TP.HCM phạt “chập chờn” vi phạm vệ sinh thực phẩm





 – Quanh khu Chánh Hưng (phường 6 – Tân Bình, TP.HCM), 2 trong 7 quán bán thịt cầy có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. 5 quán không đủ điều kiện đã từng bị phạt, nhưng những quán này vẫn hoạt động bình thường.



Trong buổi khảo sát việc quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại quận Tân Bình ngày 10/2, theo đại biểu HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Minh, ngày 15/11/2006, UBND quận Tân Bình đã triển khai việc cấp giấy chứng nhận VSATTP và quyết tâm đến cuối 2007, 100% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận.


Nhưng cho đến 31/12/2008, quận Tân Bình đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 922/1.023 cơ sở do quận quản lý (chiếm 90,12%) trong khi cấp phường chỉ cấp cho 157 cơ sở, chiếm (25,2%). Ông Minh đặt vấn đề về tình hình cấp giấy chứng nhận cho các hộ kinh doanh buôn bán, đặc biệt là hàng rong, ở 15 phường thuộc quận Tân Bình đang diễn ra như thế nào.








TP.HCM phạt chập chờn vi phạm vệ sinh thực phẩm
Phường chủ yếu chỉ cấp giấy chứng nhận cho các hộ buôn bán nhỏ có chỗ ngồi cố định. Ảnh: H.Cát
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, phần lớn các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm thuê mướn mặt bằng, nhân viên làm thời vụ nên ảnh hưởng đến điều kiện quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, trong công tác thanh kiểm tra, công tác cấp giấp chứng nhận VSATTP. Do đó, việc cấp giấy chứng nhận đối với hàng rong, xe đẩy, thức ăn đường phố do phường quản lý còn gặp nhiều khó khăn.


Một trong những khó khăn là thiếu hồ sơ quy định về nguồn gốc, xuất xứ, quy định kiểm nghiệm. Do đó, các chủ cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm thường chỉ cung cấp chung chung là mua hàng hóa thực phẩm trong chợ, ví dụ mua ở chợ Phạm Văn Hai, rồi nay mua ở sạp hàng này, mai mua ở sạp hàng khác…


Đại diện phường 6 phát biểu, từ năm 2006, các quán bán hàng rong, buôn bán trên lòng lề đường chưa được cấp giấy chứng nhận. Chính quyền phường rất băn khoăn khi cấp giấy chứng nhận cho các gánh hàng rong. Ví dụ, một quán bán hủ tiếu có thể 9 giờ ghé chỗ này, 11g đã đến chỗ khác. Vậy thì nước sạch để rửa chén bát… lấy ở đâu ra? Quy trình rửa theo quy định phải có 2-3 chậu nước, nhưng các hộ kinh doanh nghèo không có điều kiện để cải thiện.


Chính vì vậy, họ chủ yếu chỉ cấp giấy chứng nhận cho các hộ buôn bán nhỏ có chỗ ngồi cố định. Đoàn kiểm tra chỉ có thể bằng mắt thường quan sát tình trạng bếp nấu, nơi rửa chén bát.


Một vấn đề trăn trở khác đối với lãnh đạo chính quyền quận Tân Bình chính là những quán kinh doanh thịt cầy. Các cơ sở kinh doanh thịt cầy, nguồn gốc chưa đảm bảo do chưa có điểm giết mổ tập trung, chưa có những quy định cụ thể đối với loại sản phẩm này nên ảnh hưởng đến việc quản lý, việc đăng ký xin cấp giấy chứng nhận VSATTP.


“Trên địa bàn phường không có các điểm giết mổ, mà chỉ có những điểm chế biến và bán món ăn làm từ thịt cầy. Qua kiểm tra, hầu hết các quán thịt cầy đều có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nấu ăn chế biến.


Thậm chí ngay cả một quán thịt cầy có vẻ to nhất, vệ sinh nhất nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám cũng bị đoàn thanh tra của Sở Y tế TP.HCM phạt khoảng 25 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động do mẫu rau và thịt nhiễm vi sinh. Phường 6 hiện có 7 quán bán thịt cầy, tập trung ở khu Chánh Hưng. Trong đó, chỉ có 2 quán được cấp giấy chứng nhận VSATTP. 5 quán còn lại đã từng có quyết định xử lý vi phạm, nhưng vẫn kinh doanh bình thường,” đại diện quận 6 trình bày.


PGS.TS Võ Văn Sen – đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM chất vấn các cơ sở kinh doanh thực phẩm  không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn được hoạt động như các cơ sở được cấp giấp chứng nhận. Như vậy, phải chăng việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ là hình thức?


Kiên quyết đảm bảo khâu cuối


Theo TS. BS. Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, điều kiện lý tưởng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là quản lý chuỗi thực phẩm. Thành phố đang đầu tư để xây dựng những chuỗi thực phẩm, trước mắt là chuỗi thịt heo, chuỗi rau, chuỗi thịt gia cầm…


Tuy nhiên, để tạo ra một chuỗi như vậy, việc kiểm soát ngay tại nguồn rất khó. Không phải một trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn, là chuỗi thực phẩm đạt yêu cầu, mà chúng ta phải quản lý thức ăn đầu vào, quản lý dịch bệnh, quản lý con giống được đưa vào, quản lý quy trình chăn nuôi…


“Trên thực tế, đạt được điều kiện lý tưởng này không phải dễ, nên chúng ta cần một quan điểm nữa mà ngành y tế hiện nay đang đi theo. Đó là, nếu như không đạt được một chuỗi, thì phải đảm bảo được khâu cuối cùng an toàn vệ sinh. Một trong những điều kiện đảm bảo khâu cuối cùng là cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận. Một số sản phẩm theo quy định phải có công bố tiêu chuẩn sản phẩm,” BS. Giang nói.


Chỉ còn một loại cơ sở đang được thành phố du di, chưa xem xét xử phạt là hàng rong, xe đẩy. Khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận, theo BS. Giang hiện nay đang nằm ở cấp phường, vì các đoàn thanh kiểm tra của quận và phường chưa đủ kiên quyết và mạnh mẽ trong việc phạt các cơ sở chưa có giấy chứng nhận VSATTP. Thông qua các hình thức xử phạt nghiêm ngặt, các cơ sở kinh doanh buộc phải cải thiện tình hình vệ sinh, và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.


Đối với hàng rong, xe đẩy, thành phố chủ trương tạo điều kiện giảm phí – miễn phí trong việc khám sức khoẻ đối với các đương sự để tiến hành cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, cơ quan quản lý chỉ phạt các quán hàng rong, xe đẩy nào vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn (không đảm bảo nguồn nước, thức ăn chế biến không được che đậy…).


Còn đối với các cơ sở kinh doanh thịt cầy, BS. Lê Trường Giang cho biết, trong điều kiện hiện nay, các cơ quan chức năng sẽ chấp nhận biện pháp tình thế là các cơ sở này chưa có những giấy kiểm dịch động vật. Song, những điều kiện vệ sinh khác đều phải đảm bảo. Những cơ sở vi phạm phải bị xử phạt nghiêm khắc.




  • Hương Cát 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *