Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-Cp ngày 6/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, 6 tháng đầu năm nay Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều chương trình hành động để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Cụ thể:
Quản lý kiến trúc, quy hoạch
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Dự thảo các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định này đang được gấp rút hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện việc lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế: Vân phong, Vũng Áng, Hòn La, Dung Quất, các quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch dọc các tuyến đường cao tốc, quy hoạch hệ thống các trường ĐH tại Hà Nội và Tp.HCM… Tính đến nay, Bộ đã thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt 10 đồ án quy hoạch vùng. Các đồ án quy hoạch này được giao cho các địa phương có liên quan quản lý và thực hiện công bố quy hoạch theo quy định. Đã chỉ đạo các tỉnh thành thuộc phạm vi các quy hoạch này rà soát lại các đồ án quy hoạch đã phê duyệt trên địa bàn, đối chiếu và điều chỉnh cho phù hợp với các đồ án liên tỉnh mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã cơ bản hoàn thành và được tổ chức triển lãm lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các tổ chức tại Hà Nội và Tp.HCM. Đồ án đã được báo cáo Chính phủ và xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XII. Tất cả các đô thị từ loại IV (thị xã) trở lên đều đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Tính chung cho toàn bộ hệ thống đô thị của cả nước số đô thị có quy hoạch chung được phê duyệt chiếm tỷ lệ khoảng 93%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 45%. Đã hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới”. trong tháng 6 đã tổ chức Hội nghị sơ kết với các địa phương về công tác quy hoạch xây dựng ở 11 xã điểm của trung ương và triển khai Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 2/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới”. Đề án “Mô hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới” cũng đã hoàn thành, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở để triển khai thực hiện, nhân rộng trên cả nước. triển khai Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương tiến hành soát, lập danh mục và xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương mình. Tuy nhiên đến nay mới có 44/63 tỉnh, thành có báo cáo gửi về Bộ. Tổng số xã trên địa bàn 44 tỉnh, thành này là 6.590 xã nhưng hiện chỉ có 1.792 xã đã được lập quy hoạch xây dựng (27,2%) nhưng trong đó có 1.128 xã cần phải điều chỉnh quy hoạch.
phát triển đô thị trong 6 tháng đầu năm có 7 đô thị được nâng loại trong đó có 2 đô thị nâng từ loại II lên loại I (Tp Buôn Ma Thuột và Tp Quy Nhơn) và 5 đô thị nâng từ loại V lên loại IV. Tính đến hết tháng 6/2010, trên toàn quốc có 752 đô thị gồm: 2 đô thị loại đặc biệt; 9 đô thị loại I (trong đó có 3 đô thị trực thuộc trung ương), 12 đô thị loại II , 45 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV và 643 đô thị loại V. Tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình khung phát triển đô thị quốc gia 5 và 10 năm giai đoạn 2011 – 2025 kèm theo chương trình hành động với các nội dung công việc cụ thể cần triển khai và lộ trình thực hiện; xây dựng Kế hoạch để triển khai Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 8/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia. Chương trình ứng dụng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị; Đề án Nghiên cứu hệ thống tiêu chí đánh giá đô thị đặc thù phục vụ thiết kế quy hoạch và quản lý đô thị cũng đang được nghiên cứu, triển khai thực hiện. Đang tiến hành xây dựng đề án “Nghiên cứu phát triển các đô thị ven biển Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” . Để triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị nâng cấp đô thị Vùng ĐBSCL, Bộ đã phối hợp tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch hành động giai đoạn chuẩn bị dự án với các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong dự án và WB; hỗ trợ các đô thị trong việc xây dựng và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết các phát sinh trong quá trình thực hiện dự án cải thiện môi trường đô thị miền trung nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ…
Hạ tầng kỹ thuật đô thị Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý không gian ngầm đô thị; Nghị định về quản lý cây xanh đô thị. Các Thông tư hướng dẫn các Nghị định này đang được khẩn trương hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới. Đang cùng các địa phương tích cực chuẩn bị kế hoạch triển khai Chương trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2009 – 2010, chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước, thoát nước, khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại vùng kinh tế trọng điểm Vùng ĐBSCL để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện Định hướng phát triển cấp nước, thoát nước đô thị và KCN Việt Nam; đôn đốc các địa phương xác định nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị. Đề án Định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam đang được bổ sung, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường cho các đô thị. Thông qua các địa phương, Bộ đang tổng hợp nhu cầu đầu tư cấp, thoát nước cho kế hoạch 5 năm và 10 năm theo định hướng phát triển cấp, nước đô thị và KCN Việt Nam đến 2025.
phát triển nhà và thị trường BĐS Bộ đã tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 90/2006/NĐ-Cp ngày 6/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Nghị định thay thế Nghị quyết số 34/2007/NQ-Cp ngày 3/7/2007 về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, tiếp tục triển khai nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao soạn thảo “Đề án phát triển thị trường BĐS” và “Đề án tạo quỹ đất của nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư”. Đã tổ chức nghiên cứu, trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung cơ chế thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) và bổ sung đối tượng thụ hưởng và bổ sung cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê giai đoạn 2011 – 2015, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, đã có 92/94 dự án, tương ứng với 248 khối (block) nhà ở sinh viên đã khởi công xây dựng; dự kiến đến hết năm 2010 có khoảng 151 khối nhà sẽ hoàn thành, đáp ứng cho trên 250 nghìn sinh viên. trong năm 2011 sẽ có thêm 97 khối nhà được hoàn thành đưa vào sử dụng. Ước đến 30/6 các dự án đang triển khai có khối lượng xây lắp hoàn thành đạt 3.879,6 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 3.540,1 tỷ đồng, đạt 64% tổng số vốn đã được phân bổ cho 2 năm 2009 – 2010. trên cả nước hiện có 24 dự án nhà ở cho công nhân KCN được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753 nghìn m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125 nghìn công nhân các KCN; 33 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 655 nghìn m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 55 nghìn người. Thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 65 nghìn hộ nghèo, đạt tỷ lệ 33% so với kế hoạch năm 2010; trong đó có 14 nghìn hộ thuộc 62 huyện nghèo và 4 nghìn hộ là đồng bào dân tộc Khơ me. Đến nay tổng số hộ được hỗ trợ về nhà ở khoảng 191.000/496.025 hộ (đạt 38,5%). Thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2, các địa phương đã khởi công 116/182 dự án (64%). Hiện đã xây dựng xong 207 căn nhà và bố trí 207 hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư. Về bán nhà theo Nghị định số 61/Cp, tính đến tháng 6 cả nước bán được 286.300 căn, đạt gần 86,3% trong tổng số 332.000 căn thuộc diện được bán. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công tác bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/Cp diễn ra còn chậm. Thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm 2010 có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn. Hàng hóa tuy nhiều nhưng ít sản phẩm phù hợp nhu cầu có khả năng chi trả và nhu cầu tiêu dùng thực sự. Hoạt động đầu cơ, thổi giá, đầu tư theo phong trào diễn ra phổ biến. Một số đợt sốt giá BĐS đã xảy ra trong thời gian vừa qua (như tại khu vực phía tây ngoại thành Hà Nội) khiến cho giá BĐS trong thời gian ngắn bị tăng giá nhiều lần. Riêng tại Tp.HCM từ đầu năm đến nay lượng giao dịch về đất nền và chung cư tại các dự án phát triển KĐTM, dự án phát triển nhà ở tại tất cả các khu vực không có nhiều biến động. Tại khu vực trung tâm, giá BĐS cũng đứng ở mức cao và lượng giao dịch không nhiều. Các thị trường lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Vũng Tàu do có lợi thế về mặt bằng giá thấp, quy hoạch đồng bộ, hạ tầng cơ sở đang hình thành nhanh nên tiếp tục thu hút vốn của các nhà đầu tư .
Công tác quản lý xây dựng Về quản lý các hoạt động xây dựng: Tập trung hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2009/NĐ-Cp về cấp Giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về bảo trì công trình xây dựng và Đề án tăng cường nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 – 2015. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Thông tư 05/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 về hướng dẫn đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng; hoàn thiện các Mẫu hợp đồng trong hoạt động xây dựng… Về công tác cấp giấy phép xây dựng: các Sở Xây dựng đã tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn. trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ giấy phép xây dựng do các Sở Xây dựng cấp trung bình chiếm khoảng 4% số giấy phép xây dựng đã cấp (tỷ lệ này tại Hà Nội là 1,3%, tại Tp.HCM chỉ có 0,5%). Việc phân cấp mạnh cho các quận, huyện trong việc cấp phép xây dựng đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư rút ngắn thời gian làm thủ tục. Tỷ lệ các công trình xây dựng có giấy phép xây dựng chiếm 90% tổng số công trình xây dựng trên địa bàn (số công trình xây dựng sai với giấy phép xây dựng được cấp còn 3,2%. Theo báo cáo của 41/63 Sở Xây dựng, từ đầu năm đến nay các Sở đã cấp 3.695 chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, trong đó có 2.281 chứng chỉ hành nghề giám sát. Tổng số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã cấp từ trước đến nay khoảng 40 nghìn chứng chỉ, trong đó có khoảng 21 nghìn chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát. Thực hiện công tác quản lý hoạt động của các nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Bộ và các Sở Xây dựng đã cấp được khoảng 118 giấy phép thầu cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện các gói thầu tư vấn và thi công xây dựng tại Việt Nam. Về thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình: Bộ và các Sở Xây dựng đã thẩm định và tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở cho 1.080 dự án (trong đó 41 Sở Xây dựng thực hiện 1.036 dự án nhóm B, C). Việc tham gia ý kiến thiết kế cơ sở được thực hiện tốt, đảm bảo thời gian và chất lượng, giúp các nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng. Về công tác an toàn lao động trong hoạt động xây dựng: theo báo cáo của các Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 16 vụ tai nạn lao động trong hoạt động xây dựng, làm chết 8 người, bị thương 10 người. Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do các nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, chưa hướng dẫn và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện trong quá trình thi công xây dựng; đồng thời ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của người lao động chưa cao. Về quản lý chất lượng công trình xây dựng: Nhìn chung, chất lượng công trình được kiểm soát, đặc biệt là công trình trọng điểm, có quy mô lớn. Một số dự án lớn đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng đã vận hành an toàn. Hầu hết các công trình xây dựng đã hoàn thành được nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng phù hợp với yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng. trên 90% số hạng mục công trình, công trình được nghiệm thu có chất lượng đảm bảo yêu cầu thiết kế. Các chủ thể tham gia trực tiếp thi công xây dựng đều tuân thủ về quản lý chất lượng công trình, hồ sơ hoàn thành công trình được lập đầy đủ. Theo báo cáo sơ bộ của địa phương, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 30 sự cố công trình xây dựng, trong đó có 28 sự cố cấp III và 2 sự cố cấp II. Sự cố chủ yếu xảy ra ở các công trình nhỏ, lẻ và thường xảy ra ở các công trình nhà ở riêng lẻ.
Quản lý, phát triển VLXD Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc nghiên cứu, trình Thủ tướng quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Cùng với việc tiếp tục phổ biến chỉ đạo triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 tới các địa phương, các ngành, các DN nhằm thực hiện đúng các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020, Bộ đã tổ chức rà soát lại các dự án quy hoạch này trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; tập trung chỉ đạo tổ chức, tập hợp lực lượng cơ khí xây dựng trong việc chế tạo thiết bị đồng bộ cho dây chuyền sản xuất xi măng 2.500 tấn clinker/ngày và các dây chuyền có công suất lớn hơn, thiết bị cho ngành điện và các loại máy xây dựng. Sau khi đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BXD ngày 18/6/2009 quy định công tác quản lý chất lượng kính xây dựng, Bộ tiếp tục ban hành Thông tư số 01/2010/TT-BXD ngày 8/1/2010 quy định công tác quản lý chất lượng clinker xi măng poóc lăng thương phẩm và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư kiểm soát nhập khẩu gạch ceramic, dự kiến sẽ ban hành trong quý III này. Để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm VLXD, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển, phấn đấu xuất khẩu đạt 5 – 10% sản lượng sản phẩm VLXD do các DN trong nước sản xuất được, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính bổ sung kịp thời các danh mục vật tư, VLXD trong nước đã sản xuất được, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương trong việc cung cấp bổ sung các thông tin cần thiết như tiêu chuẩn chất lượng, năng lực sản xuất và giá bán của các sản phẩm VLXD. Đã tổ chức hướng dẫn các đơn vị, DN trong việc xác định danh mục các sản phẩm VLXD, thiết bị xây dựng mà trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào của các dự án, công trình, hạn chế tối đa việc nhập khẩu và ưu tiên sử dụng trong các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao về xuất khẩu cát silic và cát nhiễm mặn, Bộ đã thành lập Tổ công tác để thực hiện kiểm tra, nghiên cứu tổng hợp việc xử lý cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch, đã hoàn thành việc tổng hợp tình hình và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để xử lý các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các dự án này. Thị trường xi măng trong 6 tháng đầu năm 2010 tiếp tục được bình ổn. Năm 2010, theo dự báo sản xuất xi măng tăng mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, tuy nhiên tại từng thời điểm vẫn phải nhập khẩu một lượng clinker đáp ứng cho các trạm nghiền khu vực phía Nam tại các tháng cao điểm của mùa xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đang tập trung đẩy mạnh kích cầu xi măng với các nội dung: đưa xi măng vào các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, chương trình vật liệu không nung; thực hiện rà soát tình hình cung cầu gạch ốp lát và xuất nhập khẩu.
Cải cách thủ tục hành chính Bộ đã chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, thống kê danh mục thủ tục hành chính ngành Xây dựng, hoàn thành báo cáo kết quả rà soát giai đoạn 2 và đã có phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức hội nghị công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính vào ngày 28/4/2010. trong tổng số 101 thủ tục hành chính đã công bố, có 6 thủ tục hành chính không thuộc phạm vi đối tượng của Đề án 30 (đề nghị loại bỏ), còn lại 95 thủ tục hành chính, trong đó đã kiến nghị: Giữ nguyên 4/95 thủ tục, đơn giản hóa 91/95 thủ tục (trong đó kiến nghị loại bỏ 33/95 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 53/95 thủ tục; hợp nhất 5/95 thủ tục). trong 101 thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực của Ngành đã thống kê có 14 thủ tục hành chính ưu tiên đã được Chính phủ ban hành trong Nghị quyết số 25/NQ-Cp ngày 2/6/2010 về việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành.
|
6 tháng đầu năm 2010: Ngành Xây dựng bảo đảm các mục tiêu đã đề ra
54