Tôi làm phóng viên điều tra

LTS: Là một nhà báo với 35 năm tuổi nghề, từng là phóng viên lăn lộn khắp mọi miền đất nước, rồi đã từng làm Tổng biên tập một tờ báo, nhưng ông vẫn nói: “trong cuộc đời làm báo, hồi được làm phóng viên viết điều tra là hạnh phúc nhất”. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ông muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình.

trong cuộc đời làm báo, có lẽ ít thể loại nào hấp dẫn phóng viên hơn là đi viết điều tra. Ly kỳ, mạo hiểm, bất ngờ nối tiếp bất ngờ cứ dẫn dụ nhà báo lao vào


như con ong ngửi thấy mùi mật. Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại, các cụ đã bảo thế. Nhưng cái tốt đâu mấy khi cần điều tra, nó cứ hiển hiện ra đấy như một nhu cầu tự thân. Còn cái xấu thì thường được ẩn giấu trong tầng tầng lớp lớp đủ loại, quyền lực có, tiền bạc có, tình cảm có… Chính vì thế, tìm được nó, vạch mặt nó trên công luận chính là một trong những sứ mệnh quan trọng của nhà báo, mà thể loại phóng sự điều tra là công cụ hữu hiệu nhất.

Sau khi vào nghề được 7 năm ở báo Thương Nghiệp (nay là báo Công Thương), tôi mới viết được một bài phóng sự điều tra nên hồn đầu tiên, gây chấn động trong bạn đọc. Sau đấy, khi Tòa soạn nhận được manh mối của vụ việc lớn nào, tôi thường được phân công đi viết. Chuyện thì nhiều, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, tôi chỉ xin kể về một cuộc điều tra mà tôi đã phải “vừa vi phạm đạo đức lại vừa vi phạm pháp luật” mới có thể thực hiện được.

Hôm ấy, Tòa soạn nhận được thư của cộng tác viên cho biết ở Cty Thương nghiệp Tp Nam Định có vụ bê bối rất lớn. trong một thời gian dài, nhiều mặt hàng quý hiếm thuộc diện phân phối bị các mậu dịch viên (MDV) tuồn ra ngoài một số lượng lớn cho tư thương để kiếm lời bất chính. Thanh tra Tp đã vào cuộc và đã có kết luận, nhưng không được công bố.

Ban Biên tập liền họp và đặt dấu hỏi: Ở một đơn vị đang dẫn đầu phong trào thi đua cả nước như vậy, liệu có vụ việc đó xảy ra không? Nếu có thì tại sao kết luận thanh tra lại bị bưng bít? Quyền lực nào đã chi phối được chuyện này? Với quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng, tôi được cử đi Nam Định ngay vào ngày hôm sau.

Kinh nghiệm cá nhân đã mách bảo tôi trong trường hợp này phải dùng kế nghi binh, có nghĩa là giấu tịt mục đích chính của mình, về thẳng Cty đặt vấn đề để viết gương người tốt việc tốt. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Cty đón tiếp tôi rất thân tình, kể cho tôi nghe những tấm gương phục vụ tận tụy. Tôi ghi chép tỉ mỉ nhưng trong đầu luôn luôn nghĩ đến vụ bê bối kia. Cuối cùng tôi mới hỏi có đoàn thanh tra cấp trên về Cty làm việc không thì được trả lời là có, nhưng Cty chưa nhận được biên bản kết luận thanh tra.

Như vậy là có việc thanh tra Cty nhưng kết quả ra sao thì không rõ.

Tôi định tiếp cận trực tiếp với các MDV phỏng vấn và để lấy tài liệu, nhưng thấy việc này không ổn, vì những tư liệu đó không đủ sức để lật đổ những thế lực khổng lồ đang muốn bưng bít vụ việc. Qua các nguồn thông tin thu thập được, tôi đánh giá rằng, một trong những nguyên nhân không muốn công khai vụ việc này là do lãnh đạo tỉnh và Tp bảo vệ điển hình tiên tiến của tỉnh Hà Nam Ninh (lúc bấy giờ 3 tỉnh Nam Định – Hà Nam – Ninh Bình sáp nhập làm một) và của cả nước trong lĩnh vực phân phối – lưu thông. Nếu lộ ra, vụ việc sẽ như quả bom tấn nổ trong phong trào thi đua toàn ngành lúc bấy giờ. Như vậy, tài liệu thanh tra chắc hẳn chỉ nằm ở những cơ quan đầu não cao nhất của Tp và của tỉnh.

Sau một ngày lang thang gặp gỡ những người quen biết, tôi nhận được tin vào sáng hôm sau, Thường vụ Thành ủy Nam Định sẽ họp bàn về nhiều việc, trong đó có xem xét vụ việc này. Tôi như mở cờ trong bụng. Tài liệu chính thống sẽ nằm ở đó chứ cần phải đi tìm ở đâu? Làm sao để có thể lọt được vào cuộc họp quan trọng ấy nhỉ? Nghĩ đến thân phận của phóng viên báo ngành, tôi thấy việc tiếp cận mục tiêu ấy quả là xa vời.

Ai có thể vào được? Mình liệu có quen thân và đóng vai giả với một cương vị nào đấy để tham dự cuộc họp tối quan trọng này không? trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ: Báo Nhân Dân. Nếu là phóng viên thường trú báo Đảng thì có thể vào được. Tôi liền đi tìm nhà báo đàn anh Đ.X., phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Hà Nam Ninh. Tôi vẫn phải giấu mục tiêu chính của mình và nói với anh rằng: “Em rất muốn viết một bài về chiến lược phát triển của Tp Nam Định sẽ được họp bàn trong Thường vụ Thành ủy vào sáng mai. Anh đăng ký vào dự và cho em đi cùng với”. Anh vui vẻ nhận lời và hôm sau, tôi nghiễm nhiên là một trong “hai phóng viên báo Nhân Dân” được tham dự cuộc họp.

Đúng như thông tin mà Tòa soạn nhận được, vụ việc hết sức nghiêm trọng. Vì hồi đó chưa có máy ghi âm nên tôi cố gắng ghi chép cẩn thận. Biên bản thanh tra chỉ có một bản trong tay đồng chí Thường vụ phụ trách nội chính. Đồng thời, ý kiến thống nhất của cuộc họp là xử lý nội bộ để khỏi ảnh hưởng đến điển hình tiên tiến của toàn ngành.

Xong xuôi, tôi thở phào nhẹ nhõm và không quên thầm cảm ơn người đồng nghiệp đàn anh ở báo Nhân Dân. Giờ đây, tôi có thể vững tâm vào Cty phỏng vấn bất cứ ai, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, để lấy thêm tư liệu sống mà không sợ bị lâm vào cảnh “thầy bói xem voi”.

Bài điều tra đã hình thành trong đầu. Cái tổ con nhền nhện mà trung tâm là một số MDV biến chất đan xen nhau vươn tới các quầy hàng tư nhân ở phố Bà triệu nằm liền ngay cạnh Cty đã hiển hiện rõ nét. Tuy nhiên, tôi vẫn còn áy náy một điều: Liệu với một mớ tài liệu tự ghi tự chép, tôi có thể thuyết phục được Tổng biên tập đồng ý cho kích nổ “quả bom” này trong số báo tới? Rất khó, tôi tự nhủ như vậy, trừ khi tôi có bản kết luận thanh tra trong tay.

Chính vì thế, tôi vẫn nán lại Nam Định với hy vọng mỏng manh. Hôm ấy là chiều thứ bảy, tôi lang thang ở Sở Thương nghiệp Hà Nam Ninh, đi hết phòng nọ sang phòng kia. Vốn là một phóng viên đã có chút tiếng tăm trong ngành nên tôi được các anh các chị ở Sở rất thân thiện và giúp đỡ nhiệt tình. Gần hết giờ, tôi bất ngờ gặp đồng chí phó giám đốc Sở phụ trách tổ chức ở ngoài sân. Ông hỏi: “Nhà báo chưa về Hà Nội à?”, “Dạ chưa, em còn chút việc nữa”, “Thế tối nay ngủ ở đâu?”, “Em cũng chưa biết”, “Các cậu lãng tử quá! Thôi, tối nay vào phòng tớ mà ngủ. Tớ phải về với bà xã”. Tôi nhận lời liền. Hồi đó, phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo Sở thường được bố trí luôn là phòng nghỉ, được ngăn bằng một chiếc tủ tài liệu hay có khi chỉ là một chiếc ri đô bằng vải.

Tôi không ngờ cuộc đời mình có lúc may mắn như thế. Tối hôm đó, ngồi buồn chẳng biết làm gì, tôi ngồi vào bàn làm việc của phó giám đốc Sở, lẩn mẩn giở lần lượt xấp tài liệu cao đến 2 gang tay để trên bàn ra xem. Đến gần cuối xấp, mắt tôi bỗng hoa lên, tim đập thình thịch. trước mắt tôi là tập tài liệu thanh tra đầy ao ước. Hồi đó, chẳng có máy ảnh mà cũng chẳng có sẵn dịch vụ photocopy như bây giờ, tôi chép lấy chép để những con số và những chi tiết không được nêu ra trong cuộc họp ở Thành ủy. Tôi đã từng định lấy luôn bản tài liệu này về nhưng ý nghĩ đó vụt tắt ngay vì hậu quả của nó đối với trách nhiệm của đồng chí phó giám đốc Sở là không thể lường trước được. Hơn nữa, việc lấy oán trả ân như vậy là không được phép. Nhưng tôi vẫn cảm thấy những tài liệu tự ghi tự chép đã có trong tay không phải là những căn cứ pháp lý một khi có kiện cáo. Và như thế, rất khó đăng báo.

Cân nhắc đi cân nhắc lại, cuối cùng, tôi quyết định “đánh cắp” lấy 2 trang cuối của Biên bản thanh tra, có nguyên phần kết luận, chữ ký và con dấu đỏ chót với suy nghĩ an ủi: Cả một tập tài liệu dày 3-4 chục trang vẫn có thể tụt ghim rơi đâu đó mất 2 – 3 trang chứ.

Khi về Tòa soạn, tôi báo cáo với Tổng biên tập toàn bộ sự việc và những việc làm “tội lỗi” của mình giả làm phóng viên báo Nhân Dân và đánh cắp tài liệu. Ông trầm ngâm rồi nói: “Tớ tin rằng tác dụng tốt của bài báo sẽ khiến các anh ấy tha thứ cho cậu”.

Bài phóng sự điều tra ấy đã được đăng và gây chấn động dư luận hồi bấy giờ. Ít lâu sau, tôi có dịp gặp lại đồng chí phó giám đốc Sở ấy. Ông mỉm cười, bắt tay tôi và khen: “Các cậu lấy được tài liệu ở đâu mà tài thế!”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *