1. Con nít thì mừng người lớn thì lo. “Tết đến sau lưng, con nít thì mừng người lớn thì lo”. Câu ca cũ từ ngàn đời giờ được nhắc lại, khi giá cả đang vùn vụt tăng vào những ngày áp tết, mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng từ 5 – 20%, hải sản khô tăng tới 50%. Những người lao động bình thường và người nghèo thật sự lo lắng khi cái tết cổ truyền đang đến gần, họ không biết năm nay sẽ ăn tết như thế nào. Các cơ quan chức năng đã tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ giá cả, thậm chí tập trung nguồn vốn lớn để bình ổn giá cả trong dịp tết, nhưng mọi biện pháp can thiệp của các nhà quản lý hình như đang bị vô hiệu hoá. 2. Việc nóng trước mắt. Giá cả tháng 1/2010 tăng 1,36%, mức tăng cao nhất từ hơn 1 năm nay. Giá xăng đã tăng, giá than tăng, giá điện cũng sẽ tăng đương nhiên các mặt hàng khác cũng tăng giá theo. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương kiên quyết kiểm soát giá cả. Chống lạm phát là việc nóng trước mắt. Lạm phát cao thì đồng lương thực tế của người lao động sẽ bị teo lại và việc tăng trưởng kinh tế sẽ bị giảm ý nghĩa tích cực trong đời sống xã hội. 3. Học sinh ba thiếu. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở đó là ba cái thiếu cơ bản nhất của học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chỉ bị một trong ba cái thiếu này là học sinh không thể đến trường được nữa. Vì thế Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại danh sách học sinh nghèo để có chính sách hỗ trợ các em, đảm bảo cho học sinh đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để đến trường. Đây mới là chủ trương, còn cần những biện pháp hết sức cụ thể và thiết thực mới giảm thiểu được tỷ lệ học sinh bỏ học đang ngày càng gia tăng. 4. Sợ nhất taxi Hà Nội. Hà Nội hiện có 12.100 taxi của 109 DN. Còn một lượng xe taxi nữa mà ngành GTVT chưa thống kê được, đó là taxi dù. Về số lượng xe, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Tp.HCM) nhưng lại đứng đầu bảng về các vụ tiêu cực từ xe taxi, chống người thi hành công vụ, đỗ đón khách rất tuỳ tiện, vi phạm Luật Giao thông, gắn chip điện tử để ăn cắp tiền của khách… Vì thế, từ ngày 1/3/2010 Hà Nội tạm ngừng cấp phép mới hoạt động taxi để chấn chỉnh loại phương tiện chở khách này, đảm bảo văn minh, hiệu quả và đúng luật pháp. 5. Cần phải xử phạt nghiêm người đi bộ không đúng luật. Một du khách Việt Nam, quê ở Hải Dương, sang Singapore du lịch, sang đường không đúng luật, bị ôtô cán chết. Nhà chức trách Singapore phạt người chết 20 nghìn USD (gia đình người chết phải nộp phạt mới được nhận lọ tro hài cốt). Còn ở Việt Nam ta thì khi xảy ra tai nạn xe lớn bồi thường cho xe nhỏ, người đi xe bồi thường cho người đi bộ, vì thế luật pháp không nghiêm. trong năm 2009, mới có hai người đi bộ sai luật gây hậu quả nghiêm trọng bị toà phạt tù, quá ít so với tình hình người đi bộ phạm luật ở nước ta. Năm 2010, UBATGT Quốc gia kết hợp với các cơ quan chức năng sẽ tiến hành nhiều biện pháp xử phạt nghiêm những người đi bộ không đúng luật. Đây là việc làm rất cần thiết để xây dựng văn hoá giao thông. 6. Cần nghiêm trị những kẻ sát hại nông dân. Việc một số DN dùng một loại hoá chất kịch độc để sản xuất phân bón đã bị báo chí phanh phui. Các nhà khoa học rất công phẫn, vì đây là chất kịch độc, có thể giết dần những người nông dân sử dụng nó. Nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý thích đáng những kẻ sát thủ này. Công luận bức xúc đặt câu hỏi: “Tại sao sức ỳ của nền hành pháp nước ta lại lớn đến vậy. 7. Hai điểm đen của ngành Toà án. Điểm thứ nhất – các quan toà chưa thật sự trong sạch, tạo điều kiện cho tệ chạy án hoành hành trong công tác xét xử. Điểm thứ hai là tính độc lập trong xét xử chưa cao. Nhiều khi thẩm phán vừa xử vừa nghe ngóng ý kiến của cấp uỷ, vì thế xét xử không đúng người, đúng tội. Vụ quan “ăn đất” nghiêm trọng ở Đồ Sơn mà mức phạt cao nhất chỉ là cảnh cáo trước toà và phạt hành chính 50 nghìn đồng. Làm việc với ngành Toà án, Chủ tịch nước Nguyễn Minh triết nhấn mạnh hai điểm, một là phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch và hai là phải đảm bảo tính độc lập cao trong xét xử. Chỉ như thế mới giảm được án oan, án sai và được nhân dân tin tưởng. |
3 ngày 7 chuyện
2