Văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa

Làng xã không chỉ là nơi góp phần làm nên nhiều giá trị văn hóa – văn minh truyền thống mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, truyền bá các giá trị ấy. Có thể nói, chính các giá trị này đã có đóng góp tích cực để làm nên truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, làm cho làng xã trở thành niềm tự hào, là nguồn xúc cảm thiêng liêng trong thẳm sâu tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam.


Đình làng cũng trở thành nơi quảng cáo hàng hoá nước ngoài
(ảnh: Baoxaydung.vn)

Nên không phải ngẫu nhiên, dù đi đâu về đâu thì với số đông người Việt Nam, hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” đã trở thành máu thịt trong tâm trí của mọi người, trở thành biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước. Sau hàng nghìn năm, sự cố kết cộng đồng và sức mạnh của văn hóa làng vẫn là một thực tế không thể phủ nhận, kể cả khi có sự ra đời của một số đô thị được tổ chức theo cách thức khác thì nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được bảo lưu, thậm chí còn góp phần làm cho văn hóa đô thị rực rỡ hơn, như vai trò của các làng nghề trong sự ra đời của Thăng Long – Hà Nội. Ngược lại, văn hóa – văn minh đô thị đã có một số tác động trở lại, bổ sung một số giá trị vào văn hóa – văn minh làng xã. Tuy nhiên cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình đó diễn ra chưa mạnh, và sự tiếp nhận của các chủ thể văn hóa – văn minh làng xã vẫn còn dè dặt.

Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, giao lưu văn hóa – văn minh giữa làng xã với đô thị ở Việt Nam đã diễn ra với tốc độ rất cao. trong một số trường hợp, những người dân vốn chắt chiu, thuần hậu nơi làng quê hầu như không có cơ hội và thời gian để lựa chọn những giá trị phù hợp. Sự du nhập thiếu chọn lọc một số thành tựu văn hóa – văn minh từ đô thị đã phá vỡ hoặc triệt tiêu một số giá trị tích cực tồn tại từ lâu đời, vốn là niềm tự hào của văn hóa – văn minh làng xã, như các giá trị cộng đồng, các quan hệ về tình làng nghĩa xóm, thái độ lao động… Các hiện tượng tiêu cực xảy ra ở làng xã được phản ánh trên báo chí gần đây, ít nhiều có liên quan tới sự lựa chọn, tiếp nhận văn hóa đô thị, tới sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhiều người, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Ðô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển, và tất nhiên, gắn liền với quá trình đô thị hóa là sự ra đời của những yếu tố, những giá trị văn hóa mới giúp con người có khả năng làm chủ không gian sinh tồn mới. Cần khẳng định, việc phát triển toàn diện, bền vững nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình đẩy mạnh CNH, HÐH ở Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình đô thị hóa và có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa – văn minh giữa đô thị với nông thôn. Vì thế, trước xu hướng một số giá trị văn hóa – văn minh đô thị được phóng chiếu với tần số cao, có sức hấp dẫn, có sự lan tỏa nhanh chóng,… thì đòi hỏi sự tiếp nhận cần hết sức thận trọng. Và để có được sự thận trọng đó, từ mỗi con người nói riêng đến văn hóa – văn minh làng xã nói chung cần được xây dựng một bản lĩnh, một nội lực mới. Nói cách khác, chúng ta cần triển khai các nghiên cứu cụ thể, thiết thực để giải quyết vấn đề làm thế nào để văn hóa – văn minh làng xã hội nhập với xu hướng phát triển chung, nhưng vẫn giữ được bản sắc, với những nét văn hóa – văn minh độc đáo và đặc sắc. Bởi bất luận trong trường hợp nào thì sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam không chỉ là phát triển kinh tế mà song song với đó là sự phát triển lành mạnh của văn hóa – văn minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *