Hà Nội: Thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu dân cư ở nội thành





Trước những ý kiến cho rằng, thành phố không nên phê duyệt dự án chuyển mục đích sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị trong khu dân cư đông đúc sang làm nhà ở cao tầng trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém; mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã khẳng định: Việc thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các đơn vị (cả Nhà nước và các thành phần kinh tế khác) trong khu dân cư không chỉ sang làm nhà ở mà chủ yếu sang các chức năng công cộng khác là phù hợp với định hướng quy hoạch của Thành phố (bao gồm chức năng sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật).

UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các đơn vị đã và đang tiến hành vừa đáp ứng mục tiêu di chuyển các xí nghiệp, hợp tác xã công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan, đơn vị nằm xen kẽ trong các khu dân cư ra khỏi khu vực nội thành, tạo thêm quỹ đất để xây dựng các công trình nhà ở với diện tích, cơ cấu phù hợp, tiện nghi hơn góp phần cải thiện môi trường sống, bổ sung các chức năng còn thiếu của đô thị (trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, thể thao, thương mại – dịch vụ, văn phòng làm việc…), đồng thời cân đối nhu cầu nguồn vốn để có thể thực thiện công tác cải tạo “bộ mặt” đô thị về cảnh quan, hạ tầng tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Căn cứ Định hướng Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, trong những năm vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội cùng các Sở, Ngành chức năng đã phê duyệt các kế hoạch, hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt rất nhiều đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để các cơ quan của Nhà nước, nhân dân và mọi thành phần kinh tế triển khai thực hiện theo quy định, góp phần xây dựng đô thị ngày càng hoàn thiện về thẩm mỹ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đến nay quy hoạch chi tiết của 14 quận, huyện (theo địa giới hành chính Thành phố Hà Nội cũ) đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt, kèm theo đó là rất nhiều quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, khu công nghiệp, cụm trường, điểm dân cư nông thôn… tại các quận, huyện nêu trên để cụ thể hóa quy hoạch (thành phần hồ sơ quy hoạch bao gồm quy hoạch sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật), đưa quy hoạch vào đời sống phục vụ nhu cầu phát triển của Thành phố và đất nước.

Thời gian gần đây, các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và một số công trình dịch vụ khác đã được Thành phố giới thiệu đầu tư xây dựng chủ yếu tại các khu vực ngoài vành đai 2 như: Tổ hợp thương mại – khách sạn – căn hộ cao cấp Keangnam cao 70 và 48 tầng; Siêu thị Big C; Tổ hợp khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Khu vực từ vành đai 2 trở vào trung tâm Thành phố được xây dựng rất hạn chế, chủ yếu trên các khu đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm (như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Văn phòng phẩm Hồng Hà, Dệt 8/3…), hoặc cải tạo các khu nhà cũ nát, cấp 4, hư hỏng để chuyển đổi chức năng sử dụng đất, xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, bổ sung các chức năng còn thiếu của đô thị, đồng thời cân đối nhu cầu nguồn vốn để có thể thực thiện công tác cải tạo “bộ mặt” đô thị…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *