Thống nhất và điển hình
Hoàn thiện các chi tiết của một ngôi nhà luôn cần đến sự thống nhất để đảm bảo tính thông suốt của trường khí, thể hiện qua rất nhiều mặt: từ hình dáng, chất liệu, màu sắc bề mặt… Ta có thể thấy trong các ngôi nhà truyền thống luôn có tính nhất quán trong xử lý chi tiết chứ không gặp phải tình trạng các chi tiết bị ghép nối tùy tiện, lai tạp. Tạo hình chính là lập thế, nếu hình hỏng ắt Thế hỏng, khí sẽ suy, cho nên chỉnh khí trước tiên chính là chỉnh hình.
Việc “trang điểm” chi tiết đòi hỏi gia chủ và người thiết kế có quan niệm đúng ngay từ đầu, tránh tình trạng công trình làm xong phần thô rồi mới bắt đầu đi tìm chi tiết về gán ghép vào. Chi tiết hài hòa, hợp lý là chi tiết thể hiện đặc trưng của công trình chứ không phải là đắt tiền, lạ mắt hay rườm rà. Ví dụ: Một ngôi nhà lấy phong cách Thiền làm chủ đạo thì chi tiết sẽ rất tối giản, thậm chí không có chi tiết mà chỉ vài mảng, miếng, ánh sáng nhẹ nhàng (hình 1). Ngược lại, một ngôi nhà theo phong cách Tây phương cổ điển thì phải đảm bảo đúng tỷ lệ hoa văn, số lượng và kiểu cách, nếu bị lược bỏ hoặc thêm thắt không đúng thì hệ thống chi tiết ấy sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, trở thành loại trang điểm “không giống ai”.
Thống nhất hóa về chi tiết còn giúp gia chủ giảm lãng phí trong xây dựng. Chủng loại gạch không phức tạp, màu sơn đồng nhất sẽ giúp cho công tác hoàn thiện được nhanh chóng, đúng tiến độ thi công. Chi tiết cửa phải thống nhất theo kích thước phong thủy, các chi tiết khung sắt phải thống nhất chủng loại và hoa văn, cầu thang phải thống nhất về chiều cao, chiều rộng bậc, lan can (hình 2).
Hài hòa Âm Dương – Ngũ hành
Theo triết học Đông phương, cân bằng Âm Dương và hài hòa Ngũ hành còn thể hiện ở mối quan hệ giữa hình dáng chung và chi tiết trang trí. Nếu đại thể thuộc dạng nhà cổ điển (hành Thổ và Hỏa, tính Âm) thì chi tiết hoàn thiện cần nhiều yếu tố Thủy và Mộc (nét mềm và tròn, dùng thêm màu xanh lá và đen như hình 3). Các xử lý chi tiết hoàn thiện có thể đúc kết như sau:
– Chi tiết không che lấp Đại Thể, chi tiết giúp nổi bật và bảo vệ Nội Khí cho công trình (như ô-văng, mái hiên che mưa tạt gió hắt, có tác dụng như mũ lưỡi trai) đồng thời không ngăn chặn sinh khí ra vào công trình.
– Sử dụng vật liệu trang trí bên ngoài đơn giản, hiệu quả và giảm công bảo trì (hình 4 – bình phong bằng nhôm hiện đại đáp ứng tốt tính thẩm mỹ và độ bền vững). Tránh dùng các vật liệu tạm bợ hoặc không hợp với khí hậu và tính chất của khu vực.
Độ bền của chi tiết theo thời gian (cả về kỹ thuật và mỹ thuật, tức là ít bị lạc hậu) chính là biểu hiện sức khỏe của ngôi nhà.
Bài: KTS Hà Anh Tuấn.
Ảnh: Nguyễn Hưng
Chia sẻ với bạn bè qua: |