Báo cáo với Đoàn giám sát Quốc hội do ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, dẫn đầu về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn TP HCM chiều 14/7, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết, tính đến nay, tất cả đơn vị thuộc thành phố quản lý và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn đã thực hiện báo cáo kê khai nhà đất và hầu hết đã đề xuất phương án xử lý nhà – đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Con số đáng báo động
Theo đó, tổng số địa chỉ nhà/đất của các đơn vị thuộc thành phố đã kê khai là 8.433 địa chỉ, với hơn 136 triệu m2. Tuy nhiên, hiện còn một số quận, huyện đã báo cáo nhưng chưa đề xuất (hoặc đề xuất một phần) phương án xử lý như huyện Củ Chi, quận 1, Gò Vấp, Bình Thạnh.
Các đơn vị do trung ương quản lý đóng trên địa bàn kê khai 1.102 địa chỉ nhà – đất với hơn 96 triệu m2. Qua kiểm tra, một số đơn vị đề xuất phương án xử lý chưa đúng nguyên tắc theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg. Vì vậy, Ban chỉ đạo 09 đã yêu cầu các đơn vị đề xuất phương án xử lý khối tài sản nhà đất thuộc khối văn phòng Bộ Công thương, văn phòng Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT.
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2009, Ban chỉ đạo 09 kiểm tra 1.683 địa chỉ nhà – đất (đơn vị thuộc TP 1.589 địa chỉ; đơn vị thuộc Trung ương 94 địa chỉ), nâng tổng số địa chỉ nhà – đất đã kiểm tra từ khi thực hiện Quyết định 80/2001/QĐ-TTg đến nay là 10.243 địa chỉ (đạt 97,22%/tổng số nhà-đất kê khai).
Ông Hà Văn Hiền cho rằng, trong báo cáo của Sở TN-MT TP HCM cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty đang trực tiếp quản lý, sử dụng 410 khu đất, với hơn 6,3 triệu m2 nhưng chỉ có hơn 2,5 triệu m2 đất sử dụng đúng mục đích (chiếm khoảng 39%).
Như vậy, còn đến 61% diện tích đất sử dụng không đúng mục đích. Đây là con số đáng báo động, lâu nay dư luận quan tâm, bức xúc là chính xác. Ông Hiền cho rằng, cần làm rõ việc để xảy ra tình trạng lãng phí này thì lỗi thuộc về ai, do quản lý, chính sách, quá trình tổ chức, thực hiện hay lỗi của đơn vị sử dụng đất.
Chưa có phương án xử lý
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội nói: “Trong số hơn 10.000 địa chỉ kê khai và đề xuất phương án xử lý thì chưa tới 5.000 địa chỉ được phê duyệt, phải chăng quy trình của Ban chỉ đạo 09 không hợp lý dẫn đến tình trạng này?”
Theo ông Ngoạn, đối với loại địa chỉ cần thu hồi, cần nêu rõ nguyên nhân và các tiêu chí thu hồi. Thu hồi để làm công viên cây xanh thì ổn, còn giao để sử dụng vào mục đích khác nếu không thống nhất và kỹ càng sẽ nảy sinh vấn đề ngay. Đơn cử, hiện Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam cho thuê lại hơn 9.500 m2 đất, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho thuê lại hơn 4.300 m2, Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho thuê lại 985 m2.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 09 TP HCM, khó khăn lớn nhất hiện nay của thành phố là số lượng nhà/đất cần phải xử lý quá lớn. Ông Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng, các ban, ngành thành phố cần xem lại vấn đề này.
“Nhà – đất phục vụ cho các tập đoàn, tổng công ty nhiều đến mức quản không xuể, đơn vị quản lý thở ngắn than dài, trong khi diện tích đất không đủ phục vụ các mục đích xã hội khác”, ông Thám trăn trở.
Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, phân vân sau khi kiểm tra và thống kê: “Liệu thành phố có quản lý toàn bộ địa chỉ đất của tập đoàn, tổng công ty trên địa bàn hay không? Và thực tế đất quốc phòng chiếm diện tích rất lớn, lại mang vào kinh doanh, trong khi đó các thành phần kinh tế khác lại “đỏ mắt” đi tìm đất. Thử hỏi có sự mất cân đối trong quản lý, sử dụng đất không?”
Công ty cao su Tân Biên đã thu hồi hơn 198 ha đất cho mượn sai luật
Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy Ban thường vụ Quốc hội chiều 13/7, ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cho biết, đã xử lý nghiêm trách nhiệm hành chính đối với các cá nhân sai phạm và giải quyết những tồn tại đối với hơn 279 ha đất cho mượn sai luật. Trong đó đã thu hồi 198 ha đất. Đây là diện tích mà Công ty cao su Tân Biên cho 19 cá nhân mượn trái luật từ năm 1988 – 1998. Cuối năm 2007, Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình quản lý đất nông nghiệp của Công ty Cao su Tân Biên và xác định công ty này cho 19 cá nhân là cán bộ, nhân viên công ty mượn hơn 279 ha đất. Riêng ông Trần Kiên Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, và hai người cháu mượn đến 86 ha đất để trồng cao su, thu lợi bất chính hơn 4,1 tỷ đồng. |