Ông Nguyễn Văn Linh (bìa trái) – thôn Thạch Yến 2, xã Thạch Cẩm, H.Thạch Thành may mắn đã đòi được 4 sổ đỏ – Ảnh: Ngọc Minh |
Cẩn trọng với dự án “ma”
Nghệ An: Thu hồi gần 2.000 sổ đỏ cho dân
UBND xã góp tay thu gom
Theo báo cáo nhanh của Công an H.Thạch Thành (Thanh Hóa), đến thời điểm trung tuần tháng 7.2009, trên địa bàn huyện có 13/28 xã, thị trấn bị Công ty TNHH Thịnh Phước (địa chỉ ở Gia Lai), Công ty TNHH Phú Tài (địa chỉ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) và Công ty CP đầu tư thương mại Hương Quế (địa chỉ tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) vận động người dân giao nộp sổ đỏ để tham gia các dự án do các công ty này “vẽ” ra. Cụ thể, người dân đã nộp cho 3 công ty này 1.724 sổ đỏ bản gốc, 1.745 sổ đỏ photocopy có công chứng, lập 5.235 giấy ủy quyền duy nhất cho các công ty, kèm theo 1.765 hồ sơ pháp lý để tham gia dự án “Khai hoang, phát quang” và dự án “Trồng rừng môi trường xanh”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Nhân, Chủ tịch UBND xã Thạch Cẩm (Thạch Thành), tỏ ra ân hận vì đã mất cảnh giác trong công tác quản lý. Ông Nhân cho biết: “Cuối tháng 12.2008, ông Hồ Quang ở Thành Kim đến đặt vấn đề với xã về dự án “phát quang, trồng rừng”. Theo ông Quang thì Bộ Tài chính có một nguồn vốn ưu đãi dành cho các tỉnh phía Nam để trồng rừng, nhưng vì nguồn vốn quá lớn nên đã được mở rộng ra một số tỉnh phía Bắc. Để có vốn, người dân cần giao lại sổ đỏ và giấy ủy quyền sở hữu sổ đỏ cho Công ty TNHH Thịnh Phước. Thế rồi nhà nào cũng hăng hái giao sổ đỏ cho họ. Người dân Thạch Cẩm từng được hưởng lợi từ dự án trồng rừng KFW4 của Đức tài trợ, nên khi nghe nói có thêm dự án này là bà con mừng lắm!”.
Không mừng sao được khi việc giao sổ đỏ được chính quyền địa phương thông báo. Ông Nguyễn Văn Linh, thôn Thạch Yến 2, xã Thạch Cẩm, kể: “Tôi nghe trưởng thôn thông báo trên loa nhiều lần và nói rõ là vốn vay theo nhu cầu, không mất lãi suất, thời hạn vay là 5 năm. Gia đình tôi không kịp giao cho trưởng thôn vì trễ hạn theo thông báo, nên tôi đã phải lên nài nỉ UBND xã xin được nộp sổ đỏ. Thế rồi mấy anh trên xã cũng tốt bụng nhận giúp”.
Vậy là sổ đỏ và giấy ủy quyền sở hữu đất của người nông dân đã được giao cho chính quyền, chính quyền xã trao tận tay cho người môi giới. Mọi khâu làm thủ tục giao nhận sổ đỏ lúc đó hoàn toàn bằng… miệng và hiện người dân vô cùng lo lắng.
Sở cấp giấy giới thiệu cho đi gom sổ đỏ!
Còn trên địa bàn H.Thường Xuân, người dân cũng hết sức lo lắng vì hàng nghìn sổ đỏ của họ đang nằm trong tay Công ty TNHH Anh Thôi (Công ty Anh Thôi) do ông Lê Văn Phúc (trú thôn 7, xã Xuân Quang, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) làm giám đốc.
Ngày 22.9.2008, Công ty Anh Thôi có tờ trình trình UBND tỉnh về việc đầu tư trồng rừng kinh tế bằng cây paulownia (cây hông) tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Ngày 9.10.2008, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét đề nghị của công ty này. Ngày 23.3.2009, Sở NN&PTNT cấp cho ông Lê Văn Phúc giấy giới thiệu đến các H.Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân để đầu tư trồng rừng.
Có được giấy giới thiệu trong tay, đầu tháng 5.2009, Công ty Anh Thôi cho nhân viên xuống địa bàn nhiều xã thuộc 3 huyện nêu trên tiến hành khảo sát diện tích rừng trồng của các hộ dân và triển khai dự án trồng cây hông, nhưng thực chất là xuống để thu gom sổ đỏ của dân. Công ty này còn yêu cầu người dân phải công chứng giấy CMND, sổ hộ khẩu và kèm theo giấy viết tay ủy quyền cho Công ty Anh Thôi dùng sổ đỏ giao dịch với ngân hàng. Đổi lại, người dân sẽ được trả 2 triệu đồng/sổ. Được biết, khoảng 500 hộ dân tại 4 thôn của xã Luận Khê đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng lâu dài cho Công ty Anh Thôi.
Bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND H.Thường Xuân, cho biết vì Công ty Anh Thôi có giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT nên UBND H.Thường Xuân mới nhất trí và chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chức năng tạo điều kiện phối hợp cùng công ty này về địa phương khảo sát đất lâm nghiệp, lập dự án trồng rừng kinh tế. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất bình thường của dự án này, UBND H. Thường Xuân đã có công văn đề nghị Công ty Anh Thôi trả lại sổ đỏ cho người dân, nhưng đến nay công ty này vẫn biệt vô âm tín.
Được biết, từ cuối tháng 3.2009, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã chỉ đạo các huyện miền núi và Sở NN&PTNT nhắc nhở các địa phương đề cao cảnh giác với những dự án “ma” về lâm nghiệp. Nhưng không hiểu sao chính quyền các địa phương đã không nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, để đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn hộ dân và nhiều cấp ủy chính quyền đã bị lừa, tự nguyện giao nộp sổ đỏ cho kẻ môi giới của các dự án “ma”.
Ngọc Minh
Chia sẻ với bạn bè qua: |