Kỳ I: Chạy đua với thần chết Người con cuối cùng của họ Vũ Hồi đó, lá đơn khiếu nại của ông Vũ Hùng Tân đến toà soạn vào một ngày đầu năm 1992, quá muộn mằn sau 28 năm theo đuổi một vụ kiện. Ông viết rằng nhà ông có 3 anh em trai đều tham gia Vệ quốc đoàn đi kháng chiến chống pháp. Anh ông – Vũ Văn phong – là liệt sĩ, hy sinh năm 1948 tại biên giới Việt Lào. Em ông, Vũ Văn Tiến, là thương binh, chuyển ngành công tác tại phú Thọ, ốm chết năm 1990. Ông là người con duy nhất còn lại của gia đình họ Vũ. Ông năm nay 69 tuổi, là thương binh và công tác lâu năm tại ngành thương nghiệp Vĩnh phú. Bố mẹ ông khi mất đi, có để lại cho con cái ngôi nhà số 27 đường Yên phụ, Hà Nội. Suốt từ năm 1964 đến nay, đằng đẵng ngần ấy năm tháng, gia đình ông theo về Hà Nội xin lại Nhà nước ngôi nhà cha ông để lại nhưng không ai giải quyết. Tháng 7/1991, Cty ăn uống Q.Ba Đình đã tự ý bán ngôi nhà ấy của gia đình ông cho Cty du lịch Hà Nội với giá 220 triệu đồng. Thời gian đã vắt kiệt sức lực và niềm hy vọng trong ông. Đến nay, không biết trông cậy vào ai, ông gửi đơn đến báo Thương Mại nhờ giúp đỡ. Nhận được đơn, anh em trong Ban biên tập không khỏi phân vân: Liệu sự việc có đúng như vậy không? Tại sao lại có sự vô lý hết sức như thế mà tồn tại tới mấy chục năm trời? Việc này mắc mớ ở chỗ nào? Tuy nhiên, thấy việc bênh vực quyền lợi chính đáng của nhân dân là cần thiết, mà lại của cán bộ lâu năm trong ngành, của một gia đình có công với Cách mạng nên đã có công văn số 05/BTM ngày 21/1/1992 gửi UBND Tp Hà Nội đề nghị kiểm tra. Đầu tháng 3/1992, chúng tôi nhận được tin: ông Tân sắp mất. Thấy không thể chờ sự trả lời của UBND Tp Hà Nội, tôi – với tư cách là phó Tổng biên tập – cùng một phóng viên trẻ nữa là Hữu Quý (nay là phó tổng biên tập báo Công Thương) quyết định lên thăm gia đình ông và thu thập những tài liệu cần thiết. Nhà ông Tân nằm ven đường quốc lộ, cách thị xã Vĩnh Yên chừng 1 km, ngay sát chùa Bảo Sơn. Ngôi nhà cấp 4 bị lún nứt nhiều chỗ bởi làm móng không tốt. Không khí trong nhà nặng trĩu. Ông Tân nằm bất động trên chiếc giường cũ kỹ, gương mặt trắng bợt, hốc hác. Nhà bày biện đơn sơ. Một chiếc bàn gỗ mọt và chiếc ghế băng để tiếp khách. Chiếc chõng tre đặt ở góc nhà với đủ các thứ chăn, gối lộn xộn, cũ sờn… Bà trần Thị Sinh, vợ ông, nói rằng gần một tháng nay, ông không ăn được gì, chỉ húp được ít cháo loãng và vài múi cam. Chúng tôi nói chuyện với ông song không thu được kết quả vì ông chỉ lắp bắp miệng, không thành tiếng. Đôi mắt sâu hoắm, đục mờ chỉ ứa ra những giọt nước mắt. Ông lần lần bàn tay gầy guộc, với lấy một tập giấy tờ để lẫn trong đống sách truyện của puskin, Sô-lô-khốp… rồi đưa cho tôi. Tim tôi thắt lại, xót xa, cay đắng. Chẳng lẽ cả cuộc đời một con người lại kết thúc trong sự vô vọng như vậy sao? Chúng tôi an ủi ông và gia đình rằng nếu có đủ căn cứ pháp lý, chắc chắn Nhà nước sẽ trả lại ngôi nhà cho gia đình ông. Nhưng dù có tin vào công lý đến mấy, không ai dám chắc đến ngày đó, ông Tân sẽ qua khỏi cơn nguy kịch. Với quyết tâm làm sáng tỏ vấn đề khi ông Tân còn sống, chúng tôi đi tìm sự thật về vụ này. Cuộc chạy đua với thần chết bắt đầu. Thất vọng rồi lại hy vọng Theo “Văn khế” bán đất, bố ông Tân là cụ Vũ Văn Xuân mua khu đất số 269 của cụ Vũ Văn Hữu với giá 200 đồng bạc lúc bấy giờ. Chúng tôi tính phải tìm bằng được các văn bản có tính khách quan chứng minh trên khu đất 269 ấy, có nhà và nhà ấy là của cụ Vũ Văn Xuân. Bởi vì theo luật pháp hiện hành, kể từ khi chính quyền công nông thành lập, đất đai là công thổ quốc gia. Chỉ có tài sản trên đất là được pháp luật bảo hộ. trong đơn, ông Tân có trình bày từ năm 1964, ông đã có đơn xin lại Nhà nước ngôi nhà số 27 Yên phụ. Ngôi nhà hiện giờ được xây theo kiểu mới, không phải nhà cổ. Không một vết tích gì chứng tỏ có một ngôi nhà từ thời pháp để lại. Có lẽ chính vì thế mà việc đòi lại ngôi nhà không còn vết tích đã để lại nhiều khó khăn trên con đường đi tìm công lý của ông suốt mấy chục năm ròng. Việc Cty ăn uống Ba Đình tự ý phá ngôi nhà cũ, xây lại ngôi nhà mới và bán nó đi là trái pháp luật. Vậy thì ít nhất trong lý lịch gốc của ông Tân phải có ghi số nhà. Mà đã có số nhà thì ắt phải có nhà. Chúng tôi lên Việt trì, vào Sở Thương mại và Du lịch, nơi ông Tân công tác ngay sau hoà bình lập lại, đi tìm bản lý lịch gốc của ông Tân. Anh phan Sĩ Đang, trưởng phòng tổ chức Sở lúc bấy giờ, giúp chúng tôi tận tình. Cả đống cặp hồ sơ cán bộ cao quá đầu người đều được dỡ tung ra. Nhưng thật không may, chúng tôi chỉ tìm thấy túi hồ sơ mang tên “Vũ Hùng Tân” không còn ruột. Anh Đang nói: “Ông Tân thuyên chuyển công tác nhiều lần nên khi chuyển đi đâu, hồ sơ sẽ đi theo đó”. Lần theo địa chỉ công tác của ông Tân qua các năm, chúng tôi đến huyện uỷ và UBND huyện Tam Đả không có; đến phòng Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Yên: không có; đến Đảng uỷ phường Liên Bảo, nơi ông đang sinh hoạt Đảng: cũng không có. trở lại Việt trì, sang Ban tổ chức tỉnh uỷ, xin được xem hồ sơ “bảo vệ Đảng”, chúng tôi có trong tay một tờ sơ yếu lý lịch do ông Tân tự viết năm 1975 có ghi “Vũ Hùng Tân, sinh ngày 15/10/1923 tại phố Yên phụ, khu Ba Đình, Hà Nội”. Hoàn toàn không ghi số nhà. Mất nhiều công sức mà không tìm được hồ sơ cán bộ gốc, chúng tôi bắt đầu thất vọng. Nhà không còn, hồ sơ gốc không còn. Vậy tìm bằng chứng ở đâu? Khi nói chuyện với mấy anh ở Sở Thương mại và Du lịch, có một thông tin quý giá: trong chợ Gia Cẩm có một người gốc làng Yên phụ. Ông ấy chuyên bán giò chả, gọi là ông Quý giò. Chúng tôi phấn chấn hẳn lên, không phải vì phát hiện ra người làng Yên phụ trên mảnh đất trung du này, mà là hé ra một hướng đi mới: đi tìm nhân chứng. trong pháp luật “trọng chứng hơn trọng cung”, song nhân chứng có bao giờ thừa? Chúng tôi liền đi tìm ông Quý. Ra chợ, bạn hàng bả ông ấy ở nhà. Đến nhà, ông Quý kể rằng ngày xưa, mẹ ông thuê căn nhà ngoài sát mặt đường của cụ Vũ Văn Xuân ở 27 Yên phụ để bán cháo lòng. Ông thường xuyên phải đem tim gan cho mẹ ông. Những năm ấy khoảng 1940 – 1945. Ông vui vẻ viết giấy xác nhận và đồng ý để chúng tôi chụp ảnh ông. Như vậy trên khu đất 269 làng Yên phụ ấy có nhà của cụ Vũ Văn Xuân. Nhưng đấy là trước năm 1945, còn khi Chính phủ ta tiếp quản Thủ đô, nhà ấy có còn không? Việc này ông Quý cũng không hề biết vì ông cũng đi kháng chiến và ở luôn trên này. Chỉ có dân làng Yên phụ mới biết. Chúng tôi cảm ơn ông Quý và quay xe trở về ngay Hà Nội. “Cả làng Yên phụ xin làm nhân chứng” Hình như trên đời này có quy luật bù trừ. Việc tìm kiếm tư liệu ở Vĩnh phúc vất vả bao nhiêu thì ở làng Yên phụ lại dễ dàng bấy nhiêu. Đi một bước là có ngay nhân chứng. Ông Đoàn Văn Linh, trung tá công an đã nghỉ hưu, kể rằng cách đây hơn chục năm, Sở ăn uống Hà Nội đã định đền bù cho gia đình ông Tân một cửa hàng bán cà phê gần đây, nhưng ông Tân không chịu. Ông muốn trở về đúng mảnh đất cha ông để lại xưa kia. Nhưng hồi đó, cửa hàng ăn uống 27 Yên phụ đang làm ăn khấm khá, có gần 100 cán bộ, công nhân viên, nên việc thương lượng không thành. Ông Đặng Văn Mẹo, người cùng số nhà 27 với gia đình ông Tân khi còn “mặc quần thủng đít”- như ông nói. Ông Mẹo dắt chúng tôi lên mái nhà, chỉ vào những vết đạn lỗ chỗ và vết cháy sém con sơn của ngôi nhà cổ bên cạnh: – Hồi về tiếp quản, làng này có 6 ngôi nhà chưa cháy hết, trong đó có nhà ông Tân. Ông Vũ Văn phong không về thì đã đành – Giọng ông Mẹo nghẹn ngào, nước mắt rơm rớm – Còn ông Tân, ông Tiến theo sự phân công của Nhà nước, không về được. Giờ tôi biết ông Tân ốm lắm rồi. Chúng tôi chỉ mong ông ấy được về đây. Nếu có chết thì chết ở mảnh đất chôn rau cắt rốn này. Chúng tôi đề nghị các cụ, các ông vui lòng làm chứng cho gia đình ông Tân. Ông Đoàn Văn Linh nói: “Cả làng Yên phụ này sẵn sàng làm chứng cho ông Tân chứ riêng gì chúng tôi”. Và ông cầm bút viết ngay bên mâm cơm trưa đã đợi ông hơn tiếng đồng hồ. Hà Nội, 6/3/1992 Giấy xác nhận Chúng tôi có tên dưới đây đều là người sinh ra ở làng Yên phụ, huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông cũ, nay là quận Ba Đình, Hà Nội: 1. Đoàn Văn Linh, 70 tuổi, nguyên cán bộ Bộ Nội Vụ, nghỉ hưu tại số nhà 33 phố Yên phụ. 2. Đặng Văn Mẹo, 63 tuổi, công nhân đá hoa granito, đã nghỉ hưu, hiện ở số nhà 27 phố Yên phụ. 3. Đặng Thị Hải, 69 tuổi, bán hàng nước tại số nhà 8 phố Yên phụ. Xác nhận trước cách mạng tháng 8/1945, cụ Vũ Văn Xuân thân sinh ra các ông Vũ Văn phong, Vũ Hùng Tân, Vũ Văn Tiến có ngôi nhà là phía mặt đường, bên trong là một ngôi nhà toóc-xi. phía bên trong nữa là nhà cụ Vũ Văn Hữu. Kháng chiến toàn quốc, gia đình ông Tân, Tiến ra ngoài kháng chiến. Đến khi tiếp quản năm 1954, ngôi nhà lá đã bị đốt cháy, còn lại ngôi nhà gạch bên trong, hiện Cty ăn uống Ba Đình sử dụng thửa đất này. Chúng tôi bảo đảm những lời xác nhận trên và cùng ký tên dưới đây để làm bằng chứng cho gia đình ông Vũ Văn Tân hiện trú tại thị xã Vĩnh Yên. Đoàn Văn Linh Đặng Văn Mẹo Đặng Thị Hải. Đến lúc này, trong tay chúng tôi đã có nhiều bằng chứng và nhân chứng giúp cho gia đình ông Tân có căn cứ để đề nghị UBND Tp Hà Nội trả lại quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng mảnh đất bố mẹ ông để lại. Toà soạn có tiếp công văn gửi đồng chí Đinh Hạnh, phó chủ tịch UBND Tp hồi bấy giờ, người cầm cân nảy mực trong sự việc này. Màn ảnh truyền hình Việt Nam ngày ấy vừa chiếu bộ phim “papillon- người tù khổ sai”. Xem xong, chúng tôi ngẫm rằng: chỉ một sai sót nhỏ của Nhà chức trách, con người có thể bị đẩy tới tận cùng của sự đau khổ.Chúng tôi mong điều này không xảy ra ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất đã quá nhiều đau thương này. Và cũng cầu mong cho gia đình ông Tân ngày một ngày hai được trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Lúc đó, biết đâu có một sức mạnh tinh thần nào đó lại trỗi dậy trong ông. Ông sẽ khoẻ mạnh và trở về quê hương. Ở đấy, làng xóm, anh em và bạn bè đang chờ đón ông… Kỳ sau: Những bát hương tự bốc cháy Một ngôi nhà lớn nằm ngay trên mặt đường Yên phụ (Hà Nội) do thất lạc giấy tờ và những thủ tục hành chính rắc rối mà suốt 28 năm, gia chủ không quay được về ở đúng ngôi nhà của mình. Các nhà báo đã vào cuộc và đã thành công. Mặc dù câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng bài học kinh nghiệm cho thấy có rất nhiều cách để tìm đến chân lý. XD & pL xin đăng lại câu chuyện hy hữu qua lời kể của nhà báo Nguyễn Hoàng Linh từ số này.
Kỳ sau: Những bát hương tự bốc cháy.
|
28 năm, vụ đòi nhà hy hữu
11