong đô thị. Lòng sông được mở rộng và thêm nhiều hồ chứa nước được xây dựng. Mực nước được hạ thấp và nguy cơ ngập lụt giảm đi đáng kể (Nijssen). Các không gian xanh, không gian mở và công viên giải trí đều được cải thiện thông qua chiến lược “Thêm không gian cho các dòng sông” (More room for the river). Trong mùa mưa, những quảng trường nước được thiết kế dọc theo bờ sông sẽ là các hồ chứa, nhưng trong mùa khô, chúng trở thành các công viên và không gian công cộng đa dạng nhiều loại hình vui chơi giải trí cho người dân (sân chơi, sân thể thao, …) Người dân được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời và tăng cường tương tác với cộng đồng. Điều này trở thành một văn hóa đặc trưng làm cho khu vực bờ sông trở nên hấp dẫn hơn cả ngày lần đêm (Hooimeijer and Vrijthoff 2007).


Hình 5: Minh họa các quảng trường nước (Nguồn: Rotterdam Water City 2035)

Ở Rotterdam, phát triển đô thị và giảm thiểu ngập lụt có thể tiến hành song song bằng cách sử dụng công cụ thiết kế đô thị và quy hoạch không gian. Nước không còn là một kẻ thù đáng sợ mà trở thành một người bạn than thiết để giúp cho thành phố có cơ hội thăng hoa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của các giải pháp kỹ thuật bởi các hệ thống đê điều và thoát nứơc vẫn đóng một vai trò rất quan trọng. Trong một tầm nhìn dài hạn, chúng nên được kết hợp với các công cụ thiết kế đô thị để đạt được giải pháp tối ưu bền vững.

Bên cạnh những ưu điểm đạt được, dự án Thành phố Sông vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi. Giá nhà ở khu vực ven sông tăng cao khi giá trị sử dụng đất được cải thiện. Câu hỏi được đặt ra là liệu những người thu nhập thấp trong thành phố có đủ khả năng sở hữu chúng hay không, hay cuối cùng, những người giàu có trong đô thị lại là đối tượng được hưởng nhiều lợi ích nhất từ chiến lược này. Bên cạnh đó, dự tính độ tăng của mực nước biển một cách chính xác là điều không thể, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy ngân sách và thời gian dự kiến cho dự án này không thể cố định và có thể cần phải mở rộng trong suốt quá trình thực hiện (Liese).

Bài học kinh nghiệm cho các khu vực bị ngập lụt

Từ những nghiên cứu trên, một số bài học kinh nghiệm về việc sử dụng thiết kế đô thị – một hướng tiếp cận “mềm” – để ứng phó với ngập lụt được tổng kết như sau:

– Bằng cách sử dụng hướng tiếp cận “mềm” này, nước đóng một vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng môi trường xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội.
– Sống chung với nước là một quá trình cần sự học hỏi và thực nghiệm liên tục, thất bại và sai sót là điều không thể tránh khỏi, do đó, thay vì đầu tư vào một dự án khổng lồ, ngân sách nên được phân bổ vào những dự án nhỏ hơn để hạn chế rủi ro và tăng tỉ lệ thành công cho các dự án.
– Tiếp cận “mềm” là một hướng tiếp cận bền vững, tuy nhiên, nó cũng có nhiều hạn chế khi thời gian thực hiện thường kéo dài và khi phải ứng phó với các thảm họa có sức công phá lớn, xảy ra đột ngột trong một thời gian ngắn. Vì vậy, việc kết hợp giải pháp này với các giải pháp kỹ thuật là cần thiết để đạt được hiệu quả tối ưu.
– Những khu vực khác nhau sẽ có những điều kiện về tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau. Các chiến lược và thiết kế cho từng khu vực cụ thể cần được xem xét và đề xuất dựa trên những nghiên cứu hiện trạng cụ thể.
– Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quyết định đối với thành công của dự án. Việc thực hiện các chiến lược này không phải chỉ là việc của riêng chính quyền hay các nhà thiết kế đô thị. Chúng đòi hỏi phải có sự tham gia và đóng góp từ nhiều đối tượng khác trong xã hội như các tổ chức, nhà đầu tư, chuyên gia và người dân. Điều này sẽ mở ra hướng tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau để tìm ra giải pháp thích hợp nhất để giảm thiểu ngập lụt và phát triển đô thị.

Kết luận

Những thảo luận về vai trò của giải pháp kỹ thuật và giải pháp “mềm” ở thành phố Rotterdam, Hà Lan đã đưa ra một số kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải thiểu ngập lụt kết hợp với kiến tạo không gian đô thị. Thiết kế đô thị có thể hỗ trợ cho việc phát triển đô thị và kiểm soát ngập lụt thông qua các yếu tố như sử dụng đất, nhà ở, không gian đô thị, giải trí và phát triển kinh tế – xã hội. Dù rằng trên thế giới hiện nay có rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công khi áp dụng hướng tiếp cận này, chúng cần phải được chọn lọc kỹ lưỡng trước khi ứng dụng vào địa phương bởi sự khác biệt về điều kiện môi trường, ngân sách, thời gian và nhiều yếu tố khác./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Etkin, David. 1999. “Risk transference and related trends: driving forces towards more mega-disasters.” Global Environmental Change Part B: Environmental Hazards 1.
  2. Geldof, G. D. 2006. Rotterdam, Water City 2035. Monash University.
  3. Geldof, Govert D. and Jeroen Kluck. 2008. “The Three Points Approach” 
  4. Hooijmeijer, Fransje, Han Meyer and Arjan Nienhuis. 2005. Atlas of the Dutch water city.
  5. Hooimeijer, Fransje and Wout Toorn Vrijthoff. 2007. More urban water: design and management of Dutch water cities. Vol. 10: Taylor & Francis.
  6. Liese, Vonk. “Rotterdam: living with water.” Water city 2035.
  7. Nijssen, Pim. Dutch National “Room for the river” programme: Dike relocation on the river Waal at Nijmegen to avoid flooding and create new urban potential.
  8. Nguyễn Đỗ Dũng. Đối phó với ngập lụt trong đô thị – Một tiếp cận mềm.
  9. van Meel, PPA, ME van Boetzelaer and PC Bakker. 2005. “Spatial planning key decision Room for the River.” In Proceedings of the 3rd International Symposium on Flood Defence (Nijmagen, the Netherlands, 5/2005), edited.

 

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *